Chính phủ đóng cửa, Quốc hội Mỹ tìm cách chấm dứt khủng hoảng

(PLO) - Một ngày sau khi Chính phủ liên bang dừng hoạt động, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã triệu tập cuộc họp khẩn để tìm cách chấm dứt khủng hoảng. Song, các bên vẫn chưa có dấu hiệu thỏa hiệp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo New York Times, Thượng viện Mỹ chiều 20/1 đã triệu tập phiên họp cuối tuần hiếm hoi sau khi cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đổ lỗi cho nhau trong cuộc khủng hoảng. “Chúng tôi  có mặt ở đây, ngày đầu tiên Chính phủ đóng cửa. Chúng tôi đã làm mọi việc để ngăn chặn”, nghị sỹ đảng Cộng hòa đến từ bang Kentucky Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, nói.

Ông McConnell cáo buộc nghị sỹ đảng Dân chủ Chuck Schumer là người dẫn dắt đảng Dân chủ tiến tới lập trường không thể kiểm soát được. Ông Schumer cũng đã ngay lập tức phản bác, đổ lỗi cho ông McConnell và Tổng thống Donald Trump. Ông này cáo buộc Tổng thống đã coi thường những thỏa thuận lưỡng đảng. 

New York Times cho rằng khả năng hợp lý nhất với các nhà lập pháp Mỹ để mở cửa lại Chính phủ là nhất trí về một dự luật chi tiêu tạm thời với thời hạn dài hơn vài ngày so với thời hạn các Thượng nghị sỹ Dân chủ muốn nhưng ngắn hơn so với thời gian 4 tuần mà Hạ viện đã thông qua hôm 18/1. Ông McConnell cũng đang đề xuất rút ngắn dự luật chi tiêu tạm thời đến ngày 8/2 thay vì 16/2 nhưng đảng Dân chủ vẫn chưa tỏ ý đồng thuận với ý kiến này. Ông McConnell cho biết sẽ thúc đẩy việc bỏ phiếu với đề xuất của ông vào lúc 1h00 ngày 22/1. 

Tuy nhiên, việc đạt được sự đồng thuận về thời hạn trong dự luật chi tiêu tạm thời ở Mỹ trở nên phức tạp vì một số vấn đề gây tranh cãi mà các nhà lập pháp vẫn chưa giải quyết được, đặc biệt là số phận của hàng trăm nghìn người nhập cư trẻ được đưa vào Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ, được gọi là Dreamers.

Một giải pháp nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng sẽ rất khó đạt được bởi chiến dịch quảng bá của ông Trump hôm 20/1 tuyên bố những thành viên đảng Dân chủ đang ngáng đường cuộc trấn áp những người nhập cư bất hợp pháp sẽ trở thành đồng lõa với những vụ giết người do những người nhập cư bất hợp pháp gây ra.

Còn Nhà Trắng trong bối cảnh Chính phủ phải đóng cửa vẫn tỏ ra cứng rắn với các yêu cầu về nhập cư. “Tổng thống sẽ không đàm phán về cải cách nhập cư cho đến khi đảng Dân chủ dừng bỡn cợt và mở cửa trở lại Chính phủ”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Huckabee Sanders thông báo.

Việc đóng cửa Chính phủ Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2013 diễn ra sau khi phần lớn các Thượng nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ cùng một số nghị sỹ đảng Cộng hòa hôm 19/1 bỏ phiếu phản đối dự luật chi tiêu đã được Hạ viện Mỹ thông qua. Với việc Chính phủ phải đóng cửa, chỉ các dịch vụ liên bang thiết yếu và quân đội Mỹ tiếp tục hoạt động còn hàng trăm nghìn lao động trong lĩnh vực công sẽ phải nghỉ việc không lương. Ngay cả các binh lính đang làm nhiệm vụ cũng sẽ không được trả lương cho đến khi các bên đạt được thỏa thuận về việc mở cửa Chính phủ. 

Sự việc này đã phủ bóng lên lễ kỷ niệm 1 năm ngày nhậm chức của ông Trump. Lễ kỷ niệm của ông Trump còn bị ảnh hưởng bởi những cuộc biểu tình quy mô lớn với hàng trăm nghìn người tham gia nhằm phản đối tổng thống và các chính sách của ông được tổ chức tại các thành phố trên khắp cả nước, nhấn mạnh sự chia rẽ chính trị sâu sắc tại Mỹ, theo AFP. Ông Trump đã ở lại Washington thay vì tổ chức kỷ niệm 1 năm nhậm chức tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông.

Ngoài ra, các diễn tiến nói trên cũng đang khiến kế hoạch tới dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ vào tuần này của ông Trump trở nên không chắc chắn. Trước đó, Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ tới dự diễn đàn, trở thành Tổng thống đầu tiên của Mỹ tới Davos kể từ sau chuyến đi của ông Bill Clinton hồi năm 2000. 

Đọc thêm