Châu Âu “siết” chặt chuyện bảo vệ dữ liệu cá nhân

(PLO) -Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất một loạt quy định mới về tăng cường tôn trọng bí mật cá nhân trong các giao dịch điện tử, tạo ra triển vọng mới cho hoạt động kinh doanh qua mạng. Cùng lúc, tại Thụy Sĩ, công ước quốc tế về chia sẻ tự động các thông tin ngân hàng bắt đầu có hiệu lực.
Châu Âu đang quyết tâm bảo vệ bí mật riêng tư của công dân trên mạng Internet
Châu Âu đang quyết tâm bảo vệ bí mật riêng tư của công dân trên mạng Internet

Mục tiêu của các biện pháp mới nhằm hiện đại hóa các quy định hiện hành với phạm vi áp dụng bao trùm toàn bộ các nhà cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông và các ứng dụng mạng khác.

Theo cơ quan soạn thảo, các thay đổi cũng giúp tăng cường khả năng xử lý dữ liệu, tính bảo mật và đảm bảo an ninh trong thị trường số thống nhất - một trong những mục tiêu của chiến lược thị trường số chung châu Âu. 

Đồng bộ, nâng sức mạnh

Đề xuất này của EC sẽ đồng bộ hóa các qui định được áp dụng cho các giao dịch điện tử với tiêu chuẩn mới mang tầm quốc tế được xác định bởi Liên minh châu Âu (EU) trong qui định tổng thể về bảo vệ dữ liệu. EC cũng đưa ra các nội dung nhằm đảm bảo khi các tổ chức và thể chế thuộc EU xử lý thì dữ liệu cá nhân cũng phải được tôn trọng như tại các nước thành viên.

Điều này dựa trên nguyên tắc chung về bảo vệ dữ liệu và xác định cách tiếp cận chiến lược đối với các vấn đề về chuyển dữ liệu cá nhân trên phạm vi quốc tế. 

Phó chủ tịch EC phụ trách thị trường số chung, ông Andrus Ansip đánh giá đề xuất của EC đảm bảo niềm tin của người dân đối với thị trường số. Ông này cho rằng các biện pháp được áp dụng giúp tăng tính bảo mật của các giao dịch điện tử, đồng thời bảo vệ bí mật riêng tư của công dân. Quy định mới cũng tạo sự cân bằng giữa việc cần bảo vệ nghiêm ngặt người tiêu dùng đồng thời động viên sự sáng tạo của các doanh nghiệp.

EU muốn tăng cường bảo vệ các dữ liệu thương mại điện tử của công dân châu Âu vì việc này giúp hạn chế tình trạng người dùng trở thành đối tượng để các công ty quảng cáo trên Internet đeo bám, cũng như bị ảnh hưởng bởi các tác động không mong muốn từ môi trường mạng. 

Dự thảo quy định mới của EC yêu cầu việc khai thác các dữ liệu cá nhân phải được sự đồng ý của người sử dụng. EC cũng cấm các ứng dụng mạng như Skype, Gmail, WhatsApp hay Facebook Messenger sử dụng các dữ liệu hay nội dung giao tiếp qua thư hoặc tin nhắn điện tử của người dùng để gợi ý các dịch vụ hay quảng cáo. Cho tới nay, các ứng dụng vừa nêu vẫn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh tại qui định về quản lý dữ liệu cá nhân và giao dịch điện tử của EC ban hành năm 2002. 

Châu Âu đang quyết tâm bảo vệ bí mật riêng tư của công dân trên mạng Internet
Châu Âu đang quyết tâm bảo vệ bí mật riêng tư của công dân trên mạng Internet

An toàn cả hai phía

Trên quan điểm ủng hộ dự thảo quy định mới này của EC, Văn phòng các Hiệp hội người tiêu dùng châu Âu (BEUC) cho rằng người tiêu dùng cần sự theo dõi các hoạt động thương mại liên tục 24/24 giờ trong khi họ sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số. 

Về phía doanh nghiệp, các đơn vị chuyên về quảng cáo và marketing lo ngại quy định mới do EC đề xuất có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và quảng cáo trên mạng. Họ sợ rằng mô hình kinh doanh của các trang mạng chuyên cung cấp các nội dung miễn phí để lấy quảng cáo sẽ bị xem xét.

Mặt khác, những đơn vị này cũng lo sợ việc các thư điện tử với mục đích quảng cáo sẽ không được phép thực hiện khi chưa có sự đồng ý của khách hàng. Những cuộc gọi với mục đích điều tra qua điện thoại cũng phải được khách hàng đồng ý, khi đó các đơn vị chuyên quảng cáo phải lựa chọn công khai số điện thoại hoặc sử dụng các đầu số đặc biệt để nhận biết cuộc gọi vì mục đích quảng cáo thương mại.

Về phần mình, Hiệp hội các nhà khai thác viễn thông châu Âu (ETNO) với 800 thành viên đã bày tỏ mong muốn quy định này cần phải được xem xét liệu có thỏa mãn cả hai yêu cầu là thuận lợi cho người tiêu dùng đồng thời thúc đẩy tính sáng tạo hay không. Theo số liệu của Liên minh châu Âu, thị trường dữ liệu EU đạt doanh thu 54,5 tỷ euro trong năm 2015 và có thể đạt mức 84 tỷ euro vào năm 2020. 

Chia sẻ thông tin ngân hàng

Trong một động thái có liên quan, tại Thụy Sĩ, công ước quốc tế về chia sẻ tự động các thông tin ngân hàng cũng đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Đây là một quyết định khiến Thụy Sĩ không còn được coi là một “thiên đường thuế” nữa. 

