Bí mật 3 đại nạn trong lịch sử hải quân Trung Quốc

(PLO) -Trong lịch sử hải quân Trung Quốc kể từ sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời năm 1949 đến nay đã xảy ra 3 sự cố kinh hoàng gây tổn thất nghiêm trọng về người và phương tiện. Sau nhiều năm, nguyên nhân các sự cố nghiêm trọng này cũng được làm sáng tỏ…
Tàu 418 khi bị vớt lên
Tàu 418 khi bị vớt lên

Kỳ 1- Đại nạn tàu ngầm 418

Tàu ngầm 418 vốn là tàu ngầm cỡ nhỏ lớp M mang số hiệu M-279 của hải quân Liên Xô viện trợ cho Trung Quốc. Hạm trưởng tàu 418 là Trương Minh Long; hạm phó Vương Minh Tân tốt nghiệp Học viện Hải quân Leningrad được rèn luyện trên hạm tàu; Hàng hải trưởng Kim Tác Ấn tốt nghiệp Trường Hàng hải Đại Liên, thuộc lứa sinh viên đầu tiên của nước Trung Quốc mới; Chính ủy hạm Mã Chấn Dân ngã bệnh trước khi ra biển nên cấp trên phải điều Trương Tiền Xung, trợ lý tổ chức Chi đội xuống làm quyền Chính ủy.

Bất ngờ sau diễn tập

Ngày 1/12/1959, Hạm đội Đông Hải diễn tập chống tàu ngầm ở biển Chu Sơn. Lần diễn tập này là bắt đầu tự lực cánh sinh thực hiện kỹ, chiến thuật của chính binh lính tàu ngầm Trung Quốc từ khi thành lập binh chủng năm 1954. Do tàu 418 lâu ngày không được duy tu, một số máy móc bị trục trặc. Hôm  trước, khi diễn tập phóng ngư lôi tiến công, chả quả nào bắn trúng mục tiêu, một quả ngư lôi huấn luyện trị giá 150 ngàn tệ bị thất lạc.

Giữa trưa, cuộc diễn tập sắp kết thúc thì thời tiết đột nhiên thay đổi, sóng to gió lớn. Tàu 418 lặn dưới độ sâu 50m hành tiến hết tốc lực, di chuyển theo hình chữ “chi” biên độ lớn để tránh bị các tàu nổi của “đối phương” phát hiện.

13h40’ kết thúc diễn tập, tàu hộ vệ Hoành Dương phối hợp diễn tập cùng tàu 418 đến vùng biển đã định thả neo dừng lại. Theo quy định thì tàu mặt nước trước khi rời khỏi khu vực biển, không được thả neo giữa chừng để tàu ngầm có thể giám sát được âm thanh, đảm bảo an toàn khi nổi lên.

Khi đó, tàu “Hoành Dương” ném 3 quả lựu đạn xuống biển (do hạn chế về trang bị kỹ thuật khi ấy, đó là cách để tàu nổi liên lạc với tàu ngầm). Nhân viên sonar của tàu 418 nghe thấy 3 tiếng nổ liền báo cáo hạm trưởng “tàu đã được phép nổi”.

Thế là Trương Minh Long ra lệnh cho tàu chuẩn bị nổi lên. Bơm cao áp hoạt động, nước từ các khoang chứa được đẩy ra, tàu 418 bắt đầu nổi lên, ngờ đâu càng nổi càng đến gần tai họa. Tàu Hoành Dương như một bức tường chắn ngay phía trên.

Mặt biển khi đó sóng cũng đã khá yên, các thủy thủ đang tập trung lau chùi vũ khí sau diễn tập đột nhiên thấy thân tàu rung lắc nhưng không ai để ý. Thế nhưng, lần rung lắc này là đòn chí tử Hoành Dương giáng vào tàu ngầm 418 đang nổi. 

Sau cú rung lắc của nó, nước ào ào ập vào trong tàu 418. Chỉ sau 3 phút, toàn bộ 3 khoang số 2, 3, 4  đều ngập nước. Con tàu từ từ chìm xuống đáy biển ở độ sâu hơn 40m, 7 sĩ quan và 17 thủy thủ ở 3 khoang này bị tử nạn. 

