6 tháng cuối năm, thị trường lao động toàn cầu khó phục hồi trở lại

(PLVN) -Trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã bày tỏ lo ngại sâu sắc khi số tổn thất về số giờ làm việc trên toàn thế giới trong nửa đầu năm 2020 tồi tệ hơn nhiều so với dự báo, cho thấy khả năng phục hồi thị trường lao động trong 6 tháng cuối năm là rất khó, ngay cả với kịch bản tích cực nhất. 
Khả năng phục hồi thị trường lao động toàn cầu  trong 6 tháng cuối năm là rất khó
Khả năng phục hồi thị trường lao động toàn cầu trong 6 tháng cuối năm là rất khó

400 triệu lao động đã bị giảm giờ làm

Theo Báo cáo nhanh số 5 của ILO ngày 1/7/2020, vì đại dịch mà tổng số giờ làm việc toàn cầu đã giảm 14% trong quý II năm 2020, tương đương với 400 triệu lao động toàn thời gian bị giảm giờ làm. Xét theo khu vực, tổn thất về số giờ làm việc trong quý II ở châu Mỹ là (18,3%), châu Âu và Trung Á (13,9%), châu Á và Thái Bình Dương (13,5%), các quốc gia Ả-rập (13,2%) và châu Phi (12,1%). Đại đa số người lao động trên thế giới (93%) vẫn đang sống ở những quốc gia hiện vẫn áp dụng biện pháp nào đó liên quan đến đóng cửa nơi làm việc.

Điều đáng nói, đây là mức giảm sâu hơn nhiều so với con số dự báo 10,7% (tương đương với 305 triệu lao động toàn thời gian) đưa ra trong Báo cáo nhanh ngay trước đó vào ngày 27/5.

Đặc biệt, ILO nhận định rằng, đại dịch Covid-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ vì có gần 510 triệu, tức 40% số lao động nữ toàn cầu, hiện đang làm việc trong bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lưu trú, ăn uống, bán hàng và sản xuất. Phụ nữ cũng chiếm số đông trong công việc giúp việc gia đình và trong lĩnh vực y tế và công tác xã hội. Do đó họ phải đối diện với nguy cơ cao hơn bị mất thu nhập hay lây nhiễm bệnh và ít có khả năng được hưởng bảo trợ xã hội. 

Đại dịch Covid-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ.
 Đại dịch Covid-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ.

Vẫn chịu tổn thất dù ở kịch bản khả quan nhất

Dự báo về tình hình 6 tháng cuối năm, ILO cho rằng nếu như làn sóng dịch thứ hai bùng phát và các biện pháp khống chế dịch bệnh được thiết lập lại, khiến công cuộc phục hồi chậm lại đáng kể thì số giờ làm việc sẽ tiếp tục giảm xuống 11,9%, tương đương với 340 triệu lao động toàn thời gian bị giảm giờ làm, so với cùng kỳ năm 2019. 

Và với kịch bản giả định lạc quan nhất là việc làm của người lao động được nhanh chóng khôi phục lại, thì mức tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu vẫn sẽ có, tuy mức giảm có ít hơn là 1,2%, tương đương với 34 triệu lao động toàn thời gian mất việc làm. 

Với mong muốn cùng các chính phủ tìm cách khắc phục, hóa giải tình trạng tồi tệ về thị trường lao đồng do đại dịch gây ra,  trung tuần tháng 7, ILO sẽ triệu tập hội nghị trực tuyến cấp cao toàn cầu về Covid-19 và thế giới việc làm. 

“Tôi hy vọng các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động sẽ tận dụng cơ hội này để trình bày và lắng nghe những ý tưởng sáng tạo, trao đổi những bài học kinh nghiệm và xây dựng được những kế hoạch cụ thể để cùng nhau thực hiện một công cuộc phục hồi chú trọng tạo nhiều việc làm, bao trùm, công bằng và bền vững. Bởi những quyết định mà chúng ta lựa chọn lúc này sẽ ó tác động trong nhiều năm tới, đến năm 2030 và lâu hơn nữa” - Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh.