Brexit, nước Anh mất gì?

(PLO) -Ngày 23/6/2016, đa số cử tri Anh đã chọn phương án ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit). Hệ quả của sự lựa chọn này, là người Anh không chỉ phải chấp nhận một số “thiệt thòi” kinh tế, mà còn đối mặt với nguy cơ tính thống nhất của Vương quốc Anh bị đe dọa.
Quyết định chọn chia tay châu Âu của người Anh bị cho là sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Quyết định chọn chia tay châu Âu của người Anh bị cho là sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Kinh tế

Gần 2/3 những người được hỏi cho rằng Brexit đem lại những hậu quả tai hại cho các hoạt động kinh tế của nước Anh. Ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý bên kia bờ biển Manchesđược công bố vào rạng sáng ngày 24/6/2016, hai hậu quả đầu tiên là đồng bảng Anh mất 12% so với đồng đô la và gần 18% so với đồng tiền chung châu Âu.

Đà tuột dốc đó đã tiếp diễn vào phiên giao dịch hôm thứ Hai đầu tuần, khiến đồng bảng Anh rơi xuống mức thấp nhất so với đô la kể từ 30 năm qua. Không biết tương lai kinh tế Anh đi về đâu, nhiều nhà đầu tư ồ ạt bán đồng bảng Anh để mua vàng, đô la hay đồng euro, những đơn vị “dự trữ an toàn”.

Vì sao ngành tài chính ngân hàng lại là những nạn nhân đầu tiên của nguyện vọng nước Anh đòi tách rời khỏi EU: Trước hết, ngành tài chính và ngân hàng tại Anh Quốc sẽ mất đi “thẻ thông hành Châu Âu”:

Có nghĩa là tới nay, tất cả các sản phẩm tài chính tại khu City đều được tự do chuyển nhượng trên khắp các thị trường trong khối 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Một khi bước ra khỏi khối này, không có gì bảo đảm là Bruxelles vẫn dành cho Luân Đôn đặc quyền đó. 

Khi nước Anh mất đi lợi thế đó thì các ngân hàng nước ngoài sẽ đi tìm một địa bàn khác, họ tìm cách ở lại trong EU để làm ăn.  

Câu hỏi quan trọng khác iên quan đến mảng mậu dịch. Viện nghiên cứu Đức Bertelsmann Stiftung cho rằng, ra khỏi Châu Âu, thu nhập đầu người tại Anh sẽ mất đi khoảng 3% một năm từ nay đến năm 2030.

EU là đối tác thương mại lớn nhất của Anh, mua vào 50% hàng xuất khẩu nước này nhờ trong 40 năm qua, thuế xuất nhập khẩu đã được giảm đi đáng kể. Dầu thô của Anh khai thác từ lòng Bắc Hải vốn đã có giá thành cao, khó bán cho Châu Âu. Nếu như EU tái lập lại các hàng rào quan thuế với dầu thô của Anh nhập vào 27 nước còn lại thì dầu của Anh lại càng kém hấp dẫn.

Ngoài ngành tài chính, ngân hàng và thương mại, từ ngành vận tải đến những thỏa thuận hợp tác trong các ngành nghiên cứu của Anh đều phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng với lá phiếu đòi Brexit.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhìn chung hàng năm nước Anh đóng góp cho ngân sách chung Châu Âu hơn 7 tỷ euro. Đổi lại Luân Đôn nhận được gần 4 tỷ euro trợ giá nông phẩm qua Chính sách nông nghiệp chung –PAC. Nông gia Anh phải tính sao khi mất đi nguồn thu nhập đó?

Nhìn tới ngành nghiên cứu, Anh hiện đứng đầu trong số 28 thành viên được EU trợ cấp nhiều nhất cho các công trình nghiên cứu khoa học, gần 1,4 tỷ euro/năm. Ra khỏi EU, các nhà khoa học Anh mất đi nguồn tài trợ đó.  

Ngành hàng không của Anh cũng đang “ngồi trên lửa” vì đồng bảng Anh mất giá họ sẽ phải mua nhiên liệu đắt hơn, đó là chưa kể khối lượng hành khách anh đi du lịch sẽ giảm đáng kể khi mãi mực của người dân Anh giảm vì đồng bảng tuột giá.

Thêm một thách thức khác đặt ra cho các hãng hàng không Anh hay của nước ngoài đặt trụ sở tại Anh: Trong tương lai sẽ phải đàm phán lại về quyền tự do sử dụng không gian chung của Châu Âu. Từ hãng hàng không giá rẻ Easyjet đến tập đoàn nổi tiếng British Airways cùng lo ngại mất quyền mở chi nhánh hay trong thị trường chung Châu Âu.

