Bí mật quanh kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc (Tiếp theo)

(PLO) -Từ sau khi thử nghiệm thành công bom nguyên tử năm 1964, chỉ sau một thời gian không dài, tiêu chuẩn kỹ thuật vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã nhanh chóng tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới, khác hẳn với sự chênh lệch về vũ khí thông thường. Hiện Trung Quốc đã có đầy đủ khả năng tiến công hạt nhân từ trên không, mặt đất và dưới lòng biển.
Một số loại tên lửa chiến lược của Trung Quốc.
Một số loại tên lửa chiến lược của Trung Quốc.

“Hỏa tiễn quân” 

Được thành lập ngày 1/7/1966, quân chủng tên lửa Trung Quốc (hỏa tiễn quân) trước 2016 gọi là “Bộ đội pháo binh 2” do Quân ủy trung ương Trung Quốc trực tiếp lãnh đạo chỉ huy, trang bị chủ yếu là tên lửa chiến lược đất đối đất, đảm nhiệm nhiệm vụ tác chiến chiến lược phản kích hạt nhân.

Vũ khí chủ yếu là các tên lửa chiến lược mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường, bao gồm các loại tên lửa tầm ngắn, tên lửa tầm trung, tên lửa vượt đại châu và tên lửa hành trình tầm xa, được chia thành hai loại tên lửa phóng từ mặt đất và phóng từ tàu ngầm. 

Hiện nay quân chủng tên lửa gồm 3 bộ phận: Bộ đội tên lửa hạt nhân, tên lửa thường quy và bộ đội bảo đảm tác chiến, quân số khoảng 90 – 120 ngàn. Lãnh đạo quân chủng này là Tư lệnh (hiện là Ngụy Phong Hòa, quân hàm Thượng tướng) và Chính ủy (hiện là Đường Quốc Khánh, quân hàm Trung tướng). Cơ quan chỉ huy của quân chủng tên lửa gồm Bộ Tư lệnh, Bộ công tác chính trị, Bộ bảo đảm hậu cần và Bộ trang bị.

Bom nguyên tử thế hệ đầu của Trung Quốc
Bom nguyên tử thế hệ đầu của Trung Quốc

Bên dưới quân chủng là 8 đơn vị tác chiến cấp tương đương quân đoàn, gồm: Căn cứ 51 (đóng ở Thẩm Dương, Liêu Ninh), Căn cứ 52 (đóng ở Hoàng Sơn, An Huy), Căn cứ 53 (ở Côn Minh, Vân Nam), Căn cứ 54 ( ở Lạc Dương, Hà Nam), Căn cứ 55 (ở Hoài Hóa, Hồ Nam), Căn cứ 56 (ở Tây Ninh, Thanh Hải), Căn cứ 22 (ở Bảo Kê, Thiểm Tây) và Công trình Kim Luân (ở Bắc Kinh và Arab Saudi).

Quân chủng tên lửa Trung Quốc hiện gồm 4 loại hình chính: tên lửa tầm gần (DF-11, DF-15, DF-16), tên lửa tầm trung (DF-21, DF-26), tên lửa vượt đại châu (DF-5, DF-31, DF-41), tên lửa hành trình (DF-10).

DF-11, là loại tên lửa tầm ngắn cơ động trên xa lộ được sử dụng chủ yếu hiện nay; mang đầu nổ 800kg, gồm 2 biến thể: DF-11 có tầm bắn 300km, DF-11A tầm bắn 600-800km. DF-11 sử dụng nhiên liệu rắn. Hiện quân đội Trung Quốc có khoảng 500-600 quả đạn loại này.

DF-15, có 4 biến thể DF-15 A, B, C, D trong đó DF-15C mới được công bố tháng 10/2013. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc có trong biên chế khoảng 315 đến 355 quả đạn DF-15. 4 biến thể này có thể mang đầu đạn từ 800kg đến 950kg, tầm bắn của DF-15 khoảng 600km.

