Chiến lược 'tẩy chay' sản phẩm có nguyên liệu từ phá rừng

(PLO) - Theo chiến lược được công bố hôm 14/11/2018, nước Pháp từ đây đến năm 2030 sẽ ngừng nhập khẩu hoàn toàn các sản phẩm nông nghiệp hay lâm sản, có nguyên liệu do phá rừng mà có (nạn “déforestation importée”). 
Hình minh họa
Hình minh họa

Bảy mặt hàng đầu tiên bao gồm đậu tương, dầu cọ, thịt bò - da, cacao, mủ cao su, gỗ, bột giấy. Kể từ năm 2020, sẽ mở rộng danh sách đối với các mặt hàng khác như cà phê, bông, đường mía, ngô, khoáng sản các loại…

Trong thập niên vừa qua, bất chấp nhiều nỗ lực quốc tế, diện tích rừng bị mất hàng năm vẫn lên đến dăm bảy triệu hecta. Không thể chấm dứt việc diện tích rừng bị thu hẹp, nếu không nhắm vào tận gốc vấn đề: Thói quen tiêu thụ tại các nước phát triển.

Theo một số liệu của tổ chức FAO, người tiêu thụ châu Âu chịu trách nhiệm về 43 triệu hecta rừng bị phá tại châu Mỹ Latinh, châu Á, châu Phi từ 1990 đến 2005, tương đương 1/3 tổng lượng rừng bị phá hủy trong thời gian này (tổng cộng 129 triệu hecta). 

Các nghiên cứu ngày càng đầy đủ hơn cho thấy lối tiêu thụ tại các nước phát triển là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều thảm họa môi trường ở những nơi khác trên thế giới. Thực tế này đặt EU trước trách nhiệm của mình. 

Ngừng nhập khẩu hàng hóa với nguyên liệu có được do phá rừng vừa giúp bảo vệ được các hệ sinh thái đang trên đà hủy diệt nhanh chóng, vừa là một biện pháp căn bản hãm lại đà Trái đất bị hâm nóng do hiệu ứng nhà kính (chấm dứt được nạn phá rừng, sẽ có khoảng từ 4,5 - 8,8 tỉ tấn khí thải CO2 giảm bớt hàng năm, tương đương với lượng phát thải của nước Mỹ). 

Lộ trình của chính phủ Pháp được tổng giám đốc Quỹ bảo vệ thiên nhiên WWF-France, Pascal Canfin, đặc biệt hoan nghênh bởi đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới có được một chiến lược đầy đủ như vậy về chủ đề này. Tuy nhiên, ngừng nhập khẩu hàng hóa để chống nạn phá rừng một cách triệt để là một vấn đề mới mẻ về mặt pháp lý và tế nhị về mặt ngoại giao, chưa nói đến sự thiếu vắng các phương tiện để thực hiện mục tiêu.

Quốc vụ khanh bên cạnh Bộ Môi trường Pháp, bà Emmanuelle Wargon, thừa nhận Pháp là quốc gia đầu tiên đối mặt với vấn đề này. Bà cho biết sẽ “tìm giải pháp cùng với các quốc gia xuất khẩu”, đồng thời đặt niềm tin là người tiêu thụ sẽ đồng hành với chính phủ. Chính phủ cũng có nhiều biện pháp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hiệp hội trong nước phối hợp tham gia. 

Lộ trình của chính phủ Pháp là đề nghị các doanh nghiệp đang nhập khẩu những sản phẩm liên quan, kể từ đầu năm 2019, tham gia vào một diễn đàn cùng với các tổ chức phi chính phủ, để thảo ra một nhãn hiệu hàng hóa “zéro rừng bị xâm hại”, giúp người tiêu thụ nhận diện được các mặt hàng cần ưu tiên.

Với các nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là ngành chăn nuôi sử dụng nhiều đậu tương, chính phủ dự kiến sẽ khuyến khích giải pháp thay thế, với mục tiêu đến 2030, độc lập hoàn toàn về đạm (protein) cho chăn nuôi. Về phần chính sách tiêu thụ, hiện tại không hề có biện pháp nào mang tính cưỡng chế, mà chỉ là khuyến khích.  

Thay đổi cách tiêu thụ để ngưng nhập khẩu hàng hóa gây phá rừng không chỉ để bảo vệ được rừng, mà còn có thể mở ra viễn cảnh thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất nội địa tại Pháp.