Châu Âu, Mỹ lo đối phó thánh chiến trong nước

(PLO) - Các chuyên gia về khủng bố của Mỹ cho rằng mối đe dọa cực đoan chính đối với Mỹ và châu Âu hiện nay đến từ chính những người đang sống và bị cực đoan hóa trong nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

AFP dẫn lời ông Marc Sageman – một cựu điệp viên CIA và là một chuyên gia về khủng bố - cho rằng, dù không có kinh nghiệm chiến trường nhưng việc phát hiện những đối tượng muốn tiến hành các vụ tấn công đơn lẻ như 2 vụ việc vừa diễn ra ở New York, Mỹ là gần như bất khả thi.

“Tại Pháp, Mỹ và các nơi khác, chắc chắn sẽ không xảy ra những vụ tấn công được lên kế hoạch từ nước ngoài như vụ tấn công ở Paris ngày 13/11/2015. Bởi, kể từ sau vụ việc, những kẻ tấn công ở Mỹ hay ở châu Âu đã không còn được IS hướng dẫn”, ông Marc Sageman cho hay, đề cập đến chiến dịch tấn công cùng lúc ở nhiều địa điểm khác nhau do IS điều phối đã khiến 130 người thiệt mạng ở Pháp 2 năm trước. 

Tuy nhiên, theo ông Sageman, thay vào đó, những đối tượng muốn thực hiện các vụ tấn công lại một mình hành động, tự tưởng tượng rằng họ là những chiến binh của một cộng đồng Hồi giáo và hành động để bảo vệ hay trả thù cho cộng đồng đó. Điển hình trong số này là đối tượng Akayed Ullah – một người nhập cư từ Bangladesh, kẻ đã tiến hành vụ đánh bom ở nhà ga tàu điện ngầm ở thành phố New York mới đây, và tên Sayfullo Saipov – người gốc Uzbekistan đã lao xe vào đám đông ở New York khiến 8 người thiệt mạng hôm 31/10.  Cả 2 đối tượng này đều thực hiện các vụ tấn công dưới danh nghĩa IS nhưng trên thực tế chưa từng có mối liên hệ trực tiếp nào với các phần tử thánh chiến của tổ chức này, trừ việc theo dõi các đoạn video tuyên truyền của chúng. 

Ông Albert Ford – một học giả tại Viện Nghiên cứu New America – cũng cho rằng những chiến binh IS trở về nước chắc chắn là một mối đe dọa với Mỹ nhưng đây lại không phải là mối lo ngại chính. “Mối lo ngại chính là những vụ tấn công do những người đã ở Mỹ nhiều năm thực hiện. Đó là những vụ tấn công không quá phức tạp nhưng lại chết người”, ông Ford cho hay. Theo thống kê của New America, 85% trong số 415 người bị cáo buộc phạm các tội liên quan đến IS ở nước Mỹ kể từ sau các vụ tấn công ngày 11/9/2001 là các công dân Mỹ. Trong số đó, 207 người được sinh ra ở Mỹ. Đa phần những đối tượng đó chưa từng phạm pháp nên không bị lực lượng chấp pháp đưa vào diện theo dõi. “Tất cả các vụ tấn công thánh chiến chết người ở Mỹ kể từ năm 2014 đến nay đều không có liên quan đến IS hay mạng lưới của tổ chức này”, báo cáo của New America thông tin.

Ông Thomas Sanderson ở Dự án đe dọa xuyên quốc gia thuộc Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế cũng cho rằng những vụ tấn công được lên kế hoạch và thực hiện trong nước là nguy hiểm nhất. “Trong số 19 vụ tấn công lớn xảy ra gần đây ở châu Âu, 17 vụ việc không liên quan đến các yếu tố nước ngoài”, ông cho biết. Ông này chỉ ra rằng hầu hết những kẻ tấn công trong nước đều không bị đưa vào tầm ngắm và ít có các dấu hiệu báo động cảnh sát. “Thiên đường an toàn của họ là giường ngủ. Họ có thể chuẩn bị tấn công tại nhà mà không cần đến bất cứ trại huấn luyện nào ở trên thế giới”, ông Sanderson nói.

Cùng với đó, ông Sanderson cảnh báo về những chiến binh IS trở về bởi họ vẫn là 1 phần của mạng lưới, vẫn là mối nguy đáng chú ý vì những kỹ năng cũng như động cơ của họ. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng mối đe dọa từ IS ở Syria và Iraq vẫn chưa biến mất dù nhóm này đã bị đánh bật khỏi các khu vực mà chúng từng nắm giữ.