Bùng nổ tội phạm dùng thuốc thôi miên để trộm cướp

(PLO) - Các đối tượng phạm tội tại Colombia đang có xu hướng sử dụng các loại thuốc mê như Scopolamine để chuốc cho các nạn nhân hòng khiến họ tự giao nộp tiền bạc và các vật dụng có giá trị. 
Trong năm 2012, cơ quan Cảnh sát quốc gia Colombia cho biết đã ghi nhận hơn 1.200 trường hợp bị trúng độc các loại thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương như Scopolamine và các loại thuốc như Lorazepam (có tên thị trường là Ativan), Rohypnol, Rivotril, Sinogan. 
Những chất này khi được pha lẫn với rượu có thể gây ra tình trạng bất tỉnh và mất trí nhớ ngay lập tức, khiến con người hành động như “những thây ma”. Ngoài ra, việc sử dụng một lượng lớn Scopolamine, còn được biết đến với những tên gọi như Burundanga, Escopalomina hay “hơi thở của quỷ”, còn có thể gây chết người. 
6 đối tượng thuộc băng Los Wong bị bắt giữ. Ảnh: Internet
6 đối tượng thuộc băng Los Wong bị bắt giữ. Ảnh: Internet 
Một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất có liên quan đến Scopolamine là cái chết của cựu Nghị sỹ Quốc hội Octavio Zapata, 76 tuổi. Truyền thông Colombia đưa tin, ngày 25/6 vừa qua, ông Zapata đã bị một nhóm đối tượng được cho là thành viên của băng nhóm Los Wong ép dùng Scopolamine. Những kẻ tấn công được cho là muốn khiến ông Zapata bất tỉnh để chúng có thể đánh cắp các vật dụng của ông này trước khi trao ông cho một băng nhóm tội phạm khác để chúng đòi tiền chuộc từ gia đình ông. 
Song, ông Zapata đã tỉnh ngay sau khi bị chuốc liều Scopolamine đầu tiên và bắt đầu chống cự hòng thoát thân. Thấy vậy, băng nhóm Los Wong đã ép ông uống liều Scopolamine thứ 2, khiến ông này tử vong. 10 ngày sau, thi thể của nạn nhân được tìm thấy ở trên sông Cali. Cảnh sát sau đó đã bắt giữ 6 đối tượng được cho là thành viên của băng nhóm có liên quan đến vụ bắt cóc và giết chết ông Zapata. 
Đàn ông và người nước ngoài dễ gặp nguy hiểm
Cảnh sát quốc gia Colombia đã phát động nhiều chiến dịch tại các thành phố lớn trên cả nước để ngăn chặn nguy cơ ngày càng có nhiều người trở thành nạn nhân của các loại thuốc “thây ma”. Tại thành phố Cali, thủ phủ của tỉnh Valle del Cauca, Tướng Fabio Castaneda – Cảnh sát trưởng thành phố - cho biết, hầu hết nạn nhân là những người đàn ông, vốn thường uống nhiều rượu khi họ nói chuyện với những người phụ nữ. 
Đôi khi, các loại thuốc được kê đơn hay các loại thuốc mê có sẵn ở chợ đen được pha chế với Scopolamine, khiến các nạn nhân mụ mị hơn. “Các băng nhóm thường nhắm đến mục tiêu là những người đàn ông và sử dụng những người phụ nữ để hành động. Họ là những người phụ nữ hấp dẫn và gợi cảm, nói chuyện rất có duyên và dễ dàng chiếm được niềm tin của các nạn nhân” – ông Castaneda nói.
Ông Castaneda lấy ví dụ điển hình là anh Andres Gomez, một kỹ sư 29 tuổi. Hôm 3/5 vừa qua, anh này đã đến một câu lạc bộ ở Bogota với các bạn. Tại thời điểm đó, 4 phụ nữ xuất hiện và mời họ uống rượu. “Tôi không muốn nhưng những phụ nữ đó thực sự rất xinh đẹp và có vẻ lịch sử. Tôi uống một ít và ra ngoài hút thuốc. Sau đó, tôi không nhớ bất cứ điều gì” – anh Gomez kể lại. 16 giờ sau đó, anh tỉnh lại trên một cánh đồng, đầu đau dữ dội và khát nước, đặc biệt là không còn một vật dụng nào. Một người đàn ông sau đó đã đưa anh tới bệnh viện, nơi các bác sỹ chẩn đoán anh đã uống phải Scopolamine. 
Cũng theo ông Castaneda, những người nước ngoài cũng có thể trở thành mục tiêu của các băng đảng tội phạm. “Những người nước ngoài không nên nói chuyện với những người lạ mặt, đặc biệt không nên nhận những đồ vật hay đồ uống có cồn từ những người này. Nếu muốn gặp ai đó thì nên gặp ở các khách sạn hoặc chỉ gặp những người đáng tin cậy và đừng bắt taxi trên đường phố” – ông Castaneda nói. 
Ngoài ra, ông Castaneda nói thêm, những đối tượng phạm tội cũng có thể sử dụng các loại thuốc hít, trong đó có Acetone và thuốc chống trầm cảm  khiến các nạn nhân buồn ngủ trước khi cho họ uống Scopolamine. “Chúng tôi đã tiếp nhận một số vụ việc mà các đối tượng phạm tội đưa cho các du khách những tờ tạp chí, và khi họ mở chúng, họ sẽ hít phải các loại thuốc đó và bị say” – ông Castaneda cho biết thêm. 
Bên cạnh đó, cảnh sát Colombia cho biết, ngoài mục đích trộm cướp, các băng nhóm tội phạm còn sử ụng Scopolamine nhằm mục đích hãm hiếp các nạn nhân hay thậm chí là bắt cóc trẻ em.