“Bến đàn ông” giữa lòng Seoul hoa lệ

(PLO) - Từ nhiều năm qua, khu vực Jongno ở trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc là nơi lui tới thường xuyên của những cụ ông ở thành phố này và các khu vực lân cận. Mỗi người một cảnh ngộ, sự xuất hiện của họ khiến cho bức tranh đời sống ở đây trở nên sinh động hơn rất nhiều.
Một cụ ông ở Jongno
Một cụ ông ở Jongno

Điểm đến hiếm hoi

Suốt 20 năm qua, ngày nào cụ ông Kim Yun-sik, 78 tuổi cũng đến Jongno và ở đó cho đến tận tối. Vào buổi trưa, ông ăn trưa miễn phí ở quán ăn từ thiện rồi lang thang ở Công viên Tapgol cho đến tận cuối ngày mới trở về nhà ở quận Gangbuk, phía đông bắc Seoul. 

“Ở đây rất thích. Một bữa ăn chỉ tốn 2.000 won (khoảng 1,8 USD). Đến đây, tôi gặp được nhiều người cùng thế hệ và có thể nói chuyện với họ. Thi thoảng chúng tôi còn rủ nhau đến phòng karaoke. Người già như tôi thì biết đi đâu khác được? Chỗ này là nơi duy nhất mà tôi có thể nghỉ ngơi, thư giãn mà không phải để ý đến người khác”, cụ ông cho hay.

Jongno là một khu phố cổ ở Seoul. Nơi này mỗi ngày đều có rất đông những người già như ông Kim tìm đến “chỉ để cho qua ngày”. Cơ quan quản lý Công viên Green thuộc Văn phòng quận Jongno cho hay, chỉ tính riêng tại khu vực Jongmyo và công viên Tapgol – là những khu vực thường xuyên có đông người tụ tập – mỗi ngày trung bình đã có khoảng 3.000 người già lui tới. 

Hầu hết những người tìm đến đây đều là những cụ ông cụ bà từ khoảng gần 70 tới ngoài 80 tuổi, là thế hệ những người từng trải qua chiến tranh. Tuổi trẻ của họ cũng là những năm tháng Hàn Quốc nghèo nhất.

Là một phần của lực lượng lao động trong suốt quãng thời gian Hàn Quốc có sự tăng trưởng kinh tế kỳ diệu từ những năm 1960 đến những năm 1980, những người đàn ông và phụ nữ đó từng được vinh danh là trụ cột của nền công nghiệp Hàn Quốc. 

Tuy nhiên, niềm vinh dự đó không dài lâu. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã khiến kinh tế Hàn Quốc lao đao. Rất nhiều người thuộc thế hệ này đã bị mất việc làm hoặc không có công việc ổn định trong khi đã bước sang tuổi ngoài 40 hoặc ngoài 50.

Nói cách khác, những cụ ông cụ bà thường xuyên tới Jongno cũng chính là những người đã đi qua những giai đoạn khó khăn, yếu kém nhất của lịch sử Hàn Quốc hiện đại nhưng đến khi đã trở thành những người già, họ lại chẳng có nhiều nơi để đến.

Thế giới của ông lão

Không khó để tìm hiểu lý do nhiều người già thường xuyên tới Jongno. Đây là nơi giao cắt của nhiều tuyến tàu điện ngầm ở khu vực trung tâm của thủ đô Seoul. Những tuyến tàu này lại thường miễn phí cho người già. Vì vậy, việc đến khu vực này vừa thuận tiện lại không tốn kém. Không những thế, họ còn gặp được nhiều người cùng trang lứa. 

Có điều, không tốn kém chi phí và thời gian đi lại cũng chỉ là một số lý do. Lý do khác nằm ở việc có rất nhiều cụ ông tìm đến đây bởi họ thấy cô đơn lạc lõng khi ở nhà, bởi suy nghĩ rằng mình đã mất đi vai trò trụ cột trong gia đình sau khi nghỉ hưu. 

“Ở nhà tôi cũng chỉ biết quanh ra quẩn vào. Vợ và con dâu suốt ngày bài xích tôi chỉ biết loanh quanh mà không kiếm ra tiền”, cụ ông Park Gyu-sang, 79 tuổi, nói khi đang ngồi chơi cờ với những người bạn ở Jongno. 

Ông Lee Ho-young, 76 tuổi, ngồi cạnh cũng gật gù thể hiện sự tán đồng. “Những người đàn ông thường có tiếng nói hơn khi họ còn trẻ nhưng khi về già, tiếng nói của họ dần kém trọng lượng hơn. Bản thân tôi luôn tự nhủ không nên hơn thua với vợ và ra khỏi nhà cho thoải mái”, ông Lee nói.

Song, có một điều ngạc nhiên là trong số những đám đông ở Jongno gần như không có phụ nữ, đa số những người già ở đây đều là những cụ ông. Nhiều người cho rằng lý do nằm ở việc các cụ bà cảm giác rằng đây là nơi dành riêng cho những cụ ông. 

