Cảnh sát Canada và Mỹ “dồn sức” bảo vệ người đồng tính

(PLO) -Sau vụ xả súng kinh hoàng ở thành phố Orlando, bang Florida, Mỹ làm 49 người chết và 53 người bị thương, cảnh sát Mỹ và cảnh sát Canada đã triển khai lực lượng để đảm bảo an toàn cho các sự kiện của cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) đang diễn ở 2 nước này. 
Một cặp đôi đồng tính.
Một cặp đôi đồng tính.

Vụ xả súng kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ vừa diễn ra tại Orlando, một lần nữa làm đau lòng thêm những người LGBT về sự kỳ thị và định kiến của xã hội mà họ đang phải đối mặt hàng ngày. Sự kiện ngày 12/6 cho thấy, tư tưởng thù ghét người đồng tính nam của IS và những người ủng hộ chúng ngày càng vươn xa. 

Cảnh sát Mỹ siết chặt an ninh

Việc này xảy ra đúng thời điểm diễn ra Pride month - tháng lễ của cộng đồng người LGBT. Do đó, an ninh ở Los Angeles được thắt chặt hơn bao giờ hết, nhất là khi cảnh sát bắt giữ một người bị tình nghi có âm mưu tấn công lễ diễu hành của người đồng tính nam.

Biểu tình ủng hộ người đồng tính
Biểu tình ủng hộ người đồng tính

Phát biểu trên mạng xã hội Twitter, Cảnh sát trưởng Santa Monica Jacqueline Seabrooks cho biết, nghi phạm James Howell đến từ bang Indiana, đã thừa nhận muốn "gây tổn hại" lễ diễu hành của người đồng tính tại thành phố Los Angeles.

Trước đó, cảnh sát đã chặn đối tượng James Howell sau khi nhận được cuộc gọi thông báo về một kẻ khả nghi lảng vảng trên phố. Và khi khám xe của hắn, cảnh sát đã phát hiện một số vũ khí, trong đó có 3 khẩu súng trường và rất nhiều đạn, cùng với tannerite- chất thường được dùng để chế tạo bộc phá ống. 

Theo thống kê của Liên minh Quốc gia Các chương trình Chống bạo lực của Mỹ (NCAVP), số sát thủ nhắm vào cộng đồng LGBT ở Mỹ đã tăng tới 20% trong năm 2015.

“Đã có 24 vụ giết người nhắm vào cộng đồng LGBT ở Mỹ trong năm 2015, tăng 20% so với 20 vụ được ghi nhận năm 2014”, NCAVP báo cáo. Báo cáo kể trên được công bố chỉ 2 ngày sau khi sát thủ Omar Mateen xả súng tại hộp đêm Pulse.

Chân dung nghi phạm xả súng Omar Mateen

Chân dung nghi phạm xả súng Omar Mateen

Với việc sát hại 49 người hôm 12/6, Omar Mateen đã trở thành kẻ giết người hàng loạt và gây ra vụ xả súng nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ. Tại cuộc họp báo chiều 13/6, cảnh sát Orlando đã thuật lại chi tiết vụ huyết án. 

Vụ thảm sát hôm 12/6 đã gây sốc với nhiều người, bởi hộp đêm Pulse được coi là một trong những điểm an toàn nhất của người đồng tính.

Rachel Tiven, Giám đốc điều hành nhóm Lambda Legal dành cho LGBT cho rằng, việc họ bị sỉ vả, bôi xấu chính là nguyên nhân dẫn đến bạo lực và nhấn mạnh, LGBT đang phải sống trong một xã hội "khuyến khích cho nỗi sợ hãi sự khác biệt" và điều này dẫn đến "hậu quả khủng khiếp gây ra bởi những kẻ điên". Robert Matencio, một nhà tổ chức sự kiện cho LGBT tuyên bố, sẽ tăng cường nhân viên an ninh, đào tạo họ kiểm soát đám đông. 

Tháng 6/2015, Tòa án tối cao Mỹ quyết định cho phép kết hôn đồng giới và Mỹ trở thành một trong 21 nước trên thế giới công nhận hôn nhân giữa các cặp đồng tính. Trước đó, Mỹ chỉ định ông Randy Berry là đại sứ thế giới của cộng đồng LGBT về vấn đề nhân quyền.

Gần 5 năm trước, Mỹ công bố Quỹ bình đẳng thế giới nhằm thúc đẩy vấn đề nhân quyền của cộng đồng LGBT trên các lĩnh vực và siết chặt các quy định pháp luật để bảo vệ cộng đồng LGBT và hỗ trợ đối thoại về vấn đề đồng tính, chuyển giới và song giới trong cộng đồng dân cư.

Bạn bè và người thân các nạn nhân vụ xả súng chia sẻ nỗi đau bên ngoài trụ sở cảnh sát Orlando

 Bạn bè và người thân các nạn nhân vụ xả súng chia sẻ nỗi đau bên ngoài trụ sở cảnh sát Orlando

Câu chuyện của anh Jack Price bị đánh đập dã man và rơi vào hôn mê ngay giữa thành phố New York chỉ vì giới tính của mình đã khiến cho dư luận thế giới phẫn nộ. Theo cảnh sát thành phố New York, anh Jack Price đã bị 2 thanh niên tấn công vô cớ trên đường trở về nhà từ một cửa hàng tạp hóa.