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2017, các tổ chức tài chính tại Thụy Sĩ sẽ thu thập thông tin về khách hàng của họ sống ở nước ngoài và chuyển các thông tin này mỗi năm một lần tới Cục thuế LB Thụy Sĩ. Cơ quan này sẽ gửi thông tin cho cơ quan thuế của các quốc gia mà Thụy Sĩ đã thỏa thuận trao đổi tự động thông tin. 

Việc áp dụng "Công ước hỗ trợ hành chính đa phương trong các vấn đề thuế" có nghĩa là Thụy Sĩ sẽ tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong các vấn đề thuế với hơn 100 quốc gia đã ký kết thỏa thuận này. Thỏa thuận sẽ đảm bảo rằng những thông tin tài chính về các tài khoản ngân hàng được mở tại Thụy Sĩ của công dân một số nước khác sẽ được chia sẻ hàng năm.

Thụy Sĩ sẽ bắt đầu thu thập dữ liệu từ năm 2017 và chia sẻ các dữ liệu này với các quốc gia được lựa chọn kể từ năm 2018. Các quốc gia này sẽ tiến hành trao đổi thông tin tương tự với Thụy Sĩ về tài sản của các công dân Thụy Sĩ. 

Nhằm tránh mất đi vị thế của một trung tâm tài chính thế giới, Thụy Sĩ đã ký kết công ước này năm 2014. Đây là một sự thay đổi quan trọng đối với một quốc gia được coi như một thiên đường thuế. Trước đây, Thụy Sĩ chỉ cung cấp thông tin ngân hàng theo yêu cầu của quốc gia mà Thụy Sĩ từng ký kết thỏa thuận nhằm tránh đánh thuế hai lần.

Nhưng ngay cả trong những trường hợp này, hợp tác không phải lúc nào cũng được đảm bảo. Quốc gia muốn thu nhận được thông tin phải cung cấp bằng chứng về hành vi trốn thuế của các nhân vật liên quan. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một trở ngại. Thụy Sĩ từ chối hợp tác nếu bằng chứng về hành vi trốn thuế có được là dựa trên những thông tin "bị đánh cắp". 

Từ nay trở đi, các quốc gia mà Thụy Sĩ đã ký kết thỏa thuận không còn cần phải yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng tại Thụy Sĩ của công dân nước đó. Các dữ liệu sẽ được truyền tự động mỗi năm một lần.

Giulio và Francesca Maria Occhionero- hai tin tặc chuyên xâm nhập email của các chính trị gia
Giulio và Francesca Maria Occhionero- hai tin tặc chuyên xâm nhập email của các chính trị gia

Tuy nhiên, những dữ liệu này chỉ có thể được sử dụng để thu thuế và phải được bảo mật. Các quốc gia hưởng lợi đầu tiên từ cam kết này là các nước châu Âu cũng như Australia, Nhật Bản, Canada và Hàn Quốc. Đối với các nước phía Nam như Ấn Độ, Brazil, Mexico, Argentina và Nam Phi, việc tiếp cận những thông tin tài chính bảo mật sẽ chỉ đến trong 1 năm sau đó.

Điều đó có nghĩa, các nước nghèo sẽ không được hưởng lợi từ cam kết minh bạch này. Họ không có đủ nguồn lực cần thiết để đáp ứng các điều kiện về trao đổi tự động các thông tin, như để thu thập và chia sẻ thông tin về tài sản của các công dân Thụy Sĩ sống trên đất nước họ và đảm bảo rằng các thông tin được Thụy Sĩ cung cấp chỉ được sử dụng cho các mục đích tính thuế và không được phép công khai./.

Bắt hai tin tặc chuyên xâm nhập email của chính trị gia

Cảnh sát Italy, với sự giúp đỡ của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), vừa bắt giữ hai đối tượng tin tặc được cho là đã tìm cách thâm nhập các tài khoản thư điện tử (email) của nhiều chính trị gia nổi tiếng, trong đó có cựu Thủ tướng Matteo Renzi và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi.   

Hai đối tượng này, gồm một kỹ sư hạt nhân, 45 tuổi, tên là Giulio Occhionero cùng với chị gái của y, 49 tuổi, tên là Francesca Maria Occhionero, sống ở London nhưng cũng cư trú chính thức tại Rome.  Giulio và chị gái của y đã từng tìm cách xâm nhập hộp thư điện tử cá nhân của cựu Thủ tướng Renzi hai lần trong tháng 6/2016 và tài khoản thư điện tử của ông Draghi một lần trong tháng 6/2016, một lần vào tháng 7/2016.

Theo một nguồn thạo tin, không có dấu hiệu cho thấy có bất kỳ hộp thư nào của ECB bị bẻ khóa thành công.  Ngoài ra, hai kẻ tin tặc cũng đã từng nhằm mục tiêu vào các hộp thư của cựu Bộ trưởng Kinh tế Italy Fabrizio Saccomanni, một vị hồng y người Italy, hai quan chức cao cấp thuộc lực lượng cảnh sát thuế nước này cùng với nhiều chính trị gia khác. Cảnh sát cho hay hai kẻ tin tặc đã thu thập được khoảng 18.000 tài khoản thư điện tử (username) cùng với 1.800 mật khẩu khác nhau.     

Cảnh sát Italy đã thu giữ được một máy chủ ở Rome, trong đó chứa hàng nghìn file tài liệu. Tuy nhiên, 99% dữ liệu của hai đối tượng nói trên lại đang được lưu trữ ở Mỹ. Số dữ liệu ở Mỹ sẽ được chuyển về Italy trong những ngày tới và cảnh sát sẽ tiến hành phân tích để mở rộng cuộc điều tra về vụ tin tặc này./.