Căng thẳng tại Ukraine: Đã có thương vong từ cả 2 bên

(PLO) - Kênh truyền hình Russia Today ngày 13/4 đưa tin đã xảy ra đấu súng tại thành phố Slavyansk ở phía Đông Ukraine, nơi những người biểu tình ủng hộ Nga đang chiếm giữ vài tòa nhà chính quyền. 
Những tay súng ủng hộ Nga chiếm tòa nhà cảnh sát ở Slovyansk và dựng rào chắn trong khi người dân đứng nhìn.  Ảnh: AP
Những tay súng ủng hộ Nga chiếm tòa nhà cảnh sát ở Slovyansk và dựng rào chắn trong khi người dân đứng nhìn. Ảnh: AP
Diễn biến nói trên xảy ra sau khi Kiev mở một “chiến dịch chống khủng bố” nhằm vào những người biểu tình. Trên trang facebook cá nhân, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết, các đơn vị an ninh từ khắp cả nước đã được cử đến để đòi lại quyền kiểm soát của Kiev tại Slavyansk. Ông Avakov đã gửi thông điệp đề nghị các công dân rời khỏi trung tâm thành phố, không rời khỏi nhà và không đứng gần các cửa sổ. 
Phóng viên của Reuters cho biết, 2 trực thăng quân sự của Ukraine đã bay trên nóc trụ sở cảnh sát của thành phố, nơi đang bị người biểu tình chiếm giữ. Ngoài ra, Russia Today (RT) đưa tin, các xe bộ binh bọc thép cũng đã xuất hiện gần thành phố. Dân địa phương cho biết thêm, các máy bay vận tải đã đáp xuống một sân bay cũ ở cách trung tâm thành phố khoảng 5km, sau đó các binh lính đã đi về phía Slavyansk.
Các vụ xả súng đã bắt đầu tại một trạm kiểm soát do người biểu tình lập ra vào tối 12/4 ở ngoại ô thành phố. Bộ trưởng Avakov tường thuật trên facebook rằng, một binh lính thuộc Lực lượng an ninh Ukraine (SBU) đã thiệt mạng và 5 người khác thuộc Trung tâm chống khủng bố của SBU đã bị thương trong các vụ đụng độ. Ông Avakov cho biết thêm, phe biểu tình cũng đã phải hứng chịu một số thiệt hại nhưng không công bố chi tiết. 
Đài RT dẫn các thông tin từ Slavyansk cho biết một số người dân địa phương đã có mặt tại một số tòa nhà và hàng rào bị người biểu tình chiếm giữ. Theo nguồn tin của RT, đó là những người tình nguyện ủng hộ phong trào độc lập nhưng ông Avakov cáo buộc phe biểu tình đã sử dụng người biểu tình làm lá chắn sống.
Ria Novosti đưa tin, ít nhất một trạm kiểm soát của người biểu tình đã bị binh lính từ Kiev phá bỏ. Các lối vào thành phố đã bị những binh lính không mặc đồng phục chiếm giữ. Xe buýt tại địa phương đã phải hủy chuyến vì bị chặn đường. Trong khi đó, những phần tử thân Nga cũng đã phóng hỏa một số vật chướng ngại làm từ lốp xe và dựng nhiều rào chắn ở trước trụ sở cảnh sát.
Theo hãng tin AP, tình trạng bất ổn tại Slovyansk và Donetsk là những biểu hiện mới nhất cho thấy sự tức giận đang ngày càng gia tăng ở phía Đông Ukraine, nơi có đông người nói tiếng Nga sinh sống và là một thành trì của ông Viktor Yanukovych – Tổng thống Ukraine đã bị lật đổ hồi tháng 2 vừa qua. Những người nói tiếng Nga ở miền Đông lo ngại rằng chính quyền mới thân phương Tây tại Kiev sẽ đàn áp họ. 
Còn theo Reuters, bất kỳ chiến dịch nào nhằm đánh bật những phần tử có vũ trang đều có thể đẩy căng thẳng tại phía Đông Ukraine sang một giai đoạn mới nguy hiểm vì Nga đã cảnh báo sẽ hành động để bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukraine nếu họ bị tấn công. 
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng đang ngày càng xấu đi tại các khu vực phía Đông Ukraine. Ông Ban đã kêu gọi các bên làm dịu tình hình, tuân thủ các quy định của luật pháp, kiềm chế tối đa, đồng thời kêu gọi các cuộc đối thoại khẩn cấp và có tính xây dựng để làm dịu tình hình và giải quyết các khác biệt. 
Trong một diễn biến khác, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết, hôm nay (14/4), EU sẽ chuẩn bị câu trả lời chung cho bức thư mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi các nhà lãnh đạo châu Âu về vấn đề Ukraine. 
Theo ông Sikorski, bức thư nhiều khả năng sẽ được người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso hoặc Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy trao cho phía Nga. Thông tin này liên quan đến việc ông Putin đã gửi thư cho các nhà lãnh đạo châu Âu về khoản nợ khí đốt của Ukraine và đề nghị có các giải pháp để giải quyết vấn đề. 
Theo Reuters, cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraine có thể dẫn đến một “cuộc chiến khí đốt”, làm gián đoạn nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga tới các khách hàng trên khắp châu Âu.