Tướng Đào Dũng
 Tướng Đào Dũng

Họa vô đơn chí

Khi tàu chìm, máy trưởng Vương Phát Toàn đang ở khoang số 5 nghe thấy những người ở khoang số 4 ra sức gõ vào cửa kín nước và gào lên qua loa: “Khoang 5 bơm nước ra nhanh lên, bơm nhanh lên!”.

Vương Phát Toàn biết khoang 4 không có thiết bị bơm, trông chờ vào máy bơm ở khoang 5 nên vội vừa gọi tân binh Lục Chính Đức vừa lao đến chỗ để ống bơm nước. Ít dùng tới nên lớp cao su của ống bơm đã lão hóa, máy vừa chạy thì nước ào ào xối vào.

Hai người vội lao đến cửa thông sang khoang 6. Tại khoang 6 cũng còn 5 người; ngoài ra, khoang đầu cũng còn 5 người nhưng không thể liên lạc được nữa. 10 người còn lại ở khoang 6 dựa vào nhau đợi cứu viện.

Đến lúc đó, cả tàu còn lại 15 người sống sót ở khoang đầu và khoang 6, số còn lại đều đã chết. Trong số 15 người sống sót ấy không ai là sĩ quan; cấp bậc cao nhất là Quân sĩ trưởng, máy trưởng Vương Phát Toàn và thợ điện Vương Truyền Kinh, cung cấp Quân sĩ trưởng.

Theo điều lệnh khi đó quy định: Sau khi tàu ngầm xảy ra sự cố, “không có lệnh của chỉ huy, không được thoát thân”, “không được chạy vào vùng địch chiếm”, “phải gắng sức tổ chức tự cứu”.

Đến khoảng 5 giờ sáng ngày 2/12, những người sống sót cảm thấy dưỡng khí cạn dần mà không thấy có dấu hiệu được phía trên cứu hộ, dù đã trụ được ở dưới đáy biển 15 tiếng. Không còn cách nào khác, mọi người phải nghĩ cách tự thoát thân. 

Khi xem đồng hồ đo độ sâu, họ thấy chỉ báo tàu ở 8m dưới mặt biển nhưng...chiếc đồng hồ này không chính xác, khiến vụ tai nạn thêm nghiêm trọng: Lúc đó tàu đang nằm ở độ sâu hơn 40m, đồng hồ chỉ báo 8m! Vương Phát Toàn và Vương Truyền Kinh sau khi nghiên cứu phỏng đoán, lúc này trời đã sáng, từ độ sâu 8 mét thì thoát ra rồi nổi lên không có vấn đề gì lớn.

Thế là, 2 người Quân sĩ trưởng tổ chức cùng 8 chiến sỹ khác làm các công tác chuẩn bị để thoát lên mặt nước. Y học lặn biển chứng thực, người từ đáy biển thoát lên mặt nước, do thay đổi đột ngột về áp lực nên các khí quan sẽ bị tổn hại, tỷ lệ tử vong rất lớn.

Tàu ngầm 418 khi đó không có thiết bị cứu sinh, mọi người mò mẫm vớ được cái gì dùng cái đó. Vương Phát Toàn đã được chuyên gia Liên Xô huấn luyện và có 5 năm phục vụ dưới tàu ngầm nên nhắc mọi người, sau khi ra phải bám vào thành tàu, ngừng 1 lúc rồi hãy nổi lên. 

Vương Phát Toàn mở nắp ống phóng ngư lôi để từng người bò ra, còn anh là người ra sau cùng với túi dụng cụ trong tay. Ra ngoài, Toàn dừng ở đáy biển một lúc rồi vứt bỏ túi dụng cụ, bắt đầu nổi trên. Sức ép của nước khiến anh rất khó thở…rồi cảm thấy như có người đẩy, anh bật lên mặt nước…

Trong số 10 người thoát ra khỏi khoang số 6 đó, chỉ Vương Phát Toàn sống sót, 9 người còn lại đều chết, 5 người ở khoang đầu thì không ai biết điều gì xảy ra với họ…bởi sau này xác định cả 15 người đều đã thoát ra khỏi tàu, nhưng ngoài Vương Phát Toàn sống sót, chỉ vớt được 4 thi thể, 10 người mất tích.

