Các nước Á - Phi kêu gọi xóa bỏ trật tự thế giới lỗi thời

(PLO) - Các nhà lãnh đạo các nước châu Á và châu Phi ngày 22/4 kêu gọi thiết lập một trật tự thế giới mới mở cửa với các cường quốc kinh tế đang trỗi dậy và từ bỏ những ý tưởng đã lỗi thời trong quá khứ. 
Các nhà lãnh đạo Á – Phi tham dự Hội nghị.
Các nhà lãnh đạo Á – Phi tham dự Hội nghị.
Các kêu gọi nói trên được đưa ra tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao của các nhà lãnh đạo các nước châu Á và châu Phi nhằm đánh dấu kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung – hội nghị đã góp phần tạo lập trường chống chủ nghĩa thực dân của thế giới các nước đang phát triển và đặt nền tảng cho Phong trào Phi liên kết trong thời Chiến tranh lạnh. 
Tham dự Hội nghị Cấp cao Á – Phi 2015, Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung 1955, 10 năm Quan hệ đối tác chiến lược mới Á - Phi tại Bandung, Indonesia có 91 đoàn cấp cao các nước, bao gồm 47 nước ở châu Á, 44 nước ở châu Phi, trong đó có 23 Nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng, 7 Phó Tổng thống, 6 Phó Thủ tướng và trên 30 Bộ trưởng. Đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu tham dự Hội nghị. 
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề Hội nghị lần này và sự cần thiết phải tăng cường hợp tác Á - Phi trong bối cảnh mới.
Ông Widodo cũng cho rằng, những người hiện vẫn khăng khăng rằng các vấn đề kinh tế toàn cầu chỉ có thể được giải quyết qua Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng châu Á là những người đang bám chặt vào các ý tưởng đã lỗi thời.
“Điều này cần phải được thay đổi. Việc xây dựng một trật tự kinh tế toàn cầu mới mở cửa với các cường quốc kinh tế đang trỗi dậy là điều bắt buộc” – ông Widodo nói.
IMF và WB là trung tâm của trật tự tiền tệ thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới II do Mỹ và châu Âu lập nên tại Hội thảo Bretton Woods ở New Hampshire vào năm 1944. Phát biểu của ông Widodo được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc hậu thuẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị hình thành và được xem là một đối thủ cạnh tranh của World Bank và Ngân hàng châu Á.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, một dạng thức mới trong quan hệ quốc tế là cần thiết để thúc đẩy hợp tác giữa các nước châu Á và châu Phi, và rằng các nước phát triển có nghĩa vụ phải hỗ trợ các nước còn lại không phân biệt thể chế chính trị.
Tại Hội nghị, Tổng thống Zimbabwea Robert Mugabe cho rằng, các nước châu Á và châu Phi không nên đóng vai trò là nước xuất khẩu các thiết yếu và nhập khẩu các mặt hàng thành phẩm nữa. Ông gọi đây là vai trò mà các nước giàu có thực dân đã chỉ định cho các nước châu Á và châu Phi trong lịch sử, bắt đầu từ thời đại của chủ nghĩa thực dân.   
Theo Reuters, trật tự thế giới đã thay đổi đáng kể kể từ Hội nghị Bandung 1955, khi gần 30 nhà lãnh đạo trên thế giới tụ họp tại Indonesia để thảo luận về an ninh và phát triển kinh tế.
Tại thời điểm đó, các nước này mới chỉ chiếm chưa đến 1/4 sản lượng kinh tế toàn cầu nhưng đến nay các nước này đã đóng góp hơn một nửa kinh tế thế giới. Nhiều nước tham gia Hội nghị Bandung như Trung Quốc và Ấn Độ hiện đã trở thành thành viên của nhóm các nước kinh tế quan trọng thế giới như G20./.

Đọc thêm