Châu Âu tiên phong đối mặt “bài toán” khí thải

(PLO) - Vụ bê bối Dieselgate liên quan đến bê bối khí thải của Volkswagen vẫn chưa kết thúc, nhưng các nhà sản xuất ô tô Đức đã bắt đầu thực hiện vận động hành lang với mong muốn có thể hạ thấp các giới hạn châu Âu về khí phát thải CO2. Hiệp hội bảo vệ môi trường và giao thông (T&E) đánh giá đây một xu hướng đáng lo ngại. 
Một vài công ty của châu Âu vẫn quyết bảo vệ thị trường động cơ diesel gây ô nhiễm lâu chừng nào có thể
Một vài công ty của châu Âu vẫn quyết bảo vệ thị trường động cơ diesel gây ô nhiễm lâu chừng nào có thể

Ngày 7/11, Nghị viện châu Âu (EP) và Ủy ban châu Âu (EC) đã đồng tổ chức cuộc hội nghị cấp cao nhằm thảo luận các phương thức tốt nhất đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng bền vững, tạo thêm nhiều việc làm mới, thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư. 

Chuyển nhanh sang năng lượng sạch

Hội nghị trên là cơ hội để các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà lập pháp cùng với giới đầu tư thảo luận về tiến trình chuyển đổi sang sử dụng và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sạch, đồng thời đẩy mạnh các dự án liên kết điện năng giữa các nước, dự án đầu tư vào năng lượng sạch. 

Phát biểu trước thềm hội nghị, Chủ tịch EP Antonio đã đề cao vai trò tiên phong của cơ quan lập pháp này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với các dự án đầu tư và mục tiêu tham vọng nhằm thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo, xây dựng một thị trường năng lượng đồng nhất. 

Các nhà lãnh đạo châu Âu và chuyên gia đều nhất trí rằng các nền kinh tế Lục địa già hiện cần ưu tiên cho đầu tư tư nhân và nhà nước để đồng thời đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và vừa thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch EC phụ trách việc làm, tăng trưởng và cạnh tranh Jyrki Katainen cho rằng, từ năm 2021, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cần bổ sung thêm 116 tỷ USD/năm vào ngân sách để có thể hoàn thành các mục tiêu năng lượng và khí hậu vào năm 2030. 

Theo tính toán của các quan chức châu Âu, để đạt các mục tiêu năng lượng vào năm 2030, trong giai đoạn từ năm 2020 tới thời điểm đó, EU cần đầu tư 379 tỷ euro (tương đương 439 tỷ USD)/năm cho các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sạch.

Vụ bê bối Dieselgate liên quan đến bê bối khí thải của Volkswagen vẫn chưa kết thúc
Vụ bê bối Dieselgate liên quan đến bê bối khí thải của Volkswagen vẫn chưa kết thúc

Giới hạn khí phát thải

Ủy ban châu Âu (EC) đã chuẩn bị một đề xuất về giới hạn khí phát thải CO2 đối với xe ô tô từ năm 2020 và hướng tới mục tiêu giảm loại khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính này khoảng 25-35% vào năm 2030, cùng với đó là một mục tiêu trung gian cho năm 2025. Đề xuất mới, dự kiến từ nay đến năm 2030, buộc các nhà chế tạo xe hơi phải đảm bảo từ 15-20% trên tổng số lượng ô tô được sản xuất của họ là xe không khí thải, chủ yếu là xe điện. 

Đề xuất trên chính thức được công bố vào ngày 8/11 và các nhà vận động hành lang của nhiều nhà sản xuất ô tô Đức đã đến Brussels với kế hoạch vận động nhằm xóa bỏ mục tiêu trung gian năm 2025 và đề xuất bắt buộc liên quan đến sản xuất ô tô không tạo ra khí thải. Matthias Wissmann, người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Đức (VDA), đã điện đàm với Martin Selmayr, Chủ nhiệm Văn phòng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ông Matthias Wissmann cũng đã tiếp xúc với Ủy viên châu Âu phụ trách môi trường Miguel Arias Cañete. Một phát ngôn viên của EC đã xác nhận có các cuộc điện đàm này, đồng thời trấn an rằng diễn biến đó cũng thể hiện rằng Ủy ban luôn đề cao việc tôn trọng cam kết và lắng nghe quan điểm của tất cả các bên liên quan. Sau những cuộc trao đổi trên, các cơ quan của EC sẽ nhóm họp để thảo luận khả năng giảm nhẹ các đề xuất bằng cách giảm mục tiêu cho năm 2025 và xem xét sáng kiến về xe ô tô không khí thải như một mục tiêu ít ràng buộc, thậm chí là không bắt buộc. 

Một phát ngôn viên của VDA cho biết đương nhiên hiệp hội có những cuộc tiếp xúc thường xuyên với các nhà hoạch định chính sách phụ trách việc quy định về khí phát thải nhà kính, vì đó là một trong những vấn đề quan trọng nhất với ngành công nghiệp ô tô châu Âu. Về phần mình, Hiệp hội bảo vệ môi trường và giao thông (T&E) đánh giá đây một xu hướng đáng lo ngại. Theo T&E, hình thức can thiệp vào phút chót của các nhà sản xuất xe hơi Đức đã lặp lại nhiều lần trong những năm qua, với sự tham gia ngay lập tức của ông Martin Selmayr và Ủy viên người Đức Günther Oettinger. 

