Chống trốn thuế tại “thiên đường thuế”

(PLO) -Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Panama Dulcidio de la Guardia coi quyết định của OECD (đưa Panama trở lại danh sách quốc gia minh bạch tài chính) là sự công nhận những nỗ lực của nước này trong việc loại bỏ sự thiếu tiêu chuẩn minh bạch tài khóa và tài chính. 
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Panama Dulcidio de la Guardia.
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Panama Dulcidio de la Guardia.

Ông cho biết, Panama có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về hợp tác thuế (trao đổi thông tin thuế tự động từ năm 2018 với hơn 100 quốc gia), và nước này sẽ không còn nằm trong bất kỳ danh sách quốc tế nào về “thiên đường thuế”. 

“Thiên đường”bị cáo buộc

Bởi theo tiết lộ của “Hồ sơ Panama”, Panama là “thiên đường thuế” và OECD cáo buộc quốc gia này không hợp tác trong cuộc chiến chống rửa tiền. Động thái kể trên diễn ra sau khi Tập đoàn Boston Consulting Group của Mỹ (một trong những công ty tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới) công bố báo cáo, theo đó Mỹ Latinh chiếm 27% số tài sản tư nhân được gửi tại nhiều nước khác - Mỹ Latinh đã trở thành khu vực có tỷ lệ vốn tư nhân lớn nhất thế giới gửi tại các "thiên đường thuế" như Thụy Sĩ, Panama, Anh và Singapore.

Sau Mỹ Latinh lần lượt là Trung Đông-châu Phi (23%), Đông Âu (20%), Tây Âu (7%), châu Á-Thái Bình Dương (6%), Mỹ và Canada (1%). Và theo dự báo của Boston Consulting Group, tài sản của khu vực Mỹ Latinh gửi ở các "thiên đường thuế" sẽ tăng 5%/năm trong 5 năm tới. 

Còn theo hãng Kyodo, các cá nhân và công ty Nhật Bản có tên trong "Hồ sơ Panama" đã nợ hơn 1 tỷ yen (9,06 triệu USD) tiền thuế từ các khoản thu nhập chưa được công khai. Đây là thống kê đầu tiên của giới chức Nhật Bản về số tiền trốn thuế bị "Hồ sơ Panama" tiết lộ.

Theo đó Tập đoàn Marubeni Corp và Itochu Corp có tên trong "Hồ sơ Panama" với tư cách là cổ đông và giám đốc của ít nhất 270 thực thể tại “thiên đường thuế”. Danh sách các cá nhân bị “lộ sáng” cho thấy, có sự liên quan bất thường của các chính trị gia trong vấn đề này.

Tập đoàn Apple.
Tập đoàn Apple.

Những “ông lớn” trốn thuế

Theo tài liệu nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam, để giảm gánh nặng nộp thuế, khoảng 50 tập đoàn lớn nhất của Mỹ, trong đó có Apple, Microsoft và Wal-Mart, đã gửi khoảng 1.600 tỷ USD tại các "thiên đường thuế" ở nước ngoài, tăng 200 tỷ USD so với năm 2014. Và họ đã sử dụng một mạng lưới bí mật với 1.751 chi nhánh công ty tại các "thiên đường thuế" để giữ những khoản thu ở ngoài nước Mỹ. 

Theo đánh giá của Oxfam, Apple là tập đoàn đứng đầu danh sách với hơn 200 tỷ USD được gửi tại các quỹ ở nước ngoài, còn Microsoft khoảng 124 tỷ USD. Trước đó, Oxfam công bố báo cáo cho biết, có 20 ngân hàng lớn nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) kê khai 25% lợi nhuận năm 2015 của họ tại các quốc gia được coi là “thiên đường thuế”.

Theo quyết định mới được Liên minh châu Âu (EU) công bố, các đối tượng thực hiện hành vi tư vấn hoặc giúp khách hàng giàu có, trong đó có các ngôi sao thể thao thực hiện hành vi trốn thuế sẽ phải đối mặt với việc nộp những khoản tiền phạt rất nặng. Ủy viên EU phụ trách kinh tế Pierre Moscovici cho biết, có những cá nhân, doanh nghiệp nhận tiền để giúp một số người có thu nhập cao trốn thuế.

Đề xuất kể trên được đưa ra sau khi danh thủ Cristiano Ronaldo bị cáo buộc trốn thuế tới 14,7 triệu euro thông qua các đầu mối trung gian. Tuy nhiên, trước khi quyết định kể trên được áp dụng (dự kiến từ năm 2019), dự luật này phải được sửa đổi và thông qua bởi các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu.../.

Giới truyền thông cho biết, mặc dù Google đồng ý chi 306 triệu euro để giải quyết cuộc tranh cãi về gian lận thuế tại Italia, nơi tập đoàn này đang bị điều tra, nhưng chưa giải quyết được tình trạng trốn thuế mà châu Âu đang phải đối mặt.
Theo người phát ngôn của Google, đây là diễn biến mới nhất liên quan đến một trong những vụ tranh chấp về thuế giữa Google với một số nước châu Âu.
Bởi trước đó phóng viên Bloomberg Jesse Drucker từng tiết lộ chiêu thức Apple, Google, Microsoft và các tập đoàn lớn né thuế trên lợi nhuận ở châu Âu. Và theo con số điều tra cho thấy, Google trả tiền thuế ít nhất - 2,4% trên lợi nhuận ghi nhận ở nước ngoài, so với mức thuế suất thuế thu nhập chính thức 35% ở Mỹ và mức 21% ở Anh - thị trường lớn thứ hai của Google./.