'Bóng ma' khủng bố ám ảnh nước Pháp

(PLO) - Một năm sau loạt vũ khủng bố đẫm máu ở Paris, nước Pháp vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh khủng khiếp. Trong khi đó, lại đang gia tăng những nguy cơ khủng bố mới cho không chỉ nước Pháp mà cả châu Âu...
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Tại Brussels, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon đã cho biết, có thể khoảng 3.000 đến 5.000 chiến binh mang quốc tịch châu Âu, đang hiện diện tại Libya và Iraq sẽ quay trở lại châu Âu. 

Chiến binh thánh chiến quay lại...

Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Bỉ RTBF, ông Jan Jambon cảnh báo các phần tử này có thể sẽ tiếp tục ở lại Raqqa và Mosul để tham chiến trong hàng ngũ tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS), hoặc các tổ chức khủng bố sẽ gửi những đối tượng trên trở về nước xuất xứ của mình. Ông cho rằng có thể có từ 3.000 đến 5.000 phần tử khủng bố mang quốc tịch châu Âu đang tham gia lực lượng thánh chiến ở Iraq và Libya, trong đó có khoảng 200 phần tử mang quốc tịch Bỉ. 

Bộ trưởng Jambon khẳng định nếu làn sóng này tới thì nước Bỉ cần phải sẵn sàng và hiện nay các cơ quan tình báo đang cố gắng theo dõi những phần tử khủng bố kể trên. Theo ông Jan Jambon, 117 đối tượng tình nghi đã trở về Bỉ, một nửa trong số đó đang bị nhà chức trách giam giữ và số còn lại đang được cơ quan chức năng giám sát.

Thực tế, những cảnh báo của các quan chức an ninh như của Bỉ không phải là thừa. Gần đây nhất, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ một nhóm khủng bố liên khu vực có liên hệ với tổ chức IS. Những kẻ này đã lên kế hoạch sử dụng súng máy và chất nổ để thực hiện các vụ khủng bố tại những địa điểm tụ tập đông người ở Moskva và St. Petersburg.

Nguồn tin FSB cho biết, trong chiến dịch trấn áp tội phạm - có sự phối hợp của của Bộ Nội vụ Nga cũng như các đối tác nước ngoài ở CH Tajikistan và Kyrgyzstan - được tiến hành ngày 12/11 tại Moskva và St. Petersburg, các nhân viên FSB đã bắt giữ được 10 đối tượng khủng bố, thu giữ 4 quả bom tự chế, một số súng ống, đạn dược, cũng như các thiết bị liên lạc. Những đối tượng bị bắt giữ là người gốc Trung Á, đã khai ra những mục tiêu và đồng phạm cũng như thừa nhận thường xuyên liên lạc với thủ lĩnh tổ chức khủng bố quốc tế IS. 

Ám ảnh 13/11

Tròn 1 năm xảy vụ thảm sát đêm 13/11/2015 ở thủ đô Paris làm 130 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương, những ngày qua,  nhiều hoạt động tưởng niệm đã được tổ chức tại Paris và vùng phụ cận để tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Tổng thống Pháp François Hollande và Thị trưởng thành phố Paris Anne Hidalgo đã tham dự lễ khai trương các tấm biển tưởng niệm các nạn nhân tại các quán rượu và nhà hàng, mục tiêu tấn công của các tay súng Hồi giáo cách đây đúng một năm. Lễ tưởng niệm cuối cùng diễn ra tại nhà hát Bataclan tại Paris, nơi xảy ra vụ bắt cóc con tin khiến 90 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. 

Trước đó, nhà hát Bataclan đã mở cửa trở lại vào tối 12/11 với buổi trình diễn của ca sĩ nổi tiếng người Anh Sting. Sau phút mặc niệm dành cho các nạn nhân, 2 ca khúc mở màn buổi hòa nhạc là “Fragile” (Mong manh) và “Message In a Bottle” (Thông điệp tình yêu) đã lấy đi nước mắt của không ít khán giả. Trong số 1.500 khán giả có mặt tại buổi trình diễn này có khoảng 250 người là những người sống sót và người thân các nạn nhân.

Nhà hát Bataclan cũng tổ chức 1 buổi lễ tưởng niệm với sự có mặt của nhóm nhạc rock Mỹ Eagles of Death Metal, nhóm nhạc đã biểu diễn trên sân khấu nhà hát vào buổi tối xảy ra vụ bắt cóc con tin và vụ thảm sát đêm 13/11/2015.

Siết chặt chống tài trợ khủng bố

Dịp này, Thủ tướng Manuel Valls, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Michele Sapen và một số bộ trưởng, quốc vụ khanh khác ký một sắc lệnh mở rộng phạm vi cuộc chiến chống các phương pháp tài trợ khủng bố tại Pháp, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/11.

Theo các điều khoản của sắc lệnh, cơ quan tình báo tài chính Tracfin trực thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp được trao thêm các quyền mới, như quyền tiếp cận rộng hơn cơ sở dữ liệu đặc biệt C của cảnh sát và các cơ quan mật vụ, trong đó có thông tin về các đối tượng có nguy cơ đối với an ninh quốc gia. 

Sắc lệnh này cũng giúp ngăn chặn quyết liệt hơn khả năng các phần tử khủng bố sử dụng thẻ ngân hàng trả trước. Bắt đầu từ ngày 1/1/2017, số tiền tối đa trong các thẻ này không vượt quá 250 euro, số tiền mà các thẻ này có thể bổ sung trong thời hạn 30 ngày cũng không được vượt quá 250 euro. Các thẻ này chỉ được sử dụng trên lãnh thổ Pháp. Ngoài ra, mức tiền cho vay tiêu dùng cũng giảm từ 4.000 xuống còn 1.000 euro, nếu vượt quá sẽ bị các cơ quan giám sát kiểm tra.

Trước đó, các đạo luật của Pháp bắt buộc phải khai báo hải quan mọi hoạt động chuyển tiền và thanh toán vượt quá 10.000 euro ra và vào Liên minh Châu Âu (EU). Theo sắc lệnh trên, bắt đầu từ 1/12/2016, qui định này cũng áp dụng đối với việc chuyển tiền, cổ phiếu và các tài sản khác qua bưu điện.

Các quy định trên sẽ áp dụng đối với việc chuyển tiền và tài sản từ Saint-Barthelemy, lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở khu vực Bắc Mỹ, trước đây có quy chế đặc biệt cho phép thực hiện một số giao dịch rửa tiền và tài trợ hoạt động bất hợp pháp. 

Đọc thêm