Các thành viên của T&E chỉ ra rằng mục tiêu trung gian cho năm 2025 và một hạn mức táo bạo cho ô tô không khí thải nhận được sự ủng hộ tại Hội đồng châu Âu và nhiều quốc gia thành viên. Tuần qua, Áo, Bỉ, Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nhà và Solovenia đã viết thư cho EC để kêu gọi ủng hộ cho mục tiêu giảm 40% lượng phát thải khí CO2 từ nay đến năm 2030. Pháp và Thụy Điển cũng ủng hộ ý kiến này. 

Mâu thuẫn

Về phần mình, Chính phủ Đức vẫn giữ thái độ im lặng, có thể là họ còn chần chừ trong cuộc chiến bảo vệ ngành chế tạo ô tô nước này sau bê bối Dieselgate. Chính phủ liên minh mới của Đức sẽ đưa ra mục tiêu giảm 42% khí phát thải quốc gia liên quan đến các phương tiện giao thông. Để đạt được mục tiêu này, chắc chắn cần phải thiết lập một hạn mức bắt buộc về xe ô tô “sạch”. Đại diện của T&E, Greg Archer đánh giá VDA không giành được sự ủng hộ của Chính phủ Đức nên đã quay sang những người bạn ở EC để vận động giảm bớt mục tiêu hạn mức khí phát thải CO2 đối với xe ô tô. 

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất ô tô sẽ ủng hộ hạn mức của EC về xe ô tô sạch. Theo một tài liệu nội bộ, Volkswagen sẽ ủng hộ đề xuất với điều kiện hạn mức là 22% cho năm 2025 và 34,5% cho năm 2030. Một số nhà sản xuất khác như Nissan thì đã sản xuất được nhiều xe ô tô điện hơn chỉ tiêu mà EC dự kiến đề xuất. Do đó, T&E nghi ngờ hành động vận động hành lang chỉ dựa trên ý muốn của một nhóm nhỏ các công ty trong ngành. 

Như thông tin rò rỉ tài liệu của Volkswagen, các nhà sản xuất xe hơi có thể chấp nhận hạn mức về sản xuất xe ô tô sạch và ủng hộ mục tiêu giảm khí thải đầy tham vọng do EC đưa ra. Nhưng một vài công ty đã quyết định bảo vệ thị trường động cơ diesel gây ô nhiễm lâu chừng nào có thể tại châu Âu, bất chấp sự sụt giảm về số lượng bán ra, trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm thu lãi từ các khoản đầu tư sai lầm của họ. 

Với mục tiêu trung gian vào năm 2025 có thể kết thúc sản xuất các loại xe ô tô sử dụng diesel, nếu không có mục tiêu trung gian, những dòng xe này vẫn có thể được sản xuất đến tận năm 2025, và điều đó sẽ làm cho hiệu quả của đề xuất của EC giảm chỉ còn một nửa. Quyết định cuối cùng về đề xuất nói trên sẽ được Hội đồng các Ủy viên châu Âu đưa ra và sẽ được Nghị viện châu Âu và các nước thành viên xem xét. 

Báo động nồng độ CO2 toàn cầu

Liên Hợp quốc (LHQ) cảnh báo nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển đã lên mức cao kỷ lục trong năm 2016
Liên Hợp quốc (LHQ) cảnh báo nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển đã lên mức cao kỷ lục trong năm 2016

Dù còn nhiều khó khăn nhưng rõ ràng châu Âu đang đi tiên phong trong việc đối mặt với “bài toán” khí thải trong bối cảnh nồng độ CO2 toàn cầu đã lên mức báo động.

Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển đã lên mức cao kỷ lục trong năm 2016, và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động quyết liệt hơn để đạt được các mục tiêu trong thỏa thuận khí hậu Paris. 

Trong bản tin công bố ngày 30/10, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của LHQ cho biết nồng độ khí CO2 trung bình trên toàn cầu đo được trong năm ngoái đã đạt 403,3 phần triệu ppm (ppm, đơn vị đo nồng độ của một chất trong hỗn hợp chứa chất đó), tăng so với mức 400 ppm trong năm 2015. Nguyên nhân khiến nồng độ CO2 gia tăng là do tác động từ hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino làm nhiệt độ Trái Đất nóng lên bất thường, cũng như các hoạt động của con người. Theo WMO, lần gần đây nhất nồng độ CO2 đo được trên Trái Đất đã lên mức cao tương tự là khoảng 3-5 triệu năm trước, khi mực nước biển ở mức cao hơn 20 mét so với hiện nay. 

Người đứng đầu WMO Petteri Taalas cho rằng nếu không nhanh chóng giảm lượng CO2 và các khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác, thế giới sẽ tiến tới mức tăng nhiệt độ “nguy hiểm” vào cuối thế kỷ này, ở mức cao hơn so với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Môi trường thuộc LHQ Erik Solheim cảnh báo thế giới đang thải ra quá nhiều CO2 và cần đảo ngược xu thế này. Theo ông, điều quan trọng hiện nay là ý chí chính trị toàn cầu và nhận thức về tính khẩn cấp của vấn đề. 

Hiệp định lịch sử về biến đổi khí hậu, được 196 nước thông qua tại Paris cách đây 2 năm, đang đối mặt với áp lực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận này. Các quốc gia còn lại dự kiến sẽ kêu gọi đẩy nhanh việc thực thi thỏa thuận Paris tại các cuộc đàm phán về khí hậu diễn ra ở Bonn (Đức) vào tuần tới.