Nhờ được hưởng quyền tự do sử dụng không gian chung Châu Âu mà tập đoàn hàng không low cost Easyjet, trong vỏn vẹn 20 năm, đã trở thành một đối tác nặng ký trên thế giới trong ngành.

Vài ngày trước khi cử tri Anh được tham khảo ý kiến về việc đi hay ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE đã công bố một báo cáo với những thống kê cụ thể như là: chia tay với Châu Âu, người tiêu dùng Anh phải trả giá một gói thuốc lá đắt hơn đến 20% so với hiện tại.

Trung bình, một người nghiện thuốc sẽ phải chi ra thêm 600 bảng một năm: đó là cái giá phải trả vì thuế nhập khẩu tăng thêm. Giá thuốc men và xe hơi trên thị trường Anh sẽ tăng thêm theo thứ tự là 4,5% và 10%.

Nỗi thất vọng của một người ủng hộ việc ở lại với châu Âu.

Nỗi thất vọng của một người ủng hộ việc ở lại với châu Âu.

Chính trị

Còn có một nguy cơ khác với nước Anh, đó là tính thống nhất của vương quốc Anh bị đe dọa, là một hệ quả khác của “Brexit”. Một vương quốc phải trải qua đến hàng trăm năm binh biến, các cuộc chinh phục thăng trầm mới có được một hình dạng như ngày hôm nay: Vương quốc Thống nhất Anh và Bắc Ailen, tên chính thức của vương quốc Anh, quy tụ 4 xứ: Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ailen.

Vấn đề ở lại hay ra khỏi EU đã chia vương quốc Anh thành hai phe đối lập giữa một bên là Scotland, Bắc Ailen, phía tây xứ Wales cộng với một vài thành phố lớn với những phần còn lại của vương quốc.

Nhất là tại Scotland, đông đảo người dân xứ này (62%) so với tỷ lệ 48% trên toàn thể vương quốc đã bỏ phiếu ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Kết quả là nữ thủ hiến xứ Scotland, ngay ngày hôm sau của cuộc trưng cầu dân ý, bà Nicola Sturgeon đã  gợi nhắc đến khả năng mở một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập để Scotland có thể ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. 

Ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, một cuộc thăm dò tại Scotland cho thấy cứ 10 người được hỏi có đến 6 người khẳng định thấy gần gũi với EU, mang nhiều bản sắc Liên Hiệp hơn là Anh quốc.

Không chỉ có nguy cơ mất Scotland, vương quốc Anh còn có thể phải đối mặt với việc thống nhất Ailen. Gần 56% trong số 1,2 triệu cử tri xứ Bắc Ailen đã chọn “ở lại” trong Liên Hiệp Châu Âu. Sinn Fein, một chính đảng theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc đã lên tiếng kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý cho một nước Ailen thống nhất.

Câu hỏi đặt ra nếu như Bắc Ailen vẫn bị ở lại trong vương quốc Anh, thì hậu quả sẽ như thế nào? Trong bối cảnh này, Bắc Ailen sẽ có nguy cơ gặp những rủi ro gì?

Theo Giáo sư Pauline Schnapper, Brexit phản ảnh rõ nét sự phân hóa sâu sắc về tôn giáo trong lòng xã hội Bắc Ailen. Phần đông cộng đồng người theo đạo Công giáo đã bỏ phiếu cho việc “ở lại” trong Liên Hiệp Châu Âu.

Còn những người theo đạo Tin Lành thì bị phân chia giữa những người Tin Lành hiếu hòa ủng hộ EU, trong khi đảng cầm quyền DUP, Đảng Hợp nhất Dân chủ, cũng theo Tin Lành nhưng ủng hộ Brexit.  

Nhà bình luận Richard Davis còn lưu ý thêm là: “Quả thật Bắc Ailen là khu vực nhận được rất nhiều hỗ trợ tài chính từ Liên Hiệp Châu Âu. Nếu như Vương quốc Anh ra khỏi Liên Hiệp, Bắc Ailen sẽ bị mất nguồn hỗ trợ này. Do đó, Brexit vừa là vấn đề chính trị, có từ lâu đời vừa là kinh tế. Có thể nói là tình hình Bắc Ailen rất là rối ren và đáng lo.”

Hôm thứ Tư 29/06/2016, hàng ngàn người dân Scotland đã tụ tập trước Nghị viện nước này tại Edimbourg, để nhắc lại nguyện vọng của mình muốn ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. “Brexit, điều này đã làm cho tim tôi tan nát, cứ như là ai đó đã lấy mất một phần trong tôi”, như lời thổ lộ nghẹn ngào của anh John Rhodes.

Hơn một tuần sau vụ Brexit, hơn bao giờ hết người dân xứ Scotland giờ “có cảm giác đã bị nước Anh phản bội”, như hàng tựa nhận định đăng trên trang mạng Libération ngày 29/6/2016.