“Tôi không thích đến đây vì ở đây không có nhiều hoạt động để tham gia. Phụ nữ thường ở nhà làm các công việc lặt vặt, đi uống cà phê gặp bạn bè. Chẳng có lý do gì để ngồi đây cả. Tôi không thích nói về chính trị, chơi cờ hay hút thuốc”, một cụ bà cho hay.

Nếu có sự xuất hiện của những cụ bà ở Jongno thì đa phần họ là những người bán dâm cho người già, còn được gọi là những bà bacchus. Hầu hết những cụ bà như vậy buộc phải bán dâm vì nghèo khó. 

Trong bộ phim Quý Bà Bacchus được công bố năm 2016, nhiều cụ bà cho biết đã phải chấp nhận quan hệ tình dục với những cụ ông với mức giá chỉ khoảng 30.000 won (tương đương khoảng 27 USD) để có tiền chi trả viện phí. Sau bài viết “Những bà cụ Hàn Quốc bán dâm”, chính quyền Seoul đã tăng cường trấn áp tình trạng này. 

Theo đồn cảnh sát Jongno, chỉ trong năm 2015 - là năm gần nhất số liệu này được thống kê -  họ đã bắt giữ khoảng 70 phụ nữ như vậy. Song, hiện nay, số người như vậy đã ít đi rất nhiều.

Những người tị nạn trong thành phố

Jongno là một khu vực hấp dẫn với những người yêu thích lịch sử và du khách. Từng là trái tim của triều đại Joseon từ thế kỷ 14, nay quận này là một trong những trung tâm sầm uất nhất của Hàn Quốc hiện đại. Điểm thú vị ở đây chính là việc những tòa nhà chọc trời mọc lên trên các kiến trúc lịch sử tạo nên cảnh quan thú vị. Đó có lẽ cũng là một lý do khiến nhiều người già tìm đến Jongno.  

Vào mùa đông lạnh giá nhưng ở Tapgol công viên vẫn có khoảng 200 người già. Nhiều người trong số họ ngồi ngay sát cạnh nhau, một số mải mê đọc báo. 

Cụ ông Lee Jeong-seok, 75 tuổi, sống ở thành phố Suwon, là một trong số này. “Tôi bắt đầu đến đây từ 3 năm trước và từ đó ngày nào cũng tới. Dù không nói chuyện với ai nhưng cảm giác được ngồi cùng những người đàn ông có tuổi khác vẫn khiến tôi dễ chịu. Đồ ăn uống ở khu vực Tapgol tương đối rẻ. Đặc biệt, cảnh quan ở đây khiến tôi cảm thấy thân thuộc, giúp tôi nhớ lại khi còn trẻ  vẫn hàng ngày đi qua những khu phố tương tự”, ông cho Lee cho hay. 

Cách công viên Tapgol khoảng 10 phút đi bộ là Jongmyo - một ngôi đền cổ từng là nơi ở của hoàng tộc thời Joseon. Được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1995, Jongmyo là nơi nhiều cụ ông tập trung để chơi cờ bàn luận chính trị. 

Hầu hết những cụ ông ở Tapgol và Jongmyo đều có nhà để trở về, có cơm nóng canh ngọt chờ sẵn và có nơi để ngả lưng nhưng ở những con hẻm tại Nakwon-dong, cũng thuộc khu Jongno lại có những cụ ông đang sống dưới mức nghèo khổ. Họ phải nhặt rác để đổi lấy thức ăn. Nhiều người không có nhà cửa nên phải ngủ trên đường phố.

Theo một báo cáo năm 2016 của OECD, khoảng một nửa người từ 65 tuổi trở lên ở Hàn Quốc đang sống dưới mức đói nghèo. Hàn Quốc cũng là nước có tỉ lệ người già sống trong cảnh đói nghèo cao nhất trong số 38 thành viên của tổ chức này. 

Một báo cáo do trung tâm dữ liệu và thống kê của Mỹ công bố năm 2016 cho biết, số người từ 65 tuổi trở lên hiện đang chiếm 14% trong tổng số 51 triệu dân của Hàn Quốc. Đến năm 2020 tỷ lệ này sẽ là 35,9%; là tỉ lệ dân số già cao thứ 2 thế giới sau Nhật Bản. 

“Những cụ ông ở Jongno chính là những người tị nạn trong thành phố. Việc bị xã hội và gia đình thờ ơ đã đẩy họ tới khu vực này”, ông Kim Kwang-an - một thợ chụp ảnh thờ miễn phí cho người già ở Jongno từ năm 2014 đến 2015 – nhận định. 

Từng làm việc trong một công ty xây dựng, ông Kim Kwang-an năm nay 80 tuổi. Ông bắt đầu chụp ảnh miễn phí cho người già từ 10 năm trước như một cách để ông chia sẻ những đặc ân mà ông đã nhận được từ xã hội cho những người kém may mắn hơn - những người thậm chí không có điều kiện để chụp một bức ảnh thờ. Đến nay, 1.075 bức ảnh của ông đã được đưa vào Bảo tàng lịch sử Seoul. 

“Nhìn vào khuôn mặt của họ qua ống kính tôi có thể biết họ sống ra sao. Nhiều người không có gia đình. Biểu cảm trên khuôn mặt họ như muốn van lơn mọi người đừng quên họ khi họ chết đi”, ông nói.