DF-21 là loại tên lửa tầm trung cơ động bằng xe tải, là loại tên lửa đạn đạo chống hạm tàu đầu tiên trên thế giới. Hiện DF-21 được bố trí ở nhiều tỉnh: Liêu Ninh, Giang Tây, Vân Nam, Phúc Kiến, Thanh Hải; có thể uy hiếp các mục tiêu ở Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Á.

Mỹ ước lượng Trung Quốc có từ 50 đến 100 quả, nhưng số lượng thực tế thì chưa bao giờ được công bố. Xuất hiện lần đầu tiên tại lễ diễu binh Quốc khánh năm 2009, hiện DF-21 có 4 biến thể A, B, C, D có thể mang đầu đạn 600kg và đầu đạn hạt nhân 200, 300, 500 KT, tầm bắn có hiệu quả từ 1.700 đến 3.100km, trong đó DF-21D được coi là “sát thủ tàu sân bay”, hiện đã có 2 lữ đoàn bố trí ở Đông Nam và Đông Bắc.

Tên lửa vượt đại châu

DF-31, NATO gọi là CSS-10 là loại tên lửa vượt đại châu cơ động trên xa lộ, gồm 3 biến thể DF-31 (tầm bắn 8000km), DF-31A, B (tầm bắn 11.270km), có thể mang 1 đầu đạn hạt nhân 1 MT hoặc 3 đầu đạn 20, 90, 120 KT. DF-31 vốn chỉ mang được đầu đạn nặng 700kg, tầm bắn 8.000km (đương lượng nổ 1 Megaton TNT) là tên lửa vượt đại châu nhiên liệu rắn cơ động trên xa lộ đầu tiên của Trung Quốc.

Sau đó biến thể DF-31A cải tiến mang được 3 đầu đạn hạt nhân nặng 1.050- 1.70kg tầm bắn 11.200km, có thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Đáng chú ý, ngày 18/4/2016, trang Sina Quân sự đăng bài “Trung Quốc dùng đường sắt cao tốc vận chuyển tên lửa vượt đại châu DF-31 có thể khống chế hàng ngàn quả vệ tinh của Mỹ”, gây xôn xao dư luận.

Tên lửa vượt đại châu DF-5 trong giếng phóng
Tên lửa vượt đại châu DF-5 trong giếng phóng

DF-41, NATO gọi là CSS-X-10 là loại tên lửa vượt đại châu 3 tầng nhiên liệu rắn kiểu cơ động do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo, có thể mang tới 10 đầu đạn có điều khiển tìm diệt các mục tiêu khác nhau, tầm bắn xa nhất đạt 14.000km, xa hơn cả loại LGM-30 của Mỹ vốn được coi là có tầm bắn xa nhất thế giới (13.000km).

Trung Quốc cho biết DF-41 đặt trên lãnh thổ nước họ có thể bắn tới bất cứ nơi nào trên Trái Đất với độ dung sai trong bán kính chỉ 100-200m. Hiện có 2 phiên bản cơ động trên xa lộ và trên đường sắt. DF-41 được lộ diện lần đầu tiên vào năm 2014 và bắt đầu đưa vào biên chế năm 2015. Nó được đưa tin lần đầu trên một trang web của tỉnh Thiểm Tây, nhưng sau đó bài viết bị gỡ xuống.  

Cho đến nay, mọi thông tin về DF-41 đều được giữ bí mật. Tại cuộc diễu binh lớn ngày 3/9/2015 DF-41 cũng không xuất hiện. Tháng 3/2016, Tạp chí quốc phòng Hán Hòa của Canada đưa tin: Mỹ suy đoán năm nay Trung Quốc sẽ đưa vào bố trí lữ đoàn tên lửa vượt đại châu DF-41 đầu tiên ở Hà Nam. Lữ đoàn này sẽ gồm 16 tên lửa, có thể mang 50 đầu đạn hạt nhân trở lên.Nó sẽ gây nên mối đe dọa tiến công lớn đối với Mỹ”.

