Báo chí thế giới chung tay chống tin giả

(PLO) - Ngày 28/2, gần 40 đơn vị truyền thông tại Pháp và nhiều nước trên thế giới đã công bố dự án chung trong việc kiểm chứng sự thật, mang tên “CrossCheck”, nhằm sàng lọc thông tin giả mạo có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sắp tới. 
Dự án sàng lọc thông tin CrossCheck thu hút sự tham dự của tổng cộng khoảng 250 nhà báo đến từ 37 đơn vị truyền thông
Dự án sàng lọc thông tin CrossCheck thu hút sự tham dự của tổng cộng khoảng 250 nhà báo đến từ 37 đơn vị truyền thông

Về phần mình, những thông tin giả mạo, tin đồn thất thiệt đăng tải trên các phương tiện truyền thông ở Indonesia, đặc biệt là các trang mạng xã hội đang trở thành một vấn nạn, buộc chính phủ nước này phải tìm cách giải quyết...

Dự án sàng lọc thông tin CrossCheck sẽ được triển khai dưới sự phối hợp điều hành của Google và Hiệp hội phi lợi nhuận First Draft News. 

Tập hợp lực lượng

Sáng kiến này thu hút sự tham dự của tổng cộng khoảng 250 nhà báo đến từ 37 đơn vị truyền thông và sẽ theo dõi sát 2 vòng bầu cử tổng thống tại Pháp vào tháng 4 và tháng 5 tới. Trong 37 đơn vị này có Hãng thông tấn AFP, 2 nhật báo Le Monde và Liberation của Pháp, tổ hợp truyền thông BBC và Kênh truyền Channel 4 của Anh, cũng như hãng tin tài chính Bloomberg của Mỹ. 

Giám đốc phụ trách hãng tin AFP trên toàn cầu, bà Michele Leridon, cho rằng cần đặt tiêu chí cạnh tranh sang một bên trong bối cảnh các giá trị cốt lõi của ngành truyền thông đang bị đe dọa. Theo bà, truyền thông thế giới cần chung tay ứng phó với vấn đề này, bởi vậy dự án CrossCheck là một bước đi có ý nghĩa đáng kể trong định hướng quan trọng này.   

Trong khi đó, Giám đốc điều hành First Draft, Jenni Sargent cho biết trang web về dự án CrossCheck (https://crosscheck.firstdraftnews.com) cho phép 37 đối tác truyền thông nói trên đóng góp những nỗ lực cũng như những sáng kiến trong việc phát hiện từ đó loại bỏ các phát ngôn sai lệch về khía cạnh chính trị cùng nhiều khía cạnh khác, đồng thời tạo lập nguồn thông tin chính thống, chân thực. Ngoài ra, mỗi đối tác đều có thể đăng tải các thông tin đã được kiểm chứng tương tự như vậy trên các giao diện thông tin riêng của họ. 

Nhà báo Adrien Senecat thuộc nhật báo Le Monde đã bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến trên, khi các phóng viên, biên tập viên từ nhiều hãng tin có cơ hội cộng tác với nhau, thay vì chỉ đơn thuần tác nghiệp độc lập tại các khu vực riêng biệt.  

Bất kỳ độc giả nào có mong muốn CrossCheck kiểm chứng thông tin mà họ đọc hoặc nghe được thì đều có thể điền vào mẫu trực tuyến dưới hình thức ẩn danh, trên trang web https://crosscheck.firstdraftnews.com hoặc trên các website riêng của các đơn vị đối tác tham gia dự án này. Ít nhất 2 đơn vị truyền thông sẽ tiến hành kiểm chứng tất cả các thông tin. Nếu được phê duyệt là tin tức chính thống, hệ thống sẽ cho phép cập nhật các thông tin này lên các trang báo. 

Dùng mã vạch truyền thông

Những thông tin giả mạo, tin đồn thất thiệt đăng tải trên các phương tiện truyền thông ở Indonesia, đặc biệt là các trang mạng xã hội đang trở thành một vấn nạn, buộc chính phủ nước này phải tìm cách giải quyết. Báo “Bưu điện Jakarta” số mới đây đăng bài viết của tác giả Dandy Koswaraputra với nhận định, những sáng kiến thiết lập hệ thống mã vạch truyền thông đang được Hội đồng báo chí Indonesia đánh giá cao bởi nó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các tin tức giả mạo đang bùng phát ở quốc gia này. 

