"Cái chết êm ái" - Giúp người hay giết người?

(PLO) -“Me before you” (Trước ngày em đến) đang lấy nước mắt, nụ cười khán giả Việt Nam nhờ câu chuyện tình đẹp và buồn. Phim cũng khiến nhiều người suy nghĩ về vấn đề trợ tử gây tranh cãi.
Cảnh trong phim “Trước ngày em đến”
Cảnh trong phim “Trước ngày em đến”

Trong “Trước ngày em đến” có hình ảnh một tờ giấy (một dạng hợp đồng) mà ở đầu trang có từ “Dignitas” nổi bật. Hình ảnh chỉ thoáng qua thôi nhưng là sợi dây quan trọng kết nối câu chuyện cuộc đời của các nhân vật chính trong phim.

Trong đời thực, Dignitas là một tổ chức của Thụy Sĩ chuyên giúp những người mắc bệnh nan y, vô phương cứu chữa, những bệnh nhân khổ sở kinh niên vì nỗi đau thể xác, tinh thần tìm đến cái chết với sự trợ giúp của bác sĩ, y tá.

Họ đã giúp hơn 1.000 người ra đi thanh thản ở các cơ sở y tế tại bang Zurich - nơi có thành phố Zurich lớn nhất Thụy Sĩ. Dignitas cũng cung cấp dịch vụ trợ giúp tự tử cho những đối tượng khác nếu họ hoàn toàn tỉnh táo, cung cấp hồ sơ y tế toàn diện do bác sĩ, chuyên gia tâm thần học lập ra, theo yêu cầu của tòa án Thụy Sĩ.

“Cái chết êm ái”

Dignitas được một luật sư Thụy Sĩ tên là Ludwig Minelli thành lập năm 1998. Theo luật pháp Thụy Sĩ, trợ tử chỉ bị coi là phi pháp nếu động cơ là tư lợi.

Theo BBC, ngoài một bác sĩ độc lập, người muốn quyên sinh sẽ gặp một số nhân viên Dignitas để được tư vấn riêng. Bác sĩ độc lập có nhiệm vụ đánh giá bằng chứng mà bệnh nhân cung cấp và gặp bệnh nhân trong hai dịp cách xa nhau.

Một bằng chứng pháp lý liên quan trợ tử sẽ được thiết lập dưới dạng bản khai có tuyên thệ (bệnh nhân và các nhân chứng độc lập ký tên). Trong trường hợp bệnh nhân không thể ký (ví dụ bị liệt), người ta sẽ quay một đoạn video ngắn, trong đó bệnh nhân được yêu cầu khẳng định danh tính, ước muốn quyên sinh trên cơ sở tự nguyện, không có bất kỳ tác động nào từ bên ngoài.

Bằng chứng đồng thuận này là riêng tư và được lưu giữ chỉ với mục đích sử dụng khi có tranh chấp pháp lý.

Cuối cùng, vài phút trước khi bác sĩ cho uống thuốc, bệnh nhân được nhắc lại rằng, việc sử dụng thuốc quá liều chắc chắn sẽ khiến họ tử vong. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được hỏi vài lần rằng, liệu họ có muốn tiếp tục quá trình trợ tử hay dành thời gian cân nhắc thêm.

Việc này giúp bệnh nhân có cơ hội dừng quá trình chết người này. Tuy nhiên, đến lúc này, nếu bệnh nhân tuyên bố họ kiên quyết thực hiện thì bác sĩ sẽ cung cấp liều thuốc đủ mạnh để họ ra đi mãi mãi.

Các bình đựng tro cốt được tìm thấy dưới đáy hồ Zurich
Các bình đựng tro cốt được tìm thấy dưới đáy hồ Zurich

Mức phí tới 7.000 euro cho sự giải thoát

Nhìn chung, Dignitas áp dụng quy trình sau để trợ tử: Đầu tiên, cho bệnh nhân uống thuốc chống nôn. Khoảng một giờ sau, cho họ uống thuốc an thần dạng bột hòa tan trong một cốc nước lọc. Lượng thuốc an thần được kê quá liều để đảm bảo người bệnh chắc chắn sẽ tử vong trong giấc ngủ. Thuốc an thần quá liều làm ức chế hệ thần kinh trung ương, khiến bệnh nhân cảm thấy buồn ngủ rồi ngủ trong vòng 5 phút sau khi uống thuốc.

Trạng thái mất cảm giác tiến triển thành sự hôn mê, hơi thở của người bệnh nông dần, ngưng thở. Họ tử vong trong vòng 30 phút kể từ khi uống thuốc.

Trong một số trường hợp năm 2008, Dignitas sử dụng khí helium, thay vì thuốc an thần để đưa bệnh nhân vào giấc ngủ ngàn thu. Khi dùng khí helium thì không phải giám sát y tế và không phải sử dụng các loại thuốc kê đơn được kiểm soát chặt chẽ. Và vì thế, phương pháp này rẻ hơn, dễ áp dụng hơn, Daily Mail đưa tin.

