“Bóng hồng” giữa “tâm bão” khủng hoảng thế giới

(PLO) - Hãng thông tấn Pháp AFP vừa bình chọn Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế giới năm 2015 sau khi nữ chính trị gia này để lại dấu ấn đặc biệt trong việc góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu và tài chính tại Hy Lạp.
Thủ tướng Merkel thậm chí còn vượt trên cả Tổng thống Nga Putin
Thủ tướng Merkel thậm chí còn vượt trên cả Tổng thống Nga Putin
Theo AFP, một trong những yếu tố giúp Thủ tướng Đức được chọn là chính sách “mở rộng cửa” là đón khoảng 1 triệu người tị nạn tới Đức trong năm 2015. Trong một năm đầy khủng hoảng đối với châu Âu, từ cuộc chiến ở Ukraine tới cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp hay làn sóng người di cư, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nổi lên như một nhà lãnh đạo thực sự của lục địa này, nhận được nhiều lời ngợi khen cũng như nhiều chỉ trích hơn bao giờ hết.
“Cơn bão” tị nạn
Làn sóng người tị nạn ồ ạt - hệ quả của chiến tranh và nghèo đói tại Syria và Iraq - đã tạo ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, đặt “Lục địa già” trước những thách thức nặng nề về kinh tế và quản lý xã hội cũng như “phơi bày” những mặt hạn chế và chia rẽ trong Liên minh Châu Âu (EU). Bất chấp những chỉ trích công khai từ các nghị sĩ trong Quốc hội và sự phản đối từ các đối tác EU khác, bà Merkel đã đưa ra chính sách rộng lượng với dòng người di cư. 
Ngoài ra, bà Merkel cũng được coi là nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu đã có những đóng góp quan trọng trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài tại Hy Lạp. AFP cho rằng bà đã luôn kiên định và đứng vững bất chấp việc Chính phủ Hy Lạp kiên quyết chống lại các biện pháp khắc khổ được đề ra để cứu nước này khỏi nguy cơ vỡ nợ và ra khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Người ở trung tâm
Dù là việc đi tiên phong trong chính sách ngoại giao của EU đối với Nga, việc đàm phán với Athens về các điều khoản “thắt lưng buộc bụng” hay đối phó với làn sóng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai, bà Merkel lần nào cũng đứng ở vị trí trung tâm.
Tại thời điểm những bất ổn và chia rẽ tăng lên ở châu Âu, người phụ nữ đầy thực tế này đã chủ trương thực hiện những nguyên tắc tài chính đúng đắn và nhân đạo, tạo nên sự phản hồi khen, chê lẫn lộn. Động thái mạnh mẽ bất thường của bà trong việc mở rộng cửa cho người tị nạn Syria đã đặc biệt ảnh hưởng mạnh tới tỷ lệ phiếu bầu cao ngất bấy lâu nay của bà ở Đức và khiến nhà lãnh đạo của nền kinh tế hàng đầu châu Âu này bị cô lập trong các vấn đề then chốt của EU. 
Phát biểu tại Đại hội đảng trung-hữu của mình trong tháng này, với một giọng điệu thường ít khi lên quá cao, nữ Thủ tướng 61 tuổi này nói: “Năm 2015 là một năm lạ thường, khó mà có thể nhận thức thực sự được. Tôi chưa bao giờ trải qua chuỗi sự kiện quan trọng diễn ra nhanh như vậy”.
Sự gia tăng ảnh hưởng của Đức dưới thời bà Merkel thường khiến các nước láng giềng châu Âu lo lắng không yên. Khi bà Merkel cứng rắn yêu cầu các thành viên khu vực đồng euro - vốn đang bị tác động bởi nợ công - phải cắt giảm chi tiêu công, bà đã bị châm biếm là người đàn bà thống trị khắc khổ trong bộ quân phục thời Đức quốc xã, triệt phá những người làm sổ sách chứ không phải xe tăng. 
