Các cơ quan của Liên hợp quốc kêu gọi “khởi đầu mới” cho chính sách tị nạn của EU

(PLVN) -  Hai cơ quan của Liên Hợp Quốc hôm 22/9 đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tạo ra một “khởi đầu mới” khi EU chuẩn bị công bố một cuộc "đại tu" đối với hệ thống tị nạn đã thất bại của châu Âu.
Những người di cư được giải cứu vào tối 15/9 ở vùng biển Trung Địa Trung Hải khi đang cố gắng chạy trốn khỏi Libya trên một chiếc thuyền gỗ. Ảnh: AP
Những người di cư được giải cứu vào tối 15/9 ở vùng biển Trung Địa Trung Hải khi đang cố gắng chạy trốn khỏi Libya trên một chiếc thuyền gỗ. Ảnh: AP

Theo Cao uỷ liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), EU nên bỏ qua cuộc tranh luận gây chia rẽ nhiều năm qua về cách tốt nhất để quản lý người di cư, người tị nạn và tạo ra một “khởi đầu mới” cho chính sách tị nạn ở lục địa này.

Sự xuất hiện của hơn 1 triệu người di cư ở châu Âu vào năm 2015, hầu hết trong số họ là người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria, đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất của EU.

Khối 27 quốc gia đã dấy lên những tranh cãi về việc ai phải chịu trách nhiệm cho những người chạy trốn sang châu Âu và liệu các quốc gia EU khác có nên có nghĩa vụ giúp đỡ các quốc gia Địa Trung Hải chịu nhiều thiệt hại như Hy Lạp, Ý và Malta hay không.

Trong một nỗ lực mới để chấm dứt tình trạng tranh cãi này, cơ quan điều hành của EU là Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussels (Bỉ)  sẽ công bố rộng rãi đề xuất về một "Hiệp định về Di cư và Tị nạn" như một cuộc đại tu đối với hệ thống tị nạn đang bị coi là thất bại của châu Âu.

“Hiệp ước mang lại cơ hội cho châu Âu chứng tỏ rằng họ có thể duy trì quyền cơ bản được tị nạn, đồng thời hợp tác dựa trên các chính sách thực dụng để xác định những người cần được quốc tế bảo vệ và chia sẻ trách nhiệm với họ” - Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn Filippo Grandi nói.

EU dựa vào UNHCR và IOM để giúp thực thi các chính sách của mình nhằm đối phó với những người tìm kiếm nơi trú ẩn hoặc cuộc sống tốt hơn ở châu Âu. Trước những chia rẽ gay gắt, phần lớn các giải pháp trọng tâm của EU là ngăn chặn người di cư rời khỏi Bắc Phi hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai cơ quan của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng “cách tiếp cận hiện tại của EU là không khả thi, không thể thực hiện được và thường mang lại hậu quả về vấn đề nhân quyền” và kêu gọi “hành động chung của EU để có trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn những người di cư lênh đênh trên biển”.

Trong khi đó, nhiều động thái nhằm ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp sang châu Âu đã bị chỉ trích nặng nề, như thỏa thuận của EU với Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó EU trả hàng tỷ euro để bảo vệ những người tị nạn Syria để đổi lấy việc Ankara ngăn họ đến châu Âu.

EU cũng trả tiền và đào tạo lực lượng bảo vệ bờ biển ở Libya để ngăn người dân rời khỏi quốc gia Bắc Phi trái phép. Nó cũng đã cố gắng đảm bảo các thỏa thuận khác với các nước Bắc Phi để thuyết phục họ không khuyến khích những người di cư.

Tổng Giám đốc IOM Antonio Vitorino cho biết điều quan trọng là "EU phải đảm bảo rằng chính sách dài hạn nhất quán ở các khía cạnh bên trong và bên ngoài, bắt nguồn từ quan hệ đối tác chân chính và phù hợp với các khuôn khổ và thỏa thuận quốc tế hiện có."