Chuyên án “Con đường nghĩa địa”: Gã sát nhân kỳ thị đồng tính

(PLO) -Vào những năm 1970, người dân ở quận Sutter, bang California, Mỹ hoang mang tột độ trước cái chết thảm khốc của hàng loạt lao động nhập cư nghèo tại địa phương. Từ một vụ án mạng tưởng chừng như bình thường, nó đã trở thành chuyên án “Con đường nghĩa địa”, một trong những tội ác khủng khiếp nhất nước Mỹ.
Hình minh họa
Hình minh họa

Lý do mà chuyên án này được đặt tên là “Con đường nghĩa địa” bởi các mồ chôn nạn nhân đều được tìm thấy trên cùng một trục đường chính. Khi các khu vực xung quanh được khai quật, cảnh sát vô cùng choáng váng với số nạn nhân họ tìm được, hầu hết đều là người da trắng, trừ 2 người.

Tất cả nạn nhân đều bị đâm chém nhiều nhát bằng dao rựa và bị đập vỡ sọ một cách hết sức dã man. Họ bị giết hại trong khoảng thời gian 6 tuần trở lại đây, trung bình cứ 40 giờ sẽ có một vụ án mạng xảy ra. 

Cuốn sổ tử thần

Nghi phạm chính của vụ án này là Juan Corona, 37 tuổi, chủ một công ty môi giới lao động. Sáng sớm ngày 26/05/1971, cảnh sát đã ập đến nhà Corona ở thành phố Yuba, bang California để khám xét và bắt giữ. Không ngoài dự đoán, họ đã thu được 2 con dao dính máu, 1 con dao rựa, 1 khẩu súng ngắn và một bộ quần áo dính máu.

Chưa hết, cảnh sát còn tìm thấy một quyển sổ ghi chép danh sách 34 cái tên kèm ngày tháng, trong đó có 7 cái tên trùng khớp với các nạn nhân đã chết. Cảnh sát nghi ngờ đây chính là “cuốn sổ tử thần” mà Corona đã lập ra để ghi chép đầy đủ ngày, tháng ra tay hạ sát các nạn nhân.

Điều tra lý lịch của Corona, cảnh sát được biết tên đầy đủ của hắn là Juan Vallejo Corona, là người Mỹ gốc Mexico. Juan Corona sinh ra tại Autlan, Jalisco, Mexico năm 1934 và cùng em trai Natividad Corona di cư bất hợp pháp đến Mỹ vào năm 1950, khi ấy hắn mới 16 tuổi.

Do là dân nhập cư trái phép nên Juan Corona đành phải nhận trồng cà rốt và dưa hấu thuê tại thung lũng Imperial trong vòng 3 tháng, trước khi chuyển đến phía bắc Sacramento. Còn người em sinh đôi của gã, Natividad Corona thì đến bang Marysville vào năm 1944 để làm việc và định cư.

Tháng 5/1953, Corona cũng chuyển đến Marysville, thành phố Yuba theo lời giới thiệu của em trai và làm việc trong một nông trại địa phương. Ngày 24/10, Corona kết hôn với Gabriella E. Hermosillo ở Reno, bang Nevada. Cuộc hôn nhân này chấm dứt sau 6 năm, trước khi Corona đi bước nữa với Gloria I. Moreno và có với người vợ thứ hai 4 đứa con gái.

Juan Corona được xem là nghi phạm chính liên quan đến các vụ sát hại
Juan Corona được xem là nghi phạm chính liên quan đến các vụ sát hại

Trận lụt lịch sử năm 1955

Cuối tháng 12/1955, tại thành phố Yuba đã xảy ra một trận lụt lớn chưa từng thấy. Nước sông Feather dâng cao đã phá vỡ con đê phía Tây, cướp mất mạng sống của gần 40 người dân và tàn phá nặng nề miền Bắc California..

May mắn thoát chết trong trận lụt lịch sử nhưng Juan Corona lại bị di chứng tâm lý nặng nề. Hắn bắt đầu có những triệu chứng của căn bệnh tâm thần phân liệt, luôn cho rằng tất cả mọi người đều đã chết trong trận lụt đó và hiện tại hắn đang sống tại một vùng đất toàn hồn ma.

Ngày 17/01/1956, các bác sĩ bệnh viện DeWitt State, Auburn, California đã chuẩn đoán Corona bị bệnh hoang tưởng. Trong suốt 3 tháng nằm viện, Corona phải trải qua 23 liệu pháp gây sốc để điều trị bệnh tâm thần, tức là cho nạn nhân bị điện giật hoặc cho uống thuốc gây co giật.

Kết thúc thời gian điều trị, Corona bị trục xuất về Mexico nhưng không lâu sau đó, Corona lại được phép nhập cư hợp pháp vào Mỹ cùng với một tấm thẻ xanh. 

Năm 1962, Corona gã được cấp phép trở thành một ông thầu, phụ trách việc tuyển dụng lao động cho các trang trại chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương. 

Theo nhận xét của nhiều người, Juan Corona có vẻ bề ngoài khá nam tính, tính cách của hắn khá thất thường và có vẻ ưa bạo lực. Corona còn đặc biệt ác cảm với những thanh niên đồng tính. Một phần là vì người em sinh đôi của hắn, Natividad Corona cũng là một người đồng tính và là ông chủ của quán cà phê Guadalajara ở Marysville. 

Tháng 03/1970, Corona quay lại bệnh viện DeWitt State để điều trị tâm lý. Theo tìm hiểu của cảnh sát, Corona cũng khá dư dả khi sở hữu 2 ngôi nhà và một số tiền gửi trong ngân hàng.

Bằng chứng thuyết phục

Giữa năm 1971, người ta phát hiện ra hàng loạt nấm mồ dọc con đường đường Sullivan Ranch, ven con sông Feather, quận Sutter, bang California. Bên dưới những nấm mồ này là thi thể những người lao động nhập cư.

Quá trình tìm kiếm các thi thể kết thúc vào ngày 4/6, với 25 thi thể được tìm thấy, tất cả đều là lao động nhập cư. Kỳ lạ là tất cả các nạn nhân đều bị chôn ở phía bắc của một cái cây, trong tư thế giơ hai tay lên đầu, giống như là để phục vụ cho một nghi lễ nào đó.

Không ai trong số các nạn nhân là người Mexico, 3 nạn nhân là người da màu hoặc người Mỹ bản xứ, còn lại là người Anh da trắng. Nạn nhân trẻ nhất là 40 tuổi, già nhất là 68 tuổi. Việc xác minh thông tin của các nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn do họ đều là dân nhập cư trái phép nhưng cuối cùng cảnh sát đã xác định được danh tính 21 người.

Nhiều nhân chứng cho biết họ thường xuyên nhìn thấy Corona lảng vảng ở quanh trang trại. Hắn thường cho những người làm công của mình ngủ nhờ tại ngôi nhà nằm trên đường Sullivan Ranch, hay còn gọi là con đường nghĩa địa. 

Chi tiết quan trọng nhất giúp cảnh sát củng cố thêm bằng chứng buộc tội Corona đó là chữ ký tên Corona xuất hiện trên một mồ chôn. Ngoài ra, trong hai mồ chôn khác, cảnh sát còn thu được hai giấy biên nhận của ngân hàng America trên đó có ghi đầy đủ tên họ cũng như địa chỉ của Juan Corona.

Trước những bằng chứng khó có thể chối cãi của cảnh sát, Juan Corona không còn cách nào khác là phải theo cảnh sát về đồn và chuẩn bị bước vào một trong những phiên tòa gay cấn nhất lịch sử nước Mỹ.