Ba Lan: Khai quật mộ cố tổng thống để điều tra

(PLO) -Chiếc máy bay chở cố tổng thống Lech Kaczynski hồi tháng 4/2010 rơi ở thành phố Smolensk, phía tây nước Nga, khiến toàn bộ 96 người trên khoang thiệt mạng.
Cố tổng thống Lech Kaczynski
Cố tổng thống Lech Kaczynski

Ba Lan sẽ khai quật mộ Lech Kaczynski để khám nghiệm nhằm phục vụ điều tra sau thảm họa, theo AFP. Gia đình cố tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski đã chấp thuận yêu cầu khai quật mộ từ phía cơ quan điều tra.

"Tôi đồng ý với quyết định của công tố viên về việc khai quật", AFP dẫn lời ông Jaroslaw Kaczynski, anh em song sinh của ông Lech Kaczynski, hiện là lãnh đạo đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý (PiS), cho hay. 

Nhận dạng sai?

Các công tố viên Ba Lan thông báo sẽ mở nắp quan tài những nạn nhân, vốn bị niêm phong tại Nga, với lý do cơ quan chức năng cần phân tích, đánh giá để xác định nguyên nhân vụ rơi máy bay. Hồi tháng 6, các công tố viên cho biết, 6 trong 9 thi thể khai quật trước đây đã bị nhận dạng sai. 

Đầu năm 2016, các thành viên cấp cao của PiS bác bỏ kết luận từ chính phủ tiền nhiệm, đổ lỗi máy bay rơi do phi công điều khiển trong điều kiện thời tiết xấu và cho rằng, phi cơ rơi do một vụ nổ trong khoang.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Anthony Macherevich , phi cơ đã "vỡ tan thành nhiều mảnh" trước lúc lao xuống đất. Ông tuyên bố thông tin trên trước Hạ viện Ba Lan, cho rằng nhà chức trách Ba Lan đã che giấu "những nguyên nhân thực sự và tiến trình sự kiện" trong vụ tai nạn máy bay Tu-154.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan nhấn mạnh chính phủ trước "đã giấu giếm các tài liệu quan trọng", kể cả tài liệu về khoảng thời gian cuối cùng trong chuyến bay của chiếc Tu-154. "Họ đã cung cấp dữ liệu cho Viện công tố kiểm tra, nhưng theo cách để không thể hiểu được giá trị và nội dung đích thực của chúng. Họ giữ lại những tài liệu quan trọng, kể cả những tài liệu về quỹ đạo chiếc Tu-154 trong khoảng thời gian cuối cùng của chuyến bay". Theo vị bộ trưởng này, "cơ quan tình báo quân đội đã tích cực tham gia giả mạo và che giấu thông tin". 

Hiện trường chiếc Tu-154 gặp nạn hồi năm 2010.
Hiện trường chiếc Tu-154 gặp nạn hồi năm 2010.

Căng thẳng quan hệ

Công tố viên quân đội, Đại tá Marcin Maksjan, phỏng đoán gia đình đã xác định đúng người thân ngay sau vụ tai nạn nhưng tại Viện pháp y Moscow (Nga), các bác sĩ đã để các tử thi nhầm vào quan tài dẫn đến những nhầm lẫn này.

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk lại đổ lỗi cho gia đình đã nhận nhầm thân nhân và nói rằng không hiểu tại sao gia đình lại cứ muốn khai quật tử thi người thân. Tính đến cuối năm 2012, trong tổng số chín ca khai quật, có đến sáu trường hợp nhầm lẫn về nhân thân.

Vụ rơi máy bay xảy ra khi các phi công trên chiếc phi cơ Tu-154 cố hạ cánh xuống một sân bay ít được sử dụng ở Smolensk trong thời tiết sương mù. Ông Lech Kaczynski cùng phái đoàn lúc bấy giờ đang trên đường tới Nga để tham dự lễ tưởng niệm 22.000 sĩ quan Ba Lan bị cảnh sát mật Liên Xô hành quyết hồi năm 1940.

Vụ rơi phi cơ chở tổng thống năm 2010 là một trong những thảm họa khủng khiếp nhất ở Ba Lan kể từ sau Thế chiến II, gây ra mối bất đồng sâu sắc bên trong quốc gia này trước nguyên nhân vụ việc. Phía Ba Lan cố gắng đổ lỗi cho các điều phối viên của Nga.

Ngay khi thông tin Ba Lan sẽ khai quật mộ cố Tổng thống Lech, Nga cho rằng, động thái này không gì khác là để chống lại Moscow từ phía Warszawa. Ba Lan đã tìm cách lợi dụng tai nạn với chiếc máy bay Tu-154 như một phương tiện gây chiến tranh thông tin chống Nga.

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Leonid Kalashnikov đã nói lên ý kiến này. Ông Kalashnikov nhấn mạnh rằng, thái độ của Warszawa đối với Moscow đã và vẫn là tiêu cực, vì thế trong bất kỳ trường hợp nào Ba Lan sẽ không hài lòng với kết quả điều tra.

"Thế giới đã thay đổi và bây giờ có thái độ lạnh nhạt hơn với Nga. Cuộc chiến tranh thông tin đã bắt đầu và đang tiếp diễn. Ba Lan cũng cố gắng "đục nước béo cò". Vì vậy, họ tiếp tục lợi dụng mọi cơ hội để chống Nga", ông Kalashnikov cho biết.../.