Argentina: Cuộc chiến pháp lý của cựu Tổng thống Cristina Fernandez

(PLO) -Sau khi bị tòa án liên bang xét xử với các tội danh rửa tiền và tham ô (thông qua công ty bất động sản Los Sauces của gia đình), cựu Tổng thống Cristina Fernandez lại bước vào một cuộc chiến pháp lý mới. Và đây là lần thứ hai nữ Tổng thống thứ hai trong lịch sử Argentina bị xét xử. 
Cựu Tổng thống Cristina Fernandez
Cựu Tổng thống Cristina Fernandez

Theo bản cáo trạng dài 392 trang, thông qua công ty Los Sauces, gia đình nữ cựu Tổng thống đã nhận hàng triệu USD tiền “hoa hồng" từ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng bị nâng giá, thông qua 2 doanh nhân Cristobal Lopez và Lazaro Baez (đều bị bắt giữ để điều tra). 

Được biết, Thẩm phán liên bang Claudio Bonadio đã ra lệnh phong tỏa số tài sản trị giá 130 triệu pesos (khoảng 8,4 triệu USD) của bà Cristina Fernandez vì trách nhiệm hình sự trong việc thành lập bất hợp pháp công ty Los Sauces để rửa tiền khi đương nhiệm.

Bà Cristina Fernandez bị cáo buộc lợi dụng vai trò chính trị để gian lận trong hoạt động kinh doanh. Hai con của bà là Maximo Kirchner và Florencia Maximo cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các cáo buộc tương tự. Và họ bị Thẩm phán Claudio Bonadio ra lệnh cấm rời khỏi đất nước.

Trước đó (tháng 12-2016), Thẩm phán liên bang Julian Ercolini cũng đã ra quyết định xét xử bà Cristina Fernandez vì thành lập công ty Hotesur để kiếm hợp đồng xây dựng công trình công cộng. Thẩm phán Julian Ercolini cũng ra lệnh phong tỏa khối tài sản trị giá 10 tỷ pesos của cựu Tổng thống.

Thẩm phán Julian Ercolini cáo buộc bà Cristina Fernandez thành lập một đường dây (từ tháng 5-2003 đến tháng 12-2015), để tham ô các khoản tiền trong những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại tỉnh Santa Cruz (quê hương của bà Cristina Fernandez và cố Tổng thống Nestor Kirchner từng là Thống đốc). Theo ông Julian Ercolini, cơ quan chức năng đã thu thập đủ bằng chứng để đưa bà Cristina Fernandez ra xét xử với cáo buộc tham nhũng. 

Theo giới truyền thông Argentina, doanh nhân Leonardo Farina đã quyết định hợp tác với cơ quan điều tra và khai rằng, cố Tổng thống Nestor Kirchner (2003-2007), và bà Cristina Fernandez đều tham ô và có liên quan tới rửa tiền. Tờ Australian Financial Review đưa tin, bà Cristina Fernandez bị cáo buộc ngầm hỗ trợ để doanh nhân Lazaro Baez (đã bị truy tố), chủ công ty xây dựng Austral Construcciones, người có quan hệ gần gũi với gia đình nữ cựu Tổng thống nhận các hợp đồng từ chính phủ.

Vợ chồng Tổng thống Cristina Fernandez
Vợ chồng Tổng thống Cristina Fernandez

Doanh nhân này đang bị điều tra với cáo buộc tham ô hàng triệu USD từ những dự án của công ty xây dựng Austral Construcciones thắng thầu tại tỉnh Santa Cruz. Được biết, trong 2 nhiệm kỳ của bà Cristina Fernandez (2007-2015), công ty Austral Construcciones của doanh nhân Lazaro Baez đã nhận được trên 50 hợp đồng từ các dự án của chính phủ. 

Ngoài 2 phiên xét xử kể trên, bà Cristina Fernandez còn bị triệu tới tòa để lấy lời khai về việc từng tham gia vào hoạt động thao túng tỷ giá USD tại Ngân hàng Trung ương Argentina. Theo cáo buộc của Thẩm phán Claudio Bonadio, tại thời điểm bà Cristina Fernandez đương nhiệm, có sự chênh lệch lớn về tỷ giá giữa đồng peso với USD ở chợ đen và chính thức công bố của Ngân hàng trung ương Argentina.

Do đó, việc bán USD với tỷ giá thấp hơn so với chợ đen có thể đem lại khoản chênh lệch lên tới 5,2 tỷ USD. Về phần mình, bà Cristina Fernandez đã bác bỏ mọi cáo buộc tham nhũng, và coi đây là "sự truy sát tư pháp và truyền thông chưa từng có tiền lệ" ở Argentina; đồng thời cho rằng, những cáo buộc nhằm vào bà là "âm mưu chính trị"./.

Ngày 29-12-2016, bà Cristina Fernandez (người có biệt danh “Hillary Clinton của Argentina”, “Bà hoàng Crisitina”, thậm chí là “Imelda Marcos của Argentina”, đã trở thành nữ Tổng thống dân bầu đầu tiên trong lịch sử Argentina sau cuộc bầu cử hôm 28-10-2007) bị tòa tái điều tra về vai trò trong vụ đánh bom vào một trung tâm của cộng đồng người Do Thái ở thủ đô Buenos Aires hôm 18-7-1994, khiến 85 người chết và 300 người bị thương.

Bà Christina Fernandez bị cáo buộc cố tình che giấu vai trò của Iran trong vụ đánh bom kể trên để Argentina được hưởng nhiều ưu đãi trong hợp đồng mua dầu mỏ từ quốc gia Trung Đông này. Khi đó, Israel cáo buộc Iran đứng đằng sau cái chết của 85 người và đó là vụ tấn công tàn bạo nhất nhằm vào người Do Thái kể từ sau Thế chiến II./.