Luật sư Ludwig Minelli, người sáng lập Dignitas, ở bên ngoài một cơ sở trợ tử
Luật sư Ludwig Minelli, người sáng lập Dignitas, ở bên ngoài một cơ sở trợ tử

Theo Ludwig Minelli, Dignitas tính phí 4.000 euro (5.263 USD) cho việc chuẩn bị và hỗ trợ bệnh nhân quyên sinh. Mức phí này lên tới 7.000 euro nếu bao gồm cả việc tổ chức đám tang, chi phí thuốc men-Tagesspiegel.de đưa tin. Dignitas miễn giảm một số loại phí nếu bệnh nhân, gia đình gặp khó khăn.

Theo luật pháp Thụy Sĩ, Dignitas hoạt động với tư cách tổ chức phi lợi nhuận, nhưng không cung cấp dữ liệu tài chính của mình cho công chúng. Một số người chỉ trích việc Dignitas giữ bí mật về tài chính- theo Washington Post.

Du lịch để…tự tử

Trong một cuộc trưng cầu ý dân năm 2011, có tới 85% người dân bang Zurich bác bỏ lời kêu gọi cấm trợ tử và 78% bác bỏ lời kêu gọi không cung cấp dịch vụ này cho người nước ngoài- Daily Telegraph đưa tin.

Trả lời phỏng vấn hồi tháng 3/2008, Ludwig Minelli nói rằng, Dignitas đã trợ giúp 840 người ra đi vào cõi vĩnh hằng, 60% trong số đó là người Đức.

Đến năm 2010, con số này đã vượt quá 1.000- theo The Atlantic. Phần lớn những người tìm đến Dignitas không có ý định tìm đến cái chết, nhưng cần bảo hiểm trong trường hợp bệnh tình của họ trở nên không thể chịu đựng nổi.

Có tới 21% số người được Dignitas trợ tử không mắc bệnh nan y giai đoạn cuối hoặc ngày càng trầm trọng, mà họ chỉ đơn giản là “chán sống”-theo nội dung một cuốn sách có tựa đề “Suicide assisted by two Swiss right-to-die organisations”.

Dù thị trường “trợ tử” chủ yếu dành cho người Đức, tính đến tháng 8 năm 2015, có khoảng 300 công dân Anh tới Thụy Sĩ để chết trong các căn hộ cho thuê của Dignitas ở Zurich. Hồi tháng 3/2010, họa sĩ truyện tranh người Anh John Hicklenton chấm dứt đời mình tại phòng khám Dignitas sau 10 năm vật lộn với bệnh đa xơ cứng gây liệt dần dần- BBC đưa tin.

Cáo buộc của cựu nhân viên Dignitas

Soraya Wernli là một y tá làm việc cho Dignitas trong hai năm rưỡi (tính đến tháng 3 năm 2005). Bà cáo buộc Dignitas là “một dây chuyền sản xuất cái chết chỉ quan tâm tới lợi nhuận”- theo Daily Mail. Wernli nói rằng, nhiều người giàu có, dễ bị tổn thương đã di chúc để lại cho Ludwig Minelli “một khoản tiền lớn”, ngoài số phí theo quy định. Bà cũng nói rằng, một số người không phải bệnh nhân giai đoạn cuối.

Sau khi một loại thiết bị mới được sử dụng gặp sự cố, có khách hàng phải trải qua 70 giờ vật vã trước khi chết- theo Daily Mail. Dignitas phủ nhận mọi cáo buộc. Giám đốc Minelli nói: “Nếu các công tố viên của bang cảm thấy tôi làm giàu cho bản thân, họ sẽ khởi tố”-Telegraph đưa tin.

Tháng 4 năm 2010, cảnh sát Thụy Sĩ tìm thấy hơn 60 bình đựng di cốt hỏa táng trong hồ Zurich. Mỗi chiếc bình đều có logo của đài hóa thân Nordheim mà Dignitas sử dụng. Soraya Wernli, cựu nhân viên của Dignitas nói với The Times rằng, Dignitas đã vứt bỏ ít nhất 300 bình tro cốt xuống hồ.

Bà nói rằng, giám đốc Minelli tự vứt bình, sau đó yêu cầu con gái của ông này và nhân viên làm việc đó. Năm 2008, hai thành viên của Dignitas bị bắt quả tang đổ tro cốt của 20 người chết xuống hồ, The Sun đưa tin.

 “Trước ngày em đến” kể về mối tình của người chăm sóc quê mùa với bệnh nhân liệt nửa người. Họ sống mạnh mẽ hơn người bình thường và phim đem lại nhiều tiếng cười cho người xem. Lou (Emilia Clarke đóng) thường xuyên ăn mặc phản thời trang nhưng thích học ngành fashion. Cô gái quê có gia cảnh nghèo khó, ru rú xó nhà, ít trải nghiệm cuộc sống, nhưng vui vẻ, hồn nhiên, yêu đời, yêu người.

Will (Sam Claflin đóng) là doanh nhân thành đạt, năng động, thích cuộc sống giàu màu sắc, sau tai nạn thì lạnh lẽo, u uất. Phim có một chi tiết đắt nhưng cũng gây băn khoăn. Đó là cảnh Lou nhìn thấy vết thương cũ trên cổ tay Will. Người xem suy ra rằng, Will từng cố tự tử. Nhưng Will liệt cả tứ chi thì anh làm điều đó bằng cách nào?

Đọc thêm