Châu Phi: Chiến trường mới chống khủng bố

(PLO) -Trước thực trạng ngày càng xảy ra nhiều vụ tấn công khủng bố ở Somalia và gần đây nhất là một vụ nổ lớn ở thủ đô Mogadishu hôm 14/10, các nước Niger và Ai Cập đã cảnh báo châu Phi là chiến trường mới trong cuộc chiến chống mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS), trong bối cảnh chúng đang bị quét sạch ở Trung Đông. 
Từ 1/1 đã có ít nhất 2.600 người thiệt mạng trong 343 vụ tấn công do khủng bố gây ra tại châu Phi
Từ 1/1 đã có ít nhất 2.600 người thiệt mạng trong 343 vụ tấn công do khủng bố gây ra tại châu Phi

Trang tin USA Today ngày 26/10 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, IS đang tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn sau khi hứng chịu các thất bại nặng nề ở Iraq và Syria, trong khi al-Qaeda hy vọng đảm bảo tương lai của chúng bằng cách mở rộng hoạt động và kết nối đồng minh ở vùng phía Nam sa mạc Sahara. 

Thu hút lực lượng

Chuyên gia Ali Bakr của Trung tâm Nghiên cứu tương lai tiến bộ - một tổ chức nghiên cứu ở Abu Dhabi, cho rằng: "Sự sụp đổ của Raqqa (Syria), thành trì của IS, sẽ dẫn đến việc các tay súng ở lục địa này liên kết lại, mà phần lớn trong số chúng đến từ các nước Bắc Phi".

Theo ông, chỉ riêng Tunisia đã có ít nhất 6.500 người tình nguyện tham gia al-Qaeda ở Syria và Iraq. Nhiều người trong số họ có thể tham gia vào một mạng lưới khủng bố đang được mở rộng ở Tây và Trung Phi.

Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến chống lại làn sóng khủng bố mới ở châu Phi sẽ đòi hỏi nhiều yếu tố hơn là các hoạt động quân sự, đồng thời cũng cần có các điều kiện sống tốt hơn để những người có hoàn cảnh khó khăn không bị dụ dỗ làm việc cho phiến quân.

Các số liệu thống kê từ đầu năm đến nay cho biết, số nạn nhân thiệt mạng do khủng bố tại châu Phi cao gấp 20 lần so với tại châu Âu. Theo đó, từ 1/1 đã có ít nhất 2.600 người thiệt mạng trong 343 vụ tấn công do khủng bố gây ra tại châu Phi, con số này lớn hơn gấp 22 lần so với con số 117 nạn nhân của 35 vụ việc được coi là khủng bố tại châu Âu, bao gồm cả những nạn nhân liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. 

Hiện nay, bạo lực khủng bố xảy ra hầu như hàng ngày ở châu Phi, nơi được khủng bố coi là mục tiêu lựa chọn hàng đầu, nhất là khủng bố Hồi giáo cực đoan. Các cuộc tấn công khủng bố xảy ra nhiều nhất ở Bắc Phi, Tây Phi và Đông Phi. Năm nay, chỉ có khu vực phía Nam châu Phi dường như phần nào ít bị ảnh hưởng bởi làn sóng khủng bố. 

Riêng Somalia đã có số người thiệt mạng lên tới 883 người
Riêng Somalia đã có số người thiệt mạng lên tới 883 người

Somalia- điểm nóng

Sau cuộc tấn công đẫm máu ở thủ đô Mogadishu, Somalia đã trở thành quốc gia châu Phi có nhiều người thiệt mạng nhất do nạn khủng bố trong năm 2017, với số người thiệt mạng lên tới 883 người, so với con số 584 người thiệt mạng tại Nigeria. Như vậy, 2 quốc gia này ghi nhận hơn một nửa tổng số nạn nhân các vụ tấn công khủng bố tại châu Phi. 

Phần lớn các vụ tấn công từ tháng 1/2017 đến nay ở châu Phi do 3 nhóm khủng bố Shebab, Boko Haram và "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tiến hành. Khi nhóm khủng bố Boko Haram bị suy yếu ở Nigeria, lực lượng Shebab lợi dụng sự bất ổn của Chính phủ Somalia để kiểm soát các khu vực nông thôn rộng lớn ở miền Trung và miền Nam Somalia.

Ngoài các phong trào Hồi giáo cực đoan, các cuộc nổi dậy trong khu vực, như cuộc nổi dậy của bộ tộc Kamwina Nsapu ở Cộng hòa Dân chủ Congo, cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực tại lục địa đen. 

Các hình thức tấn công khủng bố phổ biến nhất vẫn là tấn công bằng súng và đánh bom tự sát, thường là bom xe. Trong năm nay, gần 80% số nạn nhân các vụ khủng bố bị thương vong trong các vụ tấn công kiểu này.

Tuy nhiên, mỗi nhóm khủng bố lại có những đặc trưng hành động riêng. Như Boko Haram thường sử dụng các đối tượng khủng bố là phụ nữ mang thắt lưng chứa thuốc nổ đến tấn công các khu vực công cộng trong khi lực lượng Shebab nhắm đến các khách sạn, nơi các quan chức cư trú.

Đọc thêm