Thủ tướng Italia Matteo Renzi thì lịch sự hơn khi nhấn mạng rằng, mặc dù ông rất quý trọng bà Merkel song “châu Âu phải phục vụ cả 28 nước chứ không phải chỉ có 1”.
Tháng 9/2015, bà Merkel đã vượt qua một số lời chỉ trích bà gay gắt nhất bằng quyết định về việc mở cửa đón làn sóng kỷ lục những người di cư đang từ Budapest tới, phần lớn là đi bộ. Đất nước từng tống hàng nghìn người lên các toa tàu chật kín để vào các trại tập trung giờ lại chào đón các đoàn tàu chở người tị nạn từ Syria tới. Câu nói mà bà Merkel lặp đi lặp lại ở thời điểm đó là “chúng ta có thể làm thế” khi bà tìm cách truyền lòng can đảm cho mọi người để đón tiếp 1 triệu người di cư trong năm nay.
“Nữ hoàng của châu Âu”
Bà Merkel được người di cư gọi là “Mẹ” và xuất hiện trong hình dáng Mẹ Teresa trên trang bìa tạp chí “Spiegel” của Đức. Với một sự đồng thuận hiếm hoi, các hãng truyền thông như AFP, tạp chí “Time” và “Thời báo Tài chính” cùng tuyên bố “Nữ hoàng của châu Âu” là người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015. 
Nhà báo của tờ “Thời báo New York” Roger Cohen viết rằng: “Bà trở thành nhân vật đỉnh cao ở châu Âu, ngang bằng với những người khổng lồ Đức thời hậu chiến như Konrad Adenauer, Helmut Schmidt và Helmut Kohl - thậm chí còn vượt qua cả họ”.
Tuy nhiên, nhiều người dân Đức giờ đang nghi ngờ, lo ngại rằng bà Merkel - người đảm bảo đáng tin cậy cho sự ổn định của họ - đang đưa nước Đức rơi vào hỗn loạn. Các cuộc thăm dò dân ý cho thấy mối lo ngại đang ngày càng lớn trước làn sóng người di cư - đa phần là người Hồi giáo - đổ vào Đức, việc một đảng cánh hữu đang tăng cường lực lượng và sự gia tăng đột biến các tội ác phân biệt chủng tộc. 
Chuyên gia Oskar Niedermayer thuộc Trường Đại học Tự do ở Berlin nói: “Nước Đức đang bị chia rẽ. Nhìn chung, bà Merkel và những việc bà làm vẫn được đánh giá rất cao, song trong cuộc khủng hoảng người di cư, đa số cho rằng bà đang theo đuổi một chính sách sai lầm”.
Kế hoạch tránh để có thêm 1 triệu người di cư nữa tới Đức vào năm 2016 của bà Merkel dựa phần lớn vào việc thuyết phục các thành viên EU khác chấp nhận thêm người di cư. Cho tới nay, các phản ứng thường là “im lặng giả điếc” cho tới lớn tiếng phản đối. Thủ tướng Hungary Viktor Orban phản đối “chủ nghĩa đế quốc đạo đức” của Đức và đóng cửa biên giới bằng hàng rào dây thép gai, còn Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka cáo buộc bà Merkel “khuyến khích di cư bất hợp pháp” tới châu Âu. Thậm chí, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk còn gọi chính sách đối với người di cư của bà Merkel là “nguy hiểm”.
Phát biểu tại đại hội đảng, bà Merkel thừa nhận rằng dòng người di cư - “điểm hẹn của toàn cầu hóa” - là một nhiệm vụ “to lớn” và sẽ làm đất nước thay đổi mãi mãi. Trong tiếng hoan hô vang dậy, bà nói: “Đây là một thách thức lịch sử đối với châu Âu, và tôi nói chúng tôi muốn châu Âu đáp ứng với thách thức này. Tôi tin rằng châu Âu sẽ đáp ứng”.
