Chính phủ Venezuela đối thoại để giải quyết khủng hoảng

(PLO) - Nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị, Chính phủ Venezuela đã khẳng định quyết tâm đối thoại với phe đối lập và không để phe đối lập rời bỏ các cuộc đàm phán. 
Tổng thống Maduro khẳng định quyết tâm đối thoại với phe đối lập nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay
Tổng thống Maduro khẳng định quyết tâm đối thoại với phe đối lập nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay

Đây là nỗ lực mới nhất của Tổng thống Nicolas Maduro trong bối cảnh lực lượng đối lập này đang tìm cách yêu cầu tiến hành cuộc trưng cầu ý dân nhằm bãi nhiệm ông. Không chỉ là tình hình phức tạp trong nước, Venezuela hiện cũng đang phải đối mặt với những mâu thuẫn không nhẹ với một số nước trong vùng Trung Mỹ.

Đối nội: Quyết tâm đối thoại

Ngày 28/11/2016, Tổng thống Venezuela Maduro tuyên bố sẽ không để phe đối lập rời bỏ các cuộc đàm phán vốn được thiết lập hôm 30/10.

Phát biểu trong một sự kiện quân sự ở Caracas, Tổng thống Maduro nói: “Cuộc đối thoại được bắt đầu cách đây 4 tuần, là một cơ hội cho hòa bình và tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai rời khỏi”, đồng thời nêu rõ việc đưa chính phủ của ông và liên minh Bàn Đoàn kết dân chủ (MUD) đối lập tại Venezuela xích lại gần nhau “là lộ trình” hướng tới “xây dựng một thỏa thuận hai bên cùng chấp nhận được”.

Ông nhấn mạnh, đối thoại là con đường duy nhất để tìm kiếm hòa bình, sự tôn trọng và khoan dung giữa những người dân Venezuela. Nhà lãnh đạo này đồng thời kêu gọi phe đối lập bỏ qua những lập luận mà những cá nhân không quan tâm đến người dân Venezuela đưa ra, đồng thời khẳng định đối thoại phải là “một công cụ tối ưu” để đảm bảo sự ổn định và ngăn chặn chiến tranh xảy ra.

Trước đó, ngày 23/11, Tổng thống Venezuela Maduro đã khẳng định quyết tâm của chính phủ đối thoại với phe đối lập nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại nước này. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Maduro khẳng định đối thoại vẫn đang tiếp tục được triển khai và chính phủ luôn thực hiện đúng cam kết. Ông hối thúc Quốc hội, do phe đối lập chiếm đa số, thực thi quyết định của Tòa án Tối cao như đã thỏa thuận. Tổng thống Maduro thừa nhận, các cuộc đàm phán dù khó khăn song cũng đã có những tiến bộ đạt được giữa hai bên. 

Tuyên bố của ông Maduro được đưa ra sau khi thủ lĩnh MUD, ông Henrique Capriles cáo buộc đại diện chính phủ đã rời bỏ bàn đàm phán chính trị, do Tòa thánh Vatican cùng Liên minh Các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) đứng ra làm trung gian hòa giải. 

Đối thoại - Biện pháp hữu hiệu

Chính phủ Venezuela và MUD khởi động đối thoại hôm 30/10 vừa qua tại ngoại ô thủ đô Caracas. Vòng đối thoại lần hai diễn ra hôm 12/11 và đây được cho là cơ hội tốt nhất để chấm dứt bế tắc chính trị ở quốc gia này. Sự kiện này diễn ra sau khi phe đối lập kêu gọi hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình để phản đối việc Hội đồng bầu cử Venezuela đình chỉ tiến trình thu thập chữ ký để thúc đẩy trưng cầu ý dân nhằm bãi nhiệm Tổng thống Maduro.