Sau khi nổi lên mặt nước, trời vẫn tối đen, gió rít ào ào, sóng rất lớn, Vương Phát Toàn ăn ít bánh quy kịp mang theo rồi bơi về phía có ánh đèn của một con tàu, vừa bơi vừa kêu cứu. Đó là chiến hạm “Côn Minh”, đã phát hiện ra Toàn và quăng dây kéo lên tàu.

Khu mộ những binh sĩ tàu 418 bị tử nạn
 Khu mộ những binh sĩ tàu 418 bị tử nạn

Sự cố kinh động toàn quân

Khi đó Trung Quốc chỉ có 8 tàu ngầm, được coi là “báu vật giữ biển”, vì vậy, tin tàu 418 bị nạn đã kinh động đến giới lãnh đạo cao nhất. Tư lệnh hải quân Tiêu Kình Quang chỉ thị “Tranh thủ từng giây, cứu người hàng đầu, tiếp oxy ngay” rồi cử tướng Phó Đoạn Trạch - Cục trưởng Tàu ngầm - đến ngay hiện trường. Không quân liêntục vận chuyển thợ lặn và khí tài cứu sinh đến.

Thành ủy Thượng Hải lập tức cử đội thợ lặn giỏi nhất đến cứu viện. Tư lệnh Hạm đội Đông Hải - Trung tướng Đào Dũng - nghe tin dữ, vội điều 59 con tàu hình thành đội cứu hộ hùng hậu lao tới vùng biển xảy ra sự cố.  

Tuy nhiên, thời tiết trên biển chuyển xấu, sóng tới cấp 8, làm đứt cả dây cáp buộc phao SOS của tàu ngầm. Như thế, đường dây điện thoại trên phao cấp cứu lẽ ra có thể dùng để liên lạc với những người kẹt dưới tàu bị gián đoạn, khiến mọi người không thể biết chính xác vị trí của con tàu bị nạn. Khi đó, thiết bị thăm dò, định vị rất lạc hậu nên phải 3 ngày sau mới dò tìm được nơi tàu nằm, đã mất đi thời gian “vàng” để cấp cứu.

Sau khi Vương Phát Toàn được tàu “Côn Minh” cứu, hạm đội đã dùng tàu cao tốc phóng lôi vận chuyển ngay về bệnh viện Thượng Hải để cấp cứu. Tổng tham mưu trưởng - Đại tướng La Thụy Khanh - đích thân điện chỉ thị: “Tổ chức lực lượng cấp cứu, không được để chết, nếu để chết phải chịu trách nhiệm”.

Tư lệnh Đào Dũng cử Chủ nhiệm Hậu cần Lưu Chấn Dân sang ngay Cục trục vớt Thượng Hải mượn 2 khoang giảm áp và mời 3 chuyên gia sinh lý học về nghề lặn ở Viện 6 Thượng Hải. Khi Vương Toàn Phát chuyển về bệnh viện 411 đã ở trong trạng thái hôn mê sâu. Sau 5 giờ khẩn trương cấp cứu, 2 lần được điều trị trong khoang giảm áp, cuối cùng tính mạng Toàn đã được cứu…

Quân ủy và đảng ủy Hải quân Trung Quốc đều rất coi trọng vụ việc, ra lệnh cho Hạm đội Đông Hải “nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm người chịu trách nhiệm”. Tư lệnh hạm đội Đào Dũng tự nhận trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật khiển trách. Các hạm trưởng tàu Hoành Dương và tàu Côn Minh (tàu chỉ huy cuộc diễn tập) bị cách chức.

Phải hai tháng rưỡi sau đó, tàu ngầm 418 mới được trục vớt rồi đưa về bãi tập của Học viện tàu ngầm Thanh Đảo. Khu tưởng niệm 38 người tử nạn được lập tại Nghĩa trang quần đảo Chu Sơn với tấm bia mang dòng chữ “Bia kỷ niệm liệt sĩ bị nạn thuộc đơn vị 1385”.

Trong suốt thời gian dài mọi người không hề hay biết điều gì đã xảy ra đối với những người nằm dưới các nấm mộ vì trên các tấm bia mộ đều không ghi bất cứ gì…/.

(còn tiếp)