Chuyên gia Niedermayer nói rằng, với bài diễn văn hay nhất của mình từ trước cho tới nay, bà Merkel đã “câu giờ thêm được vài tháng, song không hơn”, trong khi các cử tri và đảng của bà chắc chắn sẽ càng mất kiên nhẫn hơn. Ông nhấn mạnh: “Đó là lý do tại sao năm 2016 sẽ là một cuộc thử nghiệm thực sự khắc nghiệt”. 
Thế giới cũng tôn vinh
Đầu tháng 12, tạp chí “Time” của Mỹ đã bình chọn nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel là “Nhân vật của năm 2015”, ca ngợi tài năng lãnh đạo của bà trong quá trình giải quyết một số cuộc khủng hoảng lớn trong năm như nợ công châu Âu, làn sóng người tị nạn,  di cư và vấn đề Ukraine. Tổng Biên tập tạp chí “Time” Nancy Gibbs khẳng định, bà Merkel là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, mẫu mực và quyết đoán hiếm có trên thế giới. 
Theo bà Gibbs, không một nhà lãnh đạo nào trên thế giới phải trải qua những thách thức liên tiếp như bà Merkel và bà Merkel xứng đáng được bầu chọn vì cách bà xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine, quan hệ với Nga, cách bà giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế mùa Hè vừa qua, cách bà xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn cũng như mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu. 
Tổng Biên tập Gibbs nhấn mạnh, bà Merkel cũng là nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất ở Tây Âu, kiểm soát nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới và đặc biệt trong năm nay, người phụ nữ lãnh đạo nước Đức đã phải trải qua những thách thức khó khăn nhất so với lãnh đạo các nước khác trên thế giới.
Trước đó, hồi tháng 5, tạp chí danh tiếng của Mỹ “Forbes” năm thứ 5 liên tiếp cũng đã bầu chọn bà Merkel là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của “Forbes” công bố ngày 26/5, nhà lãnh đạo Đức đứng thứ nhất bởi bà là nữ Thủ tướng phục vụ lâu nhất trong EU, là người đã ngăn chặn được cuộc suy thoái ở Đức và là nhân tố chính trong chương trình cứu Hy Lạp khỏi nguy cơ vỡ nợ. Trong 12 năm qua, bà Merkel hầu như luôn nằm trong top 10 và 9 lần được “Forbes” bầu chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới… 
IS dọa trả thù Thủ tướng Merkel
Đầu tháng 8/2015, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) lần đầu tiên công bố trên trang Youtube một đoạn phim bằng tiếng Đức và đe dọa tấn công khủng bố nước Đức. 
Trong đoạn phim kéo dài 5 phút này, một phần tử IS đã nói tiếng Đức bằng giọng Áo để hô hào các đối tượng cực đoan tại Đức và Áo ủng hộ IS nhanh chóng tới Syria gia nhập lực lượng này, hoặc nếu không hãy tiến hành tấn công khủng bố ngay tại Đức và Áo. Đáng chú ý, tên này còn lên tiếng đe dọa sẽ trả thù Thủ tướng Đức Angela Merkel vì Đức từng tham chiến ở Afghanistan và cung cấp vũ khí cho người Kurd chống lại IS. 
Đoạn phim đánh dấu lần đầu tiên IS sử dụng video tuyên truyền bằng tiếng Đức để lôi kéo thành viên ở khu vực các nước nói tiếng Đức, trong bối cảnh các số liệu của Cục Bảo vệ Hiến pháp liên bang Đức (BfV), cơ quan an ninh nội địa của nước này, cho thấy số người Đức đến Syria đã giảm đi so với trước đây. Tính tổng cộng đã có 720 người Đức từng tới Syria trong thời gian gần đây, mặc dù không phải tất cả số này đều gia nhập IS; khoảng 1/3 trong số trên đã quay trở lại Đức. 

Đọc thêm