“50 năm quan hệ nhân dân Hà Lan - Việt Nam: Câu chuyện được kể lại”

(PLO) - Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Thị Hòa vừa gửi tới Báo PLVN những chia sẻ về quan hệ nhân dân giữa Việt Nam và Hà Lan. Trân trọng trích gửi tới độc giả nội dung bài viết.  
Trình chiếu phim tư liệu về hợp tác Hà Lan –Việt Nam trong chiến tranh
Trình chiếu phim tư liệu về hợp tác Hà Lan –Việt Nam trong chiến tranh

Trong một lần được mời đến dự buổi lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ nhân dân giữa Việt Nam và Hà Lan tại Viện phim Tư liệu của Nhà làm phim tư liệu nổi tiếng Hà Lan Joris Ivens ở TP Nijmegen cách La Hay 160 km (giáp với biên giới Đức), tôi đã được gặp những người bạn của Việt Nam trong phong trào đấu tranh chống lại cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam những năm 60-70 và đến bây giờ vẫn là những người bạn chung thủy của Việt Nam. Tôi được nghe câu chuyện của họ và được xem những thước phim quý giá về những hoạt động ủng hộ, giúp đỡ của họ đối với Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy.

Ông Ad Spijkers - từng là đại diện FAO tại Việt Nam, và cũng là thành viên tích cực trong phong trào ủng hộ Việt Nam tại TP Nijmegen - chia sẻ với tôi về những đóng góp của nhà làm phim tư liệu Joris Ivens đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam. Ông cho biết, trong thập kỷ 60 và đầu thập kỷ 70, chiến tranh ở Việt Nam diễn ra vô cùng ác liệt, có thể nói là ở đỉnh cao nhất của cuộc chiến, nhà làm phim Joris Ivens không quản ngại sự khốc liệt nguy hiểm của cuộc chiến đã tự mình đến tuyến đầu đạn lửa để chứng kiến cuộc chiến tranh và đã sản xuất nhiều bộ phim tư liệu về chiến tranh Việt Nam để giúp cho thế giới thấy được cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam và sự dũng cảm của nhân dân Việt Nam. “Ông là người vô cùng quả cảm khi làm như vậy”, ông Ad nói. Trong các cuốn phim có 4 cuốn phim nổi tiếng có giá trị cao đối với quốc tế về sự đoàn kết trong chiến tranh chống đế quốc và về tinh thần đấu tranh anh dũng vì hòa bình, độc lập và thống nhất của nhân dân Việt Nam, đó là Bầu trời và Mặt đất (1965); Xa Việt Nam (1967), Vĩ tuyến 17 (1966) và Cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh (1970).

Cũng trong những năm 60-70 ấy, phong trào đoàn kết với Việt Nam tại Nijmegen (quê hương của nhà làm phim Joris Ivens) trở nên rất sôi nổi. Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) đã ra đời năm 1968 tại Nijmegen và bắt đầu chương trình hợp tác với Việt Nam thông qua quá trình hỗ trợ y tế cho Việt Nam tại Đông Hà, Quảng Trị (nơi chiến tranh diễn ra ác liệt nhất). Vậy là quan hệ nhân dân với nhân dân giữa Hà Lan và Việt Nam chính thức bắt đầu. Trong phong trào ủng hộ Việt Nam đó, có rất nhiều tổ chức/nhóm ủng hộ Việt Nam ra đời tại Nijmegen như Ủy ban Việt Nam Nijmegen, Hội đồng phong trào Việt Nam Nijmegen, Nhóm Y tế, Nhóm đạp xe vì Việt Nam. Phong trào ủng hộ Việt Nam cũng lan rộng trong giới sinh viên và trường Đại học tại Nijmegen. 

Cùng với các trường Đại học của Hà Lan, ĐH Nijmegen đã bắt đầu một số dự án hợp tác cho Việt Nam trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ và y tế. Khi đó, chính ông Ad Spijkers đã phụ trách một dự án y tế. Cũng chính thời điểm đó Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam đã quyết định xây dựng một bệnh viện tại Đông Hà, Quảng Trị, nơi bị ảnh hưởng nhất của cuộc chiến tranh. Và năm 1974 Bệnh viện Hà Lan đã bắt đầu được xây dựng tại Đông Hà. Mọi trang thiết bị của Bệnh viện do các Trường Đại học Hà Lan đóng góp. Năm 1977, Bệnh viện mang tên “Bệnh viện Hà Lan” chính thức đi vào hoạt động. Chính phủ mới của Thủ tướng Joop Den Uyl (thành lập tháng 5/1973) đã tài trợ 1 triệu tiền Hà Lan (guilder) lúc đó để giúp cho việc xây dựng Bệnh viện Hà Lan tại Đông Hà.

Các trường ĐH của Nijmegen cũng cung cấp rất nhiều học bổng đào tạo cho Việt Nam. Từ năm 1978-1980, hàng trăm nhà khoa học, kỹ sư trong các lĩnh vực y tế, dược và kỹ thuật, nông nghiệp, thủy lợi đã đến Hà Lan, học tập thông qua các dự án của các trường ĐH. Bây giờ, Bệnh viện Hà Lan đã được xây mới ở nơi khác tại Đông Hà, Quảng Trị (1997) còn bệnh viện trước đây được giữ lại một phần làm bảo tàng của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam, biểu tượng cho mối quan hệ nhân dân - nhân dân giữa Hà Lan và Việt Nam.

Ông Ad Spijkers cho biết ông đã sang Việt Nam năm 1976 theo dự án Y tế mà ông và ông Jos Hilte phụ trách. Đến 1984, ông là đại diện cho FAO tại Việt Nam. Ông nói ông đã chứng kiến sự thay đổi rất lớn ở Việt Nam kể từ 1986 khi Việt Nam bắt đầu chính sách Đổi mới. Ông cũng đã gặp và kết hôn với vợ ông tại Việt Nam và người vợ Việt Nam của ông (bà Nhân Lộc) khi đó cũng làm cho tổ chức FAO tại Việt Nam. Việt Nam đã là một nơi gắn bó rất thân thiết của cuộc đời ông bà. Đến tận bây giờ, ông và vợ ông vẫn tiếp tục với công việc của mình hỗ trợ các dự án hợp tác với Việt Nam với mong muốn Việt Nam phát triển tốt đẹp hơn nữa. 

Thật xúc động khi nghe câu chuyện của họ, những lời tâm huyết và ước mong cho quan hệ Việt Nam - Hà Lan trong tương lai. Trong thời gian công tác tại Hà Lan một năm rưỡi qua, tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều người bạn của Việt Nam từ những ngày khó khăn gian khổ của chiến tranh ấy và đến bây giờ họ vẫn như những con ong cần mẫn xây đắp những nhịp cầu quan hệ, hữu nghị hợp tác Việt Nam - Hà Lan. Thật đáng trân quý những người bạn thủy chung của Việt Nam tại xứ sở hoa tu - líp tươi đẹp, rất xa xôi nhưng cũng rất gần gũi. 

Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan - Ngô Thị Hòa

Đọc thêm