Bỉ truy bắt 2 nghi phạm đánh bom tại Brussels

(PLO) - Cảnh sát Brussels (Bỉ) ngày 24/3 đã mở một cuộc truy bắt quy mô lớn nhằm vào 2 người đàn ông bị tình nghi tham gia vào các vụ đánh bom do nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) dàn dựng.
Cảnh sát Bỉ được điều động truy bắt các nghi phạm. Ảnh: AFP
Cảnh sát Bỉ được điều động truy bắt các nghi phạm. Ảnh: AFP

Theo AFP, những lá cờ ở Brussels hôm qua được treo rủ để tưởng nhớ 31 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công xảy ra hôm 22/3 trong khi các bác sỹ cũng đang cố gắng từng giờ để cứu tính mạng của những người đã bị thương trong thảm kịch. Nạn nhân trong các vụ việc này được xác định là công dân của nhiều nước khác nhau trên thế giới. Nến, cờ Bỉ và gấu bông được đặt ở trung tâm Quảng trường Place de la Bourse để tưởng nhớ các nạn nhân vô tội trong các vụ tấn công.

Hàng trăm nhân viên sân bay và người thân của họ đã diễu hành và đặt nến tưởng niệm các nạn nhân ở sảnh của sân bay bị đánh bom. “Chúng tôi là thành viên của một gia đình lớn. Tôi rất buồn khi phải chứng kiến điều tồi tệ như vậy xảy ra” – Jonathan, một nhân viên của sân bay cho hay.

Trước đó, ngày 23/3 các công tố viên Bỉ cho biết, 2 anh em Ibrahim và Khalid El Bakraoui là những kẻ đứng sau các vụ tấn công ở sân bay Zaventem và trạm xe điện Maalbeek. Còn các nguồn tin cảnh sát thì xác định kẻ chuyên chế tạo bom có tên Najim Laachraoui chính là kẻ đánh bom thứ 2 ở sân bay. Tên này được cho là kẻ đội mũ và mặc áo jacket màu trắng xuất hiện trong những đoạn băng do CCTV ghi lại ở sảnh khởi hành của sân bay Zaventem, với túi hành lý chứa bom mang theo trên người. Tuy nhiên, bom của hắn đã không phát nổ.

Theo các nguồn tin, 3 nghi phạm đã được nhận dạng nói trên đều có liên quan đến các vụ tấn công tại Paris (Pháp) hồi tháng 11 năm ngoái, cho thấy rõ nguy cơ rình rập đối với châu Âu từ các phần tử thánh chiến. Trong ngày hôm qua, các quan chức an ninh Bỉ đang lần tìm tung tích của tên Laachraoui và một người đàn ông khác được nhận dạng có mặt tại hiện trường vụ tấn công liều chết ở trạm xe điện. 

Trong một diễn biến khác, AP dẫn các nguồn tin cho biết, IS đã huấn luyện ít nhất 400 chiến binh để thực hiện một loạt vụ tấn công chết chóc ở các mục tiêu trên khắp châu Âu. Chúng điều động những phần tử khủng bố - tương tự những kẻ đã gây ra các vụ thảm sát ở Brussels và Paris - tới các nước trong khu vực để tìm hiểu tình hình, chọn ra thời gian, địa điểm cũng như cách thức thực hiện các vụ tấn công với mục đích gây  hỗn loạn ở mức cao nhất.

Theo các quan chức tình báo châu Âu và Iraq cũng như một nhà làm luật Pháp chuyên theo dõi các mạng lưới những phần tử thánh chiến, những kẻ khủng bố có thể đã được đào tạo ở các trại tập trung tại Syria, Iraq và có thể ở cả các nước thuộc khối Xô Viết cũ, để tấn công phương Tây.

Nhận định này không phải không có lý khi trước khi bị cảnh sát tiêu diệt, kẻ cầm đầu đường dây thực hiện các vụ tấn công ở Paris cũng tuyên bố đã đưa một nhóm gồm 90 phần tử là công dân của nhiều nước khác nhau tới “nằm vùng” rải rác ở khắp châu Âu.

Trong khi đó, theo New York Times, vụ việc vừa xảy ra ở Brussels chính là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự thất bại của các cơ quan tình báo châu Âu trong việc chia sẻ và hành động trước các thông tin về những đối tượng có thể là những kẻ khủng bố. Nhận định này được đưa ra trên cơ sở ít nhất 1 trong những kẻ tấn công, chính là tên Ibrahim el-Bakraoui, đã bị Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất tới Hà Lan hồi năm ngoái sau khi phát hiện những dấu hiệu rõ ràng cho thấy hắn là một phần tử thánh chiến. 

“Dù chúng tôi đã cảnh báo rằng người này là một phần tử khủng bố người nước ngoài nhưng giới chức Bỉ vẫn không thể phát hiện mối liên hệ của hắn với chủ nghĩa khủng bố” – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh tại một cuộc họp báo ở Ankara hôm 23/3.

Cùng chung nhận định trên, các thành viên trong Nghị viện châu Âu ngày 23/3 cũng đã chỉ trích các nước về việc thiếu sự hợp tác cũng như kêu gọi thành lập một cơ quan tình báo liên châu Âu để thúc đẩy việc chia sẻ thông tin hiệu quả từ các nước khác nhau. Trong ngày 24/3, các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp EU tiến hành phiên họp khẩn ở Brussels vạch ra kế hoạch đối phó với mối đe dọa từ những phần tử thánh chiến đối với châu Âu cũng như việc áp dụng luật chống khủng bố trong toàn khối.  

Đọc thêm