Báo chí phương Tây ghi nhận, Trung Quốc đã thử nghiệm DF-41 6 lần, lần đầu tiên vào ngày 24/7/2012 phóng từ căn cứ ở Sơn Tây tới sa mạc ở miền Tây, lần mới nhất vào ngày 12/4/2016 ở khu vực gần Biển Đông, phía Trung Quốc đã xác nhận điều này nhưng cho rằng “đây là thử nghiệm nghiên cứu khoa học bình thường trên lãnh thổ Trung Quốc, không nhằm đe dọa quốc gia nào…”.

DF-5, NATO gọi là CSS-4 Mod2 là tên lửa vượt đại châu nhiên liệu lỏng thuộc loại tên lửa chiến lược thế hệ đầu tiêncủa Trung Quốc, được thử nghiệm thành công năm 1980, tầm bắn xa nhất đạt 9.070km.

Sau đó có thêm hai biến thể cải tiến DF-5A và DF-5B có tầm bắn xa hơn và có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân. DF-5 được thiết kế phóng từ giếng và bệ phóng cố định. Theo báo chí Mỹ, đầu những năm 2000, Trung Quốc có 3 lữ đoàn 801, 803 và 814 được trang bị DF-5A, bố trí tại các vùng rừng núi Hà Nam, Hà Bắc và Sơn Tây.

Theo một bài báo của một “người trong nghề” đăng trên mạng blog Sina ngày 23/10/2015, thì tính đến tháng 10/2015, Trung Quốc có tổng cộng 2.764 quả tên lửa tầm trung, tầm xa và vượt đại châu gồm các loại phóng từ giếng, tàu ngầm và bệ phóng di động.

Trong đó, 1.687 quả được bố trí nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ và các căn cứ của Mỹ ở các châu lục trên thế giới, 262 quả nhắm vào Nhật, 386 quả nhắm vào Ấn Độ, 253 quả nhắm vào Nga và 176 quả nhắm vào các nước Đông Nam Á.

Về chủng loại, Trung Quốc hiện đã thực sự là một “Vương quốc tên lửa đạn đạo” hàng đầu về tầm bắn, độ dung sai hay là uy lực sát thương. Mức dung sai của tên lửa vượt đại châu Trung Quốc là 100m, trong khi của Mỹ là 250m, Nga là 150m. Sự phong phú, đa dạng về công dụng của tên lửa khiến Trung Quốc có ưu thế nhất định trong chiến tranh tương lai.

Tên lửa chống hạm DF-21D
Tên lửa chống hạm DF-21D

Không ngừng nâng uy lực

Báo chí Nhật cho rằng, hiện Trung Quốc vẫn không ngừng tăng cường uy lực của lực lượng hạt nhân chiến lược. Lực lượng tên lửa chiến lược được trang bị các loại tên lửa vượt đại châu kiểu mới DF-31A có tầm bắn 12.000km và tên lửa tầm trung DF-21 có tầm sát thương bao trùm toàn bộ lãnh thổ Nhật; tên lửa chống hạm DF-21D đã chính thức xuất hiện tại lễ diễu binh 70 năm chiến thắng chủ nghĩa Phát-xít (2015), mới đây loại tên lửa chống hạm kiểu mới DF-26 cũng đã lộ diện.

Trung Quốc hiện còn đang tiếp tục xây dựng các căn cứ tên lửa hạt nhân ngầm dưới lòng đất ở Hải Nam và Sơn Tây, nghiên cứu chế tạo tên lửa hiện đại là một bộ phận hợp thành quan trọng trong chiến lược chống can thiệp của Trung Quốc, mục đích chính là ngăn chặn tàu sân bay của Mỹ tiến vào khu vực trong trường hợp xảy ra xung đột với Đài Loan hoặc trên biển.

Một nguồn tin của giới quân sự Trung Quốc nói, nếu đặt được biên đội tàu sân bay và các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc thì trong tình huống xảy ra chiến tranh, hải quân Mỹ cũng không thể tự do kéo vào Tây Thái Bình Dương, như thế sẽ vô hiệu hóa Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ…/. (Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 62, ngày 18/7/2016)