An ninh lương thực - Thách thức của châu Phi

(PLO) - Thách thức lớn nhất hiện nay ở châu Phi là đảm bảo an ninh lương thực và châu lục này cần tập trung giải quyết vấn đề “sống còn” đó trong thời gian tới. 
Châu Phi vẫn tiếp tục phải chi hàng tỷ USD trong việc nhập khẩu lương thực, thực phẩm
Châu Phi vẫn tiếp tục phải chi hàng tỷ USD trong việc nhập khẩu lương thực, thực phẩm

Cuộc họp của các chuyên gia nông nghiệp vừa kết thúc ở thủ đô Kampala (Uganda) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi tôn trọng cam kết đầu tư 10% ngân sách quốc gia vào lĩnh vực nông nghiệp nếu họ muốn giúp hàng triệu người dân thoát khỏi nghèo đói. 

Nạn đói đeo bám

Một báo cáo mới của Oxfam, một tổ chức từ thiện quốc tế cho thấy, mặc dù nhiều quốc gia đã cam kết chi 10% ngân sách quốc gia cho phát triển nông nghiệp, nhưng rất nhiều trong số đó đã quay lưng lại với cam kết. Một số khác, trong đó có người đứng đầu Ủy ban Kinh tế Nông nghiệp và Nông thôn của Liên minh Châu Phi (AU), ông Josefa Sacko cho rằng, tỷ lệ này cần được hạ thấp vì nền kinh tế của nhiều quốc gia châu Phi chưa đủ mạnh đề dành ngân sách lớn cho lĩnh vực nông nghiệp. 

Trở lại năm 2003, tại Hội nghị Thượng đỉnh AU ở thủ đô Maputo (Mozambique), các nhà lãnh đạo châu Phi đã ký thỏa thuận cam kết về tài chính và thành lập Chương trình Phát triển Nông nghiệp Toàn diện của châu Phi (CAADP), một kế hoạch đầy tham vọng của châu lục này nhằm xây dựng và thúc đẩy một cuộc “cách mạng nông nghiệp” tại đây. Hơn 10 năm kể từ khi CAADP được thành lập, nạn đói, tình trạng suy dinh dưỡng và nghèo đói vẫn tiếp tục tồn tại ở khu vực này. Báo cáo Oxfam cho biết đây là chương trình được mệnh danh là “Lời hứa không thành công” trong việc hỗ trợ tài chính dành cho nông dân ở quy mô vừa và nhỏ ở châu Phi và cho rằng nguyên nhân gây ra vấn đề này là do ngân sách đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này còn quá thấp và không thường xuyên. 

Chuyên gia Agnes Kalibata, Chủ tịch Liên minh Cách mạng Xanh ở châu Phi (AGRA) cho biết có bằng chứng cho thấy một số quốc gia đã thông qua và thực hiện CAADP bằng việc chi 6% ngân sách cho phát triển nông nghiệp như Nam Phi, Ethiopia, Kenya, Rwanda... Theo bà Kalibata, những quốc gia đầu tiên đi theo lời kêu gọi là những quốc gia đang phát triển nhanh nhất trên lục địa này. Các quốc gia này không đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản mà đầu tư vào nông nghiệp.

Bà Kalibata lập luận rằng khi ngân sách quốc gia dành 10% cho phát triển nông nghiệp thì có thể xây dựng được một nền tảng vững chắc giúp nông dân thực hiện một cuộc cách mạng nông nghiệp. Bà Kalibata cho biết một trong số những vấn đề mà các nhà lãnh đạo cấp cao châu Phi cần hoạch định và thực hiện là các chính sách phát triển kinh tế vĩ mô phù hợp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, bao gồm các vấn đề chính sách tài khóa, tài chính tín dụng, thị trường nông sản, tăng năng suất cây trồng…

Các chuyên gia nông nghiệp thế giới cho biết họ rất ngạc nhiên vì châu Phi vẫn tiếp tục phải chi hàng tỷ USD trong việc nhập khẩu lương thực, thực phẩm trong khi có khoảng 40% sản phẩm nông nghiệp được sản xuất ở lục địa này lại bị lãng phí do công tác chế biến sau khi thu hoạch còn yếu kém và thiếu trang thiết bị, kho bảo quản cần thiết. 

Học cách làm nông nghiệp

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) cho biết châu lục này đã mất hơn 35 tỷ USD để nhập khẩu lương thực, thực phẩm và cảnh báo rằng con số này có thể sẽ tăng lên đến 110 tỷ USD vào năm 2025. Số tiền khổng lồ chi cho nhập khẩu lương thực lẽ ra nên được đầu tư và sử dụng để phát triển nông nghiệp, tạo thêm việc làm mới cho lực lượng dân số trẻ của “Lục địa Đen” này. Trước đó, chuyên gia Kalibata nói: “Châu Phi phải tận dụng lợi thế của lực lượng lao động trẻ. Hiện nay, chúng ta đang xuất khẩu lao động nhưng lại nhập khẩu lương thực, thực phẩm và đang gồng mình để duy trì vấn đề an ninh lương thực”. 

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố, lực lượng thanh, thiếu niên đang chiếm khoảng 60% tỉ lệ thất nghiệp ở châu Phi hiện nay. Lực lượng lao động trẻ phải được khuyến khích để tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp thay vì thực hiện những cuộc di cư mạo hiểm sang châu Âu qua biển Địa Trung Hải để tìm kiếm cuộc sống và cơ hội việc làm tốt hơn. Các chuyên gia kinh tế của WB nhấn mạnh: “Cần phải thay đổi quan niệm của thanh niên châu Phi về nông nghiệp vì lĩnh vực tiềm năng này có thể trở thành một ngành kinh doanh có triển vọng nhất trong tương lai tại châu lục này”. 

Bà Estherine Fotabong - Giám đốc Chương trình Đối tác Mới vì sự Phát triển của châu Phi (NEPAD) – cho rằng, các quốc gia châu Phi cần tận dụng tối đa lợi thế về nông nghiệp để xây dựng trong các chương trình nghị sự chính trị của lục địa này nhằm đẩy mạnh lĩnh vực rất quan trọng trên, vừa đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, vừa cải thiện đời sống của hơn 2/3 dân số của châu lục trong tương lai. Chuyên gia Fotabong lưu ý, châu Phi không nên tự tạo ra con đường phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp mà cần tham khảo các chính sách vĩ mô, kinh nghiệm sản xuất, sử dụng nguồn vốn đầu tư… từ các nước phát triển và có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Châu Phi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận và thực hiện CAADP đã được ký kết cách đây gần 15 năm. 

Đọc thêm