Trước đó, lực lượng đối lập đã đặt điều kiện phải tổ chức trưng cầu ý dân nhằm bãi nhiệm Tổng thống Maduro hoặc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, trả tự do cho các nhân vật đối lập, tôn trọng quyền của cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, Tổng thống Maduro đã nhiều lần bác bỏ mọi yêu cầu liên quan tới tổ chức trưng cầu ý dân hay một cuộc tổng tuyển cử sớm, khẳng định rằng vấn đề này không được Hiến pháp quy định. 

Tình hình bất ổn ở Venezuela trong thời gian qua bộc lộ rõ những diễn biến phức tạp. Cuộc khủng hoảng chính trị có gốc rễ từ sự sụt giảm mạnh của nền kinh tế. Sau khi ông Maduro nhậm chức Tổng thống thay người tiền nhiệm Hugo Chavez vào tháng 9/2013, mâu thuẫn bùng nổ khi các nhóm nghị sĩ Quốc hội cho rằng, ông điều hành chính phủ không hiệu quả khiến nền kinh tế Venezuela suy thoái và đời sống người dân xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Kinh tế Venezuela bắt đầu suy thoái từ năm 2014. Theo số liệu do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố, năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 4%, tỷ lệ lạm phát là 159% và năm 2015, dự trữ ngoại tệ giảm còn 15 tỷ USD so với 29 tỷ USD năm 2012, nợ nước ngoài lên tới 250 tỷ USD, GDP giảm tới 10%, bội chi ngân sách tương đương từ 18 đến 20% GDP, tỷ lệ lạm phát là 180,9%. IMF ước tính, nền kinh tế Venezuela có thể suy giảm tới 11,5% trong năm 2016 và tỷ lệ lạm phát sẽ lên mức 475%, mức cao kỷ lục của thế giới.

Mức dự trữ vàng của Venezuela cũng đã xuống thấp kỷ lục sau khi bán 1,7 tỷ USD kim loại quý này trong quý III/2016 để trả nợ. Theo số liệu của IMF, dự trữ vàng của nước này đã mất gần 1/3 trong một năm qua, đẩy nền kinh tế gần bờ vực sụp đổ hơn bao giờ hết bởi vàng chiếm tới 70% tổng dự trữ quốc gia. Trong khi đó, người dân tiếp tục phải sống trong cảnh thiếu thốn các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày như thực phẩm, lương thực, thuốc men…

Ngoài ra, với việc phụ thuộc hoàn toàn vào ngành dầu mỏ, kinh tế Venezuela nhìn chung vẫn rất khó khăn khi các nước xuất khẩu dầu mỏ chính vẫn chưa có dấu hiệu cắt giảm nguồn cung. Giá dầu thô sụt giảm, tỷ lệ lạm phát cao, đồng tiền mất giá đã đẩy quốc gia giàu tài nguyên dầu lửa ở Nam Mỹ tới tình cảnh không còn nhiều lựa chọn để ngăn chặn sự hỗn loạn cả về kinh tế, chính trị và xã hội.

Trước thực trạng này, nếu không có các biện pháp điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là giải quyết những khó khăn về kinh tế thì chắc chắn nền chính trị nước này có thể sẽ rối bời. Theo cuộc thăm dò dư luận mới đây, có tới 80% người dân Venezuela cho rằng Tổng thống Maduro có thể sẽ bị bãi nhiệm nếu nước này tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân.

Vòng đối thoại lần thứ ba giữa đại diện Chính phủ Venezuela và MUD dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 6/12 tới. Tòa thánh Vatican và UNASUR tiếp tục đứng ra làm trung gian hòa giải cho hai bên. Đây được coi là biện pháp hữu hiệu trong bối cảnh giới chức Venezuela đang nỗ lực làm lắng dịu cuộc khủng hoảng chính trị ngày một dâng cao. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cho rằng, nếu trong cuộc đàm phán sắp tới, Chính phủ Venezuela và MUD không thống nhất được lộ trình cho cuộc bỏ phiếu thì các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục nổ ra và quốc gia Nam Mỹ này sẽ còn chìm sâu vào khủng hoảng. 

Đọc thêm