Ai Cập trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới

(PLO) - Người dân Ai Cập ngày 14/1 đã đi bỏ phiếu về Hiến pháp mới trong một cuộc trưng cầu dân ý được xem là phép thử cho nỗ lực giành chức Tổng thống của Tổng Tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Sisi.
Bản Hiến pháp mới sẽ thay thế cho Hiến pháp được thông qua dưới thời của cựu Tổng thống Mohammed Morsi vài tháng trước khi ông bị quân đội lật đổ. Nếu người dân đồng ý thì nó sẽ mở đường cho các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội mới.
Thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem Beblawi đã miêu tả cuộc trưng cầu dân ý là “thời khắc trọng đại nhất” của Ai Cập. Bộ Nội vụ Ai Cập trong khi đó cho biết 200.000 cảnh sát, 150 đơn vị an ninh trung tâm và 200 nhóm chiến đấu đã được triển khai xung quanh các địa điểm bỏ phiếu.
Cảnh sát tại một điểm bỏ phiếu. Ảnh: Internet
Cảnh sát tại một điểm bỏ phiếu. Ảnh: Internet 
Bản Hiến pháp này do một ủy ban bao gồm 50 thành viên, trong đó chỉ có 2 người đại diện cho các đảng phái Hồi giáo soạn thảo. Chính quyền Ai Cập nói rằng Dự thảo Hiến pháp này sẽ đem đến cho người dân nhiều quyền tự do hơn và là một bước tiến quan trọng trên con đường tiến đến dân chủ. 
Nhà ngoại giao kỳ cựu Amr Moussa – người đứng đầu Ủy ban soạn thảo - nói rằng họ đã làm “mọi thứ có thể” để “bảo vệ và thúc đẩy dân chủ”. “Nhưng cũng có những điều khoản và tình huống cần phải xử lý nếu nghĩ đến an ninh của đất nước và an ninh của người dân” – ông Moussa nói thêm.
Tuy nhiên, các nhà chỉ trích cho rằng Dự thảo Hiến pháp ủng hộ quân đội và gây thiệt thòi cho người dân và không thể hiện được những thành quả của cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak hồi năm 2011. Nó duy trì điều khoản cho phép Tòa án Quân sự xét xử dân thường và cho quyền quân đội chỉ định Bộ trưởng Quốc phòng trong vòng 8 năm tới. Nó cũng quy định rằng ngân sách của quân đội không bị chính quyền dân sự giám sát.
Chiến dịch vận động cho bản Hiến pháp cũng bị chỉ trích với việc các đài phát thanh và truyền hình của cả Nhà nước và tư nhân tràn ngập những lời lẽ ủng hộ Hiến pháp mới. Trong khi đó, rất khó nhìn thấy các biểu ngữ của phe chống Hiến pháp và những ai dựng lên những biểu ngữ như vậy sẽ bị bắt.
Các nhà phân tích nói rằng, Tướng Abdel Fattah al-Sisi - Tư lệnh quân đội đứng sau việc lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi sau các cuộc biểu tình rầm rộ của người dân - sẽ ra tranh cử Tổng thống. Nếu người dân đi bỏ phiếu đông đảo thì Chính phủ lâm thời có thể xem đó là minh chứng cho tính hợp pháp của việc họ phế truất ông Morsi.