Cảnh báo nguy cơ người giúp việc nhà bị IS xúi bẩy

(PLO) - Viện Nghiên cứu chính sách xung đột (IPAC) của Indonesia vừa công bố báo cáo cho biết ước tính khoảng 45 trong tổng số 150.000 người giúp việc người Indonesia tại Hong Kong đã có các hoạt động ủng hộ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo CNA, sự cô đơn và cảm giác xáo trộn trong một môi trường mới đã khiến những nữ giúp việc người Indonesia tại Hong Kong trở nên dễ bị tác động bởi những giáo lý cực đoan và bị những “bạn trai” mà họ tình cờ gặp trên mạng internet. Trong khi đó, IS có một đội quân tuyên truyền khá hùng mạnh, thường đóng vai những người bạn, người thấu hiểu để tâm sự với các con mồi trước khi dụ dỗ họ làm việc theo ý muốn của chúng.

Nhiều người giúp việc Indonesia vì thế đã rơi vào bẫy, bị khai thác tài chính để tài trợ cho các hoạt động của các phần tử cực đoan. “Một số phụ nữ đã bị những phần tử thánh chiến trên mạng dụ dỗ, nhận chúng làm bạn trai. Một số thậm chí gia nhập IS vì nghĩ đó là một cách để họ đạt được nữ quyền”, nhà phân tích IPAC Nava Nuraniyah cho biết. 

Báo cáo cho hay vụ bắt giữ 2 phụ nữ người Indonesia từng làm giúp việc ở nước ngoài vì hành vi âm mưu đánh bom liều chết ở Bali và Jakarta hồi tháng 12/2016 là những vụ việc đầu tiên cho thấy sự dễ bị tổn thương của những lao động nhập cư người Indonesia trước những chiêu tuyển mộ của các phần tử cực đoan. Cả 2 người này đều đã bị “tẩy não”, biến từ những lao động bình thường thành những người Hồi giáo cực đoan chỉ trong vòng 1 thời gian ngắn. 

Kết quả là, từ những phụ nữ độc thân, họ đã tới Syria để kết hôn với những chiến binh IS ở đó. “Một số người giúp việc đã bị những tay bạn trai trên mạng lợi dụng, trở thành nguồn cấp tiền không giới hạn cho chúng”, bà Nava thông tin. Lý giải về việc này, bà Nava cho rằng nguyên nhân một phần nằm ở việc những người giúp việc xem những chiến binh IS như anh hùng và sẵn sàng hỗ trợ hậu cần cũng như tài chính cho chúng. “Một số người khác cũng đã nảy sinh tình cảm trên mạng với những phần tử đang nuôi ý định trở thành chiến binh của IS, rồi sau đó giúp những người này tới Syria hoặc bản thân họ cũng tìm cách để tới đó”, bà nói thêm.

Theo báo cáo, số người lao động nhập cư người Indonesia tại Hong Kong, trong đó hầu hết là phụ nữ, đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2000 do nhu cầu người giúp việc ở Hong Kong tăng cao. Dù số người bị cực đoan hóa cho đến nay chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số người lao động Indonesia tại Hong Kong nhưng IPAC cho rằng cần có những biện pháp để kiềm chế nguy cơ người giúp việc bị cực đoan thông qua các hoạt động như đào tạo, nâng cao nhận thức cho người lao động trước khi ra nước ngoài.

“Chính phủ cần đảm bảo rằng người nhập cư sẽ nhận được đầy đủ thông tin về các quyền của họ cũng như nguy cơ bị lợi dụng, bao gồm nguy cơ bị những kẻ nhận làm bạn trai trên mạng và những kẻ chuyên đi truyền bá tư tưởng tôn giáo cực đoan dụ dỗ”, IPAC nhận định.

Trong kết luận báo cáo, IPACcũng kêu gọi chính quyền Hong Kong, lãnh sự quán Indonesia và các lực lượng chức năng hợp tác để đảm bảo rằng những phần tử cực đoan chuyên thúc đẩy sự thù hằn và bạo lực có cơ hội để truyền bá tư tưởng của chúng. 

Đọc thêm