Bí quyết nào giúp Italy thành 'điển hình' chống khủng bố?

(PLO) - Theo mạng Breitbart, giữa lúc Pháp, Bỉ và Anh liên tục phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố của những phần tử Hồi giáo cực đoan, Italy vẫn tương đối không hề hấn gì, khiến nhiều người phải đặt câu hỏi “chìa khóa” cho sự thành công của Italy trong cuộc chiến chống khủng bố là gì?
Cảnh sát Italy
Cảnh sát Italy

Chắc chắn những phần tử Hồi giáo cực đoan không phải là không muốn tấn công Italy. Trong các tài liệu tuyên truyền của mình, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyên bố một cuộc chiến công khai ở Rome và Vatican, đồng thời nói rằng chúng muốn phá hủy thủ đô của Cơ đốc giáo.

Trong một cuốn băng video với tựa đề “Gặp nhau tại Dabiq”, IS đã mô tả viễn cảnh thế giới kết thúc bằng một trận chiến mang tính sử thi ở Rome giữa đạo Hồi và phương Tây, mô tả cảnh những phiến quân Hồi giáo diễu hành đến Đấu trường La Mã ở Rome, báo hiệu một trận chiến cuối cùng giữa “các tín đồ Hồi giáo thực sự” và “những kẻ Thập tự chinh” phương Tây để thống trị thế giới. 

“Khao khát” không thành

Bất chấp khao khát chinh phục “thành Rome”, những phần tử thánh chiến cho đến nay vẫn không hề hoạt động hiệu quả trên lãnh thổ Italy và chưa thể gây ra chết chóc ở mảnh đất này. 

Mới đây, tờ Guardian (Anh) đã đặt câu hỏi: “Tại sao Italy lại không bị tấn công khủng bố hàng loạt trong những năm gần đây?”. Trong bài báo của mình, tờ Guardian cho rằng một yếu tố ở đây là Italy có số dân theo đạo Hồi khá ít so với các quốc gia châu Âu khác. Francesca Galli, Giáo sư dự khuyết tại Đại học Maastricht và là một chuyên gia về các chính sách chống khủng bố, nói: “Sự khác biệt chủ yếu là Italy không có một lượng lớn dân nhập cư thuộc thế hệ thứ hai mà đã bị, hoặc có thể bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan”. 

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, số lượng người Hồi giáo ở Italy chỉ bằng khoảng một nửa của Pháp; tỷ lệ phần trăm số người Hồi giáo sống ở Italy cũng thấp hơn nhiều so với ở Đức, Bỉ hoặc Anh. Điều đó có nghĩa những khu vực dân cư nghèo vốn là cơ sở cho các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan, như St.Denis ở Paris hoặc quận Molenbeek ở Brussels, đơn giản là không tồn tại ở Italy. Do cuộc khủng hoảng người di cư từ Bắc Phi, tình hình ở Italy có thể sẽ khác đi trong tương lai, nhưng hiện chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vẫn ít có cơ hội để phát triển ở nước này. 

“Trục xuất ngay”

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn chỉ ra rằng, thành công của Italy còn nhờ vào các chiến thuật và chiến lược khác biệt, kể cả việc sẵn sàng lập hồ sơ lưu trữ tư liệu những phần tử khủng bố tiềm tàng cũng như ngay lập tức trục xuất những người nước ngoài có vẻ là mối đe dọa khủng bố đối với nước này.

Bộ Nội vụ Italy cho hay nhà chức trách chống khủng bố của nước này đã chặn và thẩm vấn 160.593 người trong giai đoạn từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2017. Họ cũng thẩm vấn khoảng 34.000 người tại các sân bay và bắt giữ khoảng 550 phần tử tình nghi khủng bố, kết án 38 đối tượng là những kẻ khủng bố. Ngoài ra, họ còn đóng cửa hơn 500 trang web và đang theo dõi gần nửa triệu trang web khác.

Kể từ đầu năm đến nay, Italy đã trục xuất 135 cá nhân bị cáo buộc gây ra mối đe dọa an ninh cho nước này. Vào năm 2015, một nhà phân tích quân sự hàng đầu đã gọi Italy là hình mẫu đúng đắn trong chống khủng bố, đồng thời lưu ý rằng bất chấp nhiều yếu tố bất lợi, Italy vẫn không bị mất một sinh mạng nào do các hành động khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan. 

Trong bài viết trên tờ Nikkei Asian Review, nhà khoa học chính trị đồng thời là nhà phân tích quân sự Edward N. Luttwak gốc Romania cho rằng, phần lớn sự thành công của Italy trong chống khủng bố là nhờ việc nước này sẵn sàng trục xuất những đối tượng được coi là mối đe dọa đến an ninh quốc gia.

Mặc dù Italy dễ bị tổn thương hơn Pháp và Bỉ, nhưng Rome lại hiệu quả hơn nhiều trong việc chặn đứng những đối tượng có thể trở thành khủng bố trước khi chúng hành động. Pháp lâu nay “liên tục phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố khiến nhiều người thiệt mạng”; còn ở Bỉ, “các phần tử khủng bố đến rồi lại đi trong nhiều năm qua và mua các vũ khí quân sự một cách khá dễ dàng”. 

Vì vậy, theo ông Luttwak, bất chấp thực tế Vatican là “mục tiêu mang tính biểu tượng nhất ở châu Âu” và đứng đầu danh sách các mục tiêu của IS, cho đến nay vẫn chưa có người nào ở Italy bị sát hại bởi các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan. Bằng cách hành động nhanh chóng nhằm trục xuất các đối tượng bị coi là mối đe dọa thực sự cho Italy, nhà cầm quyền nước này đã duy trì được khoảng cách hợp lý đối với các phần tử tình nghi là khủng bố, có khả năng theo dõi và giám sát chúng một cách hiệu quả... 

Đọc thêm