Biến tòa thành công cụ

(PLO) - Ở nước Mỹ, cô giáo 27 tuổi Brittany Zamora bị bắt và chờ ngày ra tòa. Tội của cô giáo trẻ này là đã quyến rũ một cậu học sinh lớp 6, tức là mới chỉ có 13 tuổi. 

Vụ việc bị vỡ lở, bố mẹ cậu bé biết chuyện và tố cáo với cảnh sát nhờ cài một ứng dụng theo dõi tin nhắn trao đổi giữa cô giáo kia và cậu học sinh này trên điện thoại di động của cậu bé. 

Tang chứng, vật chứng rành rành khiến cô giáo trẻ kia không thể chối cãi. Ấu dâm là tội bị pháp luật trừng phạt rất nghiêm khắc. Chuyện ở chỗ gia đình cậu học sinh kia khởi kiện nhà trường cậu bé đang theo học và đòi bồi thường 2,5 triệu USD.

Gia đình cậu học sinh cáo buộc nhà trường đã không làm đúng chức trách và làm hết trách nhiệm để ngăn cản vụ việc này nói riêng và để thầy, cô giáo không quyến rũ tình ái học sinh nói chung. Nhà trường giải trình và phân trần là đã làm tất cả những gì có thể làm được trong trường hợp cụ thể này.

Khi có tin đồn về mối quan hệ giữa cô giáo trẻ kia và cậu học sinh, nhà trường đã cảnh báo và nhắc nhở cô giáo, tức là đã làm cho cô giáo này hiểu được rất rõ về bản chất của vụ việc và hậu quả của vụ việc trên mọi phương diện nếu tin đồn là sự thật.

Vì không có được bằng chứng cụ thể và xác thực nên nhà trường không thể không cho cô giáo giảng dạy hay sa thải cô giáo kia. Nhà trường cũng không được phép theo dõi trao đổi điện thoại của cô giáo như gia đình cậu học sinh đã làm với cậu học sinh.

Dù vậy, gia đình kia vẫn khởi kiện nhà trường. Mục đích ở đây là dùng việc khởi kiện để gây và gia tăng áp lực đối với nhà trường. Đồng thời, có khởi kiện thì mới có thể tung ra yêu cầu đòi bồi thường. Có đưa ra yêu cầu đòi bồi thường thì mới có thể được bồi thường và có thể như thế vẫn còn hơn không được gì. Tòa trở thành công cụ để gia đình đạt được những mục đích này. Ở Mỹ, chuyện tòa bị công cụ hoá như thế xưa nay vốn không hiếm.

Đọc thêm