Sáng kiến thiết lập hệ thống mã vạch truyền thông đang được Hội đồng báo chí Indonesia đánh giá cao
Sáng kiến thiết lập hệ thống mã vạch truyền thông đang được Hội đồng báo chí Indonesia đánh giá cao

Theo đó, ý tưởng mã vạch truyền thông sẽ được áp dụng đối với các phương tiện truyền thông đại chúng của Indonesia (bao gồm cả các trang mạng xã hội), đồng thời cũng sẽ khiến các hoạt động kinh doanh không lành mạnh (trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt để quảng cáo) sẽ phải điều chỉnh để tránh vi phạm bản quyền.

Các nhà báo hoặc tác giả của những bài viết, công trình nghiên cứu... cũng sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến này bởi một thực tế là các cơ quan chức năng của Indonesia đang bị mất khả năng kiểm soát việc vi phạm bản quyền, kiểm duyệt thông tin, ảnh hưởng đến những giá trị và tính tự do của báo chí. Việc thẩm tra thông tin bằng cơ chế mã vạch sẽ là một trong những giải pháp tốt nhất chống vấn đề giả mạo thông tin. 

Nhiều hãng truyền thông lớn với hệ thống tin tức khổng lồ được tạo ra bởi các nhà báo chuyên nghiệp đã hưởng ứng nhiệt liệt ý tưởng bảo vệ quyền tác giả. Thực tế cho thấy những thông tin hợp pháp đang gặp phải những khó khăn nhất định trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay. Nhiều tin tức giả mạo, biến tấu không được kiểm tra, thẩm định, trong khi rất nhiều độc giả chưa có khả năng phân biệt các loại thông tin.

Việc quản lý, xác minh bằng mã vạch truyền thông sẽ không chỉ giúp độc giả tránh được những lệch lạc, sai sót của thông tin mà còn mang lại những hy vọng cũng như lợi ích cho những người cung cấp thông tin. Số lượng các phương tiện truyền thông trực tuyến và không trực tuyến đã phát triển bùng nổ ở Indonesia trong những năm gần đây. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia, hiện nước này có hơn 500 tờ báo in, 11 đài truyền hình quốc gia, 394 đài truyền hình địa phương, 1.200 đài phát thanh và 43.000 trang mạng. Cho đến nay, Hiệp hội Báo chí Indonesia mới chỉ xác nhận 240 cổng thông tin có giá trị trong việc đăng tải tin tức. Điều này cho thấy một thực tế là ở Indonesia hiện đang có rất nhiều trang điện tử, báo, đài chưa được cấp phép hoạt động. 

Khi biện pháp kiểm tra, kiểm duyệt bằng mã vạch truyền thông được công bố, đã có nhiều nhà báo lên tiếng chỉ trích, cho rằng việc này sẽ khiến Indonesia quay trở lại thời kỳ độc tài với việc kiểm duyệt báo chí gắt gao, làm suy yếu quyền tự do báo chí cũng như tự do ngôn luận. Các blogger và nhà báo tự do lo ngại rằng chính sách này sẽ làm giảm sự sáng tạo cũng như hiệu quả kinh doanh.

Những người chỉ trích còn nói rằng do không thể kiểm duyệt Internet nên cũng không thể ngăn chặn các tin tức giả mạo trong thời đại kỹ thuật số và kế hoạch này cuối cùng sẽ thất bại. Một số chỉ trích cũng đến từ Liên minh các nhà báo độc lập (AJI), trong đó họ đặt câu hỏi về độ tin cậy trong quá trình xác minh thông tin của Hội đồng thẩm tra vì chỉ liên quan nhiều đến thủ tục hành chính pháp lý mà không tập trung về nội dung. Trái lại, những người ủng hộ việc quản lý thông tin bằng hệ thống mã vạch thì cho rằng vấn đề này sẽ có lợi cho công chúng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính. 

Theo Dandy Koswaraputra, việc thiết lập hệ thống mã vạch truyền thông không chỉ có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn các tin tức giả mạo mà còn có tác dụng giáo dục cộng đồng. Mặc dù không thể ngăn chặn tất cả những tin tức giả mạo trên Internet nhưng ít nhất cũng có thể ngăn chặn những mục quảng cáo trái phép với những khoản lợi nhuận béo bở từ việc thực hiện các hành động không công bằng này. Hệ thống mã vạch của Hội đồng Báo chí Indonesia sẽ hỗ trợ cho hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông nước này, trong đó cũng có tác dụng kiểm soát sự lây lan của những tin tức làm gia tăng sự thù hận và phân biệt đối xử trong xã hội...

Đọc thêm