Ấn Độ công bố chính sách thu hút các công ty quốc phòng

(PLO) - Ấn Độ - nước nhập khẩu các vũ khí quốc phòng lớn nhất thế giới – vừa công bố chính sách mới để mời gọi các nhà sản xuất nước ngoài thành lập các liên doanh với các đối tác nhỏ hơn ở Ấn Độ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo AFP, Ấn Độ thời gian qua đã chi hàng chục tỉ USD để mua các máy bay chiến đấu, xe bọc thép, tàu ngầm và máy bay trực thăng của nước ngoài. Tuy nhiên, theo chính sách mới được giới chức Ấn Độ công bố, họ sẽ chỉ đồng ý ký séc mua thiết bị từ nước ngoài nếu các thiết bị đó được sản xuất tại Ấn Độ. 

Theo chính sách đối tác chiến lược vừa được công bố, Ấn Độ sẽ công bố tên các doanh nghiệp trong nước mà các công ty nước ngoài sẽ phải lựa chọn\ để lập các nhà máy ở địa phương. Trong các liên doanh đó, các công ty Ấn Độ sẽ giữ đa số cổ phần. Bằng việc áp  dụng chính sách này, Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng các công ty của nước này sẽ dần phát triển, tiến tới tiêu chuẩn toàn cầu và có thể cạnh tranh với các đối thủ khi những đơn đặt hàng đầu tiên hoàn tất. Không chỉ vậy, giới chức Ấn Độ cho rằng những thỏa thuận như vậy sẽ thúc đẩy việc tạo ra việc làm cho người lao động ở nước này.

Còn các công ty nước ngoài thì nói rằng đây là cơ hội quá tốt, không thể bỏ qua. Tập đoàn Airbus của châu Âu cho biết nếu giành được hợp đồng cùng sản xuất máy bay Panther trị giá vài tỉ USD và tiếp tục mở rộng hoạt động trong vòng 1 thập kỷ tới, họ sẽ biến Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất các máy bay trực thăng lên thẳng đa dụng.

Hiện nay, việc sản xuất máy bay Panther của Airbus đang được thực hiện ở nhà máy tại Marignane, Pháp. Tập đoàn Lockheed Martin tuyên bố nếu mẫu máy bay chiến đấu F-16 của họ được chọn, họ sẽ hỗ trợ cải tiến năng lực sản xuất của Ấn Độ. Ngoài ra, các công ty ThyssenKrupp của Đức và Tập đoàn Hải quân của Pháp cũng đang cạnh tranh để giành một hợp đồng đóng các tàu ngầm trị giá 10 tỉ USD ở Ấn Độ.

Động thái trên được giới chức Ấn Độ công bố trong bối cảnh Thủ tướng Narendra Modi đang phải chịu áp lực lớn trong việc tạo ra thêm việc làm cho hàng trăm nghìn người tham gia lực lượng lao động mỗi tháng. Cùng lúc, nước này cũng đang cần thu hút các công ty nước ngoài để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng đã chậm lại trong 3 tháng đầu năm 2017 và được dự báo sẽ còn chậm lại khi các doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh để phù hợp với chính sách thuế và hàng hóa được công bố hồi tháng 7 vừa qua. 

Ngoài Ấn Độ, Trung Quốc hiện cũng đang xây dựng ngành sản xuất thiết bị quốc phòng bằng cách yêu cầu các công ty quốc tế liên kết với các công ty Trung Quốc và bàn giao công nghệ trong quá trình sản xuất ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp của Ấn Độ, các công ty nước ngoài hiện vẫn đang vận động để họ có thể nắm giữ đa số cổ phần trong các công ty liên doanh với Ấn Độ. Theo lập luận của các công ty này, số cổ phần của họ có thể chuyển nhượng dần cho phía Ấn Độ khi các công ty của Ấn Độ nắm được các kiến thức và kinh nghiệm sản xuất từ phía nước ngoài. 

Một rào cản khác trong chính sách của Ấn Độ là việc chuyển giao công nghệ quốc phòng cần phải được Chính phủ chấp thuận. Do vậy, Ấn Độ cũng đang yêu cầu các đối tác nước ngoài phải có được sự đồng thuận của chính phủ ở nước họ - một yêu cầu không hề dễ dàng với các công ty quốc phòng.