“Brexit” - “Cuộc hôn nhân” đứt gánh!

(PLO) -"Cuộc hôn nhân” không hạnh phúc kéo dài 43 năm giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã “đứt gánh”. Với tỷ lệ 51,9% số phiếu ủng hộ Brexit và 48,1% số phiếu phản đối, người dân Anh đã tự quyết định đặt dấu chấm hết cho “cuộc hôn nhân” này. 
 “Con tàu” châu Âu nay đã thiếu một nhân vật chủ chốt
“Con tàu” châu Âu nay đã thiếu một nhân vật chủ chốt

Cuối cùng, người Anh đã chọn quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), một liên minh với bề dày lịch sử 60 năm. Theo kết quả kiểm phiếu chính thức công bố lúc 13 giờ ngày 24/6 Hà Nội, 51,9% cử tri (17.410.742 người) đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU (gọi là Brexit) trong khi chỉ có 48,1% cử tri (16.141.241 người) bỏ phiếu giữ Anh ở lại "ngôi nhà chung".

Với tỷ lệ chênh lệch là 1.269.501 người (tương đương 4%), phần thắng chắc chắn đã thuộc về phe những người ủng hộ Brexit. 

Kết quả này không hoàn toàn bất ngờ vì trong suốt 4 tháng vận động quyết liệt của cả hai phe, nhiều người đã tiên đoán được kịch bản Brexit. Cho dù EU đã có nhiều sự nhượng bộ thông qua việc trao cho Anh "quy chế đặc biệt", và các nhà lãnh đạo Anh và châu Âu, cũng như các chuyên gia kinh tế liên tục vẽ ra những viễn cảnh ảm đạm đối với việc Anh rời EU thì rốt cuộc người dân Anh vẫn có sự lựa chọn riêng của họ. 

Quyền lực cử tri

Lịch sử một lần nữa cho thấy khi các cử tri đưa ra quyết định, họ hiếm khi tập trung vào vấn đề chính như các chính trị gia đề cập. Với người dân, lợi ích trước mắt và liên quan trực tiếp mới là quan trọng.

Chẳng hạn, như trong cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp EU năm 2005, người Hà Lan tập trung vào đồng euro, trong khi người Pháp lại lo lắng rằng các thợ ống nước đến từ Ba Lan sẽ lấy đi việc làm của họ.

Tâm lý ngoài nghi châu Âu vốn dồn nén suốt 43 năm qua đã được thể hiện qua lá phiếu của đa số cử tri Anh. Cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu, những mối lo ngại về an ninh - khủng bố và sự chán nản cách thức xử lý khủng hoảng kinh tế tại nhiều nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) chỉ là “giọt nước tràn ly” khiến nhiều cử tri Anh cảm thấy có lý do chính đáng để lựa chọn ra khỏi EU.

Thực tế trong vài năm gần đây, tại Anh ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến ủng hộ việc nước này ra khỏi EU. Nhiều công dân Anh cho rằng họ phải gánh trách nhiệm quá lớn của chính phủ, do Anh được coi là một trong những trung tâm lớn của EU và phải đóng góp những khoản tiền lớn vào ngân sách của châu Âu.

Bản thân những người ủng hộ Anh ở lại EU cũng phải thừa nhận rằng Anh chỉ có thể hùng mạnh, an toàn và thịnh vượng hơn trong một EU đã được cải cách.

“Tiền lệ” đe dọa châu Âu

Sự ra đi của Anh chắc chắn sẽ giáng một đòn nặng nề đối với sự hội nhập châu Âu và có thể gây ra sự đổ vỡ cho một quá trình vốn đã mong manh. Việc người dân Anh quyết định rời khỏi EU không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế khu vực và toàn cầu mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định chính trị của cả nước này lẫn EU. 

Tác động rõ ràng đầu tiên đối với Anh là nguy cơ “tan đàn xẻ nghé". Brexit có thể tạo ra một tiền lệ không tốt cho các thành viên trong Liên hiệp Vương quốc Anh như Scotland và Xứ Wales đang manh nha ý định muốn tách khỏi Anh. Sự chia tay của Anh cũng sẽ đẩy EU vào giai đoạn bất ổn mới.

Anh ra đi đồng nghĩa với việc EU mất đi một thành viên quan trọng vốn có tiếng nói lớn trong các quyết sách của EU. Hiệu ứng dây chuyền của Brexit còn ảnh hưởng trực tiếp tới một số nước châu Âu khác, dễ dàng nhất là trường hợp của Tây Ban Nha.

Sự lựa chọn của cử tri Anh có thể là tiền lệ xấu cho một số vùng như xứ Catalonia và xứ Basque đòi độc lập và tách khỏi Tây Ban Nha. Bản thân các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với sự mất ổn định chính trị trong nước, trong khi EU sẽ suy yếu bởi sự gắn kết lỏng lẻo giữa các quốc gia thành viên. Việc Anh rời EU sẽ khiến liên minh này phải phụ thuộc vào một hoặc một số cường quốc trong khi giảm vai trò của các nước "nhỏ" còn lại.

EU cũng sẽ mất dần "sức nặng" trên trường quốc tế, trong khi Anh sẽ trở thành quốc gia riêng rẽ với EU khi ngồi vào bàn đàm phán với các đối tác quốc tế. Khi tiếng nói của Anh không còn nhiều "trọng lượng" như khi còn nằm trong EU thì rõ ràng vai trò của Anh trên các diễn đàn quốc tế cũng suy giảm.

“Lời chia tay” thật khó khăn
“Lời chia tay” thật khó khăn

Phản ứng trước kết quả kiểm phiếu nghiêng về phe ủng hộ Brexit, Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon tuyên bố Scotland vẫn coi tương lai của mình là "một phần của EU". Trong khi đó, tại Đức cả Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel và Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier đều ví ngày 23/6 là "một ngày tồi tệ với châu Âu" khi các cử tri Anh quyết định bỏ phiếu ra khỏi liên minh có bề dày lịch sử 60 năm này.

Với kết quả Brexit, giới phân tích cho rằng nước Anh sẽ bước vào thời kỳ mới với một tương lai không ổn định trong khi EU sẽ chứng kiến một bước thụt lùi đáng kể trong những nỗ lực xây dựng một liên minh hùng mạnh kể từ Chiến tranh Thế giới II.

“Cú sốc” toàn cầu

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) công bố sáng 24/6 với phần thắng nghiêng về phe những người ủng hộ Anh ra khỏi "ngôi nhà chung" đang gây ra những cú sốc liên hoàn trên các thị trường dầu mỏ và tài chính toàn cầu.

Tại thị trường châu Á, giá dầu đã giảm hơn 6%. Dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8/2016 đã giảm 3,14 USD (6,17%) xuống còn 47,77 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ WTI giao cùng thời điểm giảm 3,11 USD (6,21%) xuống còn 47,00 USD/thùng.

“Brexit” cũng khiến chỉ số Nikkei giảm 8,3% (tương đương 1.347,79 điểm) xuống còn 14,890.56 điểm. Chỉ số Topix gồm những cổ phiếu hàng đầu cũng giảm 6,37% xuống còn 1.215,92 điểm.

Trong khi đó, đồng yên tăng giá lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua, với tỷ giá ghi nhận được tại thời điểm mới nhất là 101,77 yên / 1 USD. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso sẽ tổ chức họp báo khẩn vào chiều 24/6 để trao đổi về tình hình hiện nay.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng giá. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 230,24 điểm (1,3%) lên 18.011,07 điểm; Chỉ số Standard and Poor's 500 tăng 27,87 điểm (1,3%) lên 2.113,32 điểm.

Chỉ số Nasdaq Composite tăng 76,72 điểm (1,6%) lên 4.910,04 điểm. Tại châu Âu, chỉ số CAC của Pháp tăng 2%, chỉ số DAX của Đức tăng 1,8% trong khi chỉ số FTE 100 của Anh tăng 1,2%.

Tại trong nước, đồng bảng Anh đã sụt giá xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Theo số liệu thống kê tại thời điểm kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh tạm nghiêng về phe ủng hộ nước Anh ra khỏi EU, một bảng Anh hiện chỉ đổi được 1,3466 USD, mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua.

Đối với Thủ tướng David Cameron, đây là một thất bại đáng hổ thẹn. Những bước đi chính trị sai lầm trong ngắn hạn đang khiến ông rơi vào cái bẫy do chính mình đặt ra. Về cơ bản, ông Cameron không sai khi đấu tranh cho quyền lực của London; tuy nhiên, ông không có chiến lược để đạt được mục tiêu.

Khi tuyên bố sẽ trưng cầu dân ý, ông Cameron nghĩ rằng lời hứa này sẽ chấm dứt những bất đồng trong nội bộ đảng Bảo thủ và buộc EU phải thay đổi theo mong muốn của Anh, nhưng điều đó lại chỉ khiến làn sóng “bài châu Âu” tăng cao hơn bao giờ hết ở trong nước. Sau thất bại này, ông Cameron chắc chắn chịu áp lực rất lớn từ nội bộ đảng Bảo thủ yêu cầu ông từ chức.

Năm 1953, Thủ tướng Anh khi đó là Winston Churchill đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng: "Chúng tôi đồng hành với châu Âu, nhưng không phải là một phần của nó. Chúng tôi có mối liên hệ với châu Âu, nhưng không phải bị hòa vào nó”.

Mãi tới năm 1973, Anh mới gia nhập EU (khi đó lấy tên là Cộng đồng Than Thép châu Âu) một cách do dự, không hề nhiệt tình và đầy sự hoài nghi. 43 năm sau "cuộc hôn nhân gượng ép", cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23/6/2016 càng chứng minh rằng nhận định của Churchill là chính xác. Anh và EU không thể có mối quan hệ hòa hợp và gắn bó./. 

Đọc thêm