Bác sỹ chẩn đoán, anh Price gãy nhiều xương sườn, vỡ cằm và chấn thương sọ não. Sau đó 2 kẻ tấn công đã bị bắt và bị kết án tổng cộng 20 năm tù giam cho hành vi hành hung người khác.

Những con số biết nói

Dư luận coi thảm án tại Orlando là vụ tấn công nghiêm trọng nhất nhắm vào LGBT. Gần 3 năm trước, Musab Masmari đã tưới xăng lên cầu thang trong một hộp đêm của người đồng tính ở thành phố Seattle, bang Washington, khi đó có khoảng 750 người đang có mặt để đón giao thừa.

Tuy không ai bị thương, vì ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt, nhưng Musab Masmari bị kết án 10 năm tù về tội phóng hỏa. Ngày 22/9/2000, Ronald Gay nổ súng trong một quán bar của người đồng tính ở thành phố Roanoke, bang Virginia, giết chết 1 người và làm bị thương 6 người khác.

Ngày 21/2/1997, Eric Rudolph kích nổ một quả bom đinh tại một hộp đêm ở thành phố Atlanta, bang Georgia, khi tại đây có đa số khách là người đồng tính nam và đồng tính nữ, khiến 5 người bị thương.

Theo giới truyền thông, từ năm 1994, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định, đồng tính không phải là một bệnh hay một chứng rối loạn và loại bỏ cụm từ “đồng tính” ra khỏi Bảng phân loại dịch bệnh quốc tế. 5 năm trước (tháng 6/2011), Liên Hợp quốc (LHQ) lần đầu tiên thông qua nghị quyết, khẳng định các quyền cơ bản của cộng đồng LGBT.

Và theo báo cáo của Cao ủy nhân quyền, có ít nhất 76 quốc gia đang áp dụng các điều luật trừng phạt các hành vi quấy rối, phân biệt đối xử, sử dụng vũ lực với người khác dựa trên giới tính và xu hướng tình dục. Tháng 9/2014, Cao ủy về nhân quyền của LHQ thông qua nghị quyết thứ hai ủng hộ sự tự do bày tỏ xu hướng tính dục và nhận diện về giới tính với đa số phiếu thuận. 

Theo giới truyền thông, thái độ phân biệt đối xử và sử dụng vũ lực là 2 hình thức chống lại cộng đồng LGBT phổ biến nhất. Riêng tại Mỹ, những người đồng tính nam chiếm hơn 50% số nạn nhân trong các vụ tấn công.

Nhưng có tới 50% số nạn nhân kể trên không trình báo với cảnh sát hay cơ quan công quyền. Và đó là lý do khiến giai đoạn 2008-2014, thế giới phải chứng kiến 1.612 vụ án mạng liên quan tới LGBT tại 62 quốc gia - cứ 2 ngày lại có 1 người chuyển giới bị sát hại.

Cảnh sát Canada triển khai lực lượng

Cảnh sát Canada đang lên kế hoạch triển khai lực lượng và siết chặt an ninh nhằm đảm bảo an toàn cho các sự kiện của LGBT đang diễn ở thành phố Toronto. Cảnh sát trưởng Toronto-Mark Saunders cho biết, giới chức thành phố đang “khẩn trương đánh giá lại” các kế hoạch an ninh cho những sự kiện diễn ra trong tháng lễ của người đồng tính ở Toronto (Pride Toronto), với trọng tâm là cuộc diễu hành (ngày 3/7) với sự tham dự của Thủ tướng Justin Trudeau.

Ban tổ chức sự kiện đã gặp giới chức cảnh sát Toronto trong ngày 13/6 để đánh giá lại công tác an ninh cho các sự kiện còn lại trong tháng lễ, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ với các lực lượng an ninh, cảnh sát của thành phố nhằm đảm bảo tháng Pride Toronto là sự kiện an toàn và thực sự có ý nghĩa đối với cộng đồng LGBT ở Canada nói riêng, và thế giới nói chung.

Lễ hội đồng tính được tổ chức thường niên ở Toronto, khai mạc từ đầu tháng 6 và kéo dài trong một tháng. Năm ngoái, lễ hội thu hút gần một triệu khách tham quan và riêng ngày 3/7/2015 đã có khoảng 100.000 người diễu hành và khách tới xem. Đây là một trong những lễ hội người đồng tính lớn nhất thế giới.

Và để tưởng nhớ các nạn nhân, cũng như chia buồn với gia đình, bạn bè của các nạn nhân, tối 12/6, cộng đồng LGBT ở Toronto đã tổ chức thắp nến tưởng niệm tại phố Nhà thờ.

Theo anh Chantelois, sự kiện tại Orlando đã làm thay đổi ý nghĩa của Pride Toronto, phủ lên tháng lễ một bức màn đen, nhưng sẽ càng khiến cộng đồng LGBT thêm đoàn kết...

Nhiều người đồng tính, lưỡng tính xếp hàng chờ hiến máu tại Orlando, để giúp đỡ các nạn nhân vụ thảm sát ở hộp đêm Pulse, nhưng đều bị từ chối thẳng thừng. Theo luật y tế liên bang, những người đồng tính hoặc lưỡng tính nam từng quan hệ tình dục đồng giới trong năm trước đó không được phép hiến máu nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Luật này bắt đầu được áp dụng từ cuối năm 2015, do Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra.