Chuyện về "vua trộm" luôn "kè kè" bức tranh người trong mộng

Người ta cho rằng thám tử William Pinkerton có vẻ như “nương tay” với Vua trộm. Ông nhận định Worth là người thông minh và nếu có một khởi đầu khác thì hắn đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Sau này, con trai của Adam được William Pinkerton dìu dắt trở thành thám tử trong công ty của ông.

Người ta cho rằng thám tử William Pinkerton có vẻ như “nương tay” với Vua trộm. Ông nhận định Worth là người thông minh và nếu có một khởi đầu khác thì hắn đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Sau này, con trai của Adam được William Pinkerton dìu dắt trở thành thám tử trong công ty của ông.

Cuộc rượt đuổi giữa Vua trộm Adam Worth với anh em nhà thám tử Pinkerton có lẽ bắt đầu từ vụ trộm tiền của chi nhánh ngân hàng quốc gia Boylson ở Boston năm 1869. Toà nhà đồ sộ của chi nhánh ngân hàng này lưu đọng trong tâm trí của Adam từ thủa  hàn vi, khi hắn là cậu bé con lang thang không một đồng xu trong túi và phải cố gắng kiếm ăn từng ngày.

 Adam Worth
Adam Worth

Cùng với một người bạn đạo chích tên Bullard, Adam Worth quyết cùng nhau sống chết và với đầu óc khá “lãng mạn”, cả hai dự tính sẽ thực hiện những vụ trộm khiến cho cả thế giới biết đến họ. Cả hai coi đây là cách tự thỏa mãn những khát khao lâu nay rằng giờ đây họ phải đạt được đỉnh cao sau những chuỗi ngày sống trong bóng tối.

Adam cùng Bullard lên kế hoạch chi tiết. Chúng thuê ngôi nhà ngay bên cạnh ngân hàng rồi dựng lên một bức vách che kín toàn bộ các cửa sổ của ngôi nhà với lý do cần bảo mật thông tin về hàng hóa sắp được trưng bày bán.

Sau nhiều ngày theo dõi và tính toán kỹ càng, cả hai  đã  vạch ra sơ đồ địa điểm chính xác nơi cất giấu két sắt của ngân hàng. Chúng bắt tay vào đào hầm ngầm thông sang ngân hàng. Đất đá, sỏi cát sẽ được chất đống lại một chỗ trong nhà sao cho ở ngoài không ai biết, đợi đến khi làm xong sẽ cho đi cả thể.

Chiều 20/11/1869,  khi ngân hàng đóng cửa, Worth và Bullard cũng gần hoàn tất con đường hầm chỉ cần đào thêm một chút là đã có lỗ hổng đủ rộng cho một người chui vào và đi thẳng tới két sắt. Cầm trên tay ngọn nến cháy bập bùng, Adam Worth chui qua lỗ vào trong ngân hàng. Vài giờ sau, hắn trở ra, trên tay là một triệu đô la tiền mặt và trái khoán. Sau khi trộm được tiền, hai tên trộm lủi về New York hoà mình vào biển người.

Cả Boston lẫn nước Mỹ sửng sốt. Ban quản trị ngân hàng nhanh chóng thuê hàng loạt các công ty thám tử điều tra vụ việc, trong đó có nhóm thám tử Pinkerton nổi tiếng, được giới trong nghề thời đó ca tụng là “những con mắt thần của thế giới”.

Anh em nhà Pinkerton không gặp khó khăn gì khi xác định được những tên trộm táo tợn là ai. Tệ hơn,  trong giới giang hồ đầy rẫy tin đồn rằng chỉ có Adam mới đủ gan và tầm đẳng cấp để làm việc đó. Chuyện bị cảnh sát  hỏi thăm không còn xa xôi gì.

Dù là đệ tử ruột của bà trùm Fredericka "Marm" Mandelbaum (1818–1894) – kẻ được mệnh danh là “hàng rào của giới tội phạm New York - nