'Bom mẹ' tấn công IS ở Afghanistan

(PLO) -Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Mỹ đã thả một quả bom phi hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay mà họ từng triển khai nhằm vào khu liên hợp của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan. 
 
Siêu bom GBU- 43
Siêu bom GBU- 43

Trong một tuyên bố, lực lượng Mỹ tại Afghanistan cho biết bom GBU-43, còn được gọi là "mẹ của các loại bom", đã đánh trúng một hệ thống hầm ngầm vào lúc 19h32 giờ địa phương (tức 15h02 giờ GMT) ở huyện Achin, tỉnh Nangarhar. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi đây là sứ mệnh “vô cùng thành công”. Quả bom này, được thả từ máy bay MC-130, có sức công phá tương đương 11 tấn TNT, và vũ khí này ban đầu được thiết kế chủ yếu là để hăm dọa kẻ thù nhằm phong tỏa một khu vực rộng lớn. Đại tá Pat Ryder, người phát ngôn Lực lượng Không quân Mỹ, nói: “Bom GBU-43 là bom phi hạt nhân lớn nhất từng được triển khai trong chiến dịch”. 

“Mẹ của các loại bom” được phát triển nhanh chóng trong giai đoạn 2002-2003 khi Mỹ tiến hành cuộc xâm lược Iraq. Theo Lực lượng Không quân Mỹ, lần cuối cùng quả bom này được thử nghiệm là năm 2003, một đám mây hình nấm khổng lồ có thể được nhìn thấy từ khoảng cách 32 km.

Esmail Shinwari, người đứng đầu huyện Achin, nói rằng quả bom này đã đáp xuống khu vực Momand Dara. Phát biểu với hãng tin AFP, ông Shinwari nói: “Đây là vụ nổ lớn nhất tôi từng thấy. Một đám cháy khổng lồ đã bốc lên tại khu vực đó. Chúng tôi chưa biết được tình hình thương vong, nhưng bởi đó là thành trì của IS nên tôi cho rằng rất nhiều tay súng IS đã thiệt mạng”. 

Trong một email gửi tới AFP, Đại úy Hải quân Bill Salvin, người phát ngôn của Lực lượng Mỹ tại Afghanistan, cho biết việc đánh giá mức độ tàn phá vẫn đang được tiến hành. Về khả năng vũ khí khổng lồ như vậy gây thương vong cho dân thường, ông Salvin viết: “Lực lượng quân đội đã theo dõi khu vực và nhấn mạnh rằng không có sự xuất hiện của dân thường tại đó. Mục tiêu của cuộc tấn công được lựa chọn để đảm bảo tác động lớn nhất nhằm vào IS, và ngăn chặn thương vong cho dân thường”. 

Tướng John Nicholson, Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Afghanistan, đã miêu tả quả bom này là “vũ khí phù hợp” để giảm thiểu các trở ngại từ IS và duy trì động lực của cuộc chiến chống lại các phần tử thánh chiến trong khu vực.

Vụ nổ do GBU-43 tạo nên
Vụ nổ do GBU-43 tạo nên

Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết cuộc oanh tạc đã nhắm trúng hệ thống các đường hầm và hang động mà các tay súng IS từng sử dụng để “đi lại tự do, giúp chúng tấn công các cố vấn quân sự Mỹ và lực lượng Afghanistan gần đó. Chúng ta không được để cho chúng có không gian hoạt động như trước đây”. 

Shah Hussain Murtazawi, người phát ngôn của Tổng thống Afghanistan, cho biết chính phủ Afghanistan đã biết được kế hoạch của Mỹ ném bom vào hệ thống đường hầm của IS. Ông viết trên Facebook: “Thương vong chủ yếu là ở phe địch”, đồng thời bác bỏ khả năng dân thường gánh chịu thương vong lần này. 

Tỉnh Nangarhar, giáp biên giới Pakistan, là một “mảnh đất màu mỡ” cho các tay súng IS. Lực lượng Mỹ đã tiến hành một số vụ không kích nhằm vào các căn cứ của các phần tử thánh chiến trong khu vực này kể từ tháng 8/2016.

Theo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), số lượng các tay súng IS ở Afghanistan đã giảm 600-800 tên so với 3000 tên hồi đầu năm 2016. NATO đã tiêu diệt 12 thủ lĩnh IS tại Afghanistan trong năm 2016.

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại cho rằng có vẻ như việc sử dụng vũ khí chuyên dụng như bom GBU-43 chủ yếu là nhằm vào mục tiêu tấn công - đó là các đường hầm - hơn là việc Mỹ gửi bất kỳ thông điệp nào tới các nước khác qua việc sử dụng vũ khí có sức công phá cao như vậy.

Mark Cancian, một cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói: “Đây là một vũ khí cực kỳ đặc biệt, chúng tôi không có số lượng lớn, bởi vậy chúng chỉ được sử dụng trong các hoàn cảnh nhất định”.

Ông Cancian nói thêm rằng mặc dù việc gửi một thông điệp tới Syria hay Triều Tiên cũng nằm trong các nhân tố thứ yếu được xem xét tới, nhưng đó không phải là lý do chính của việc sử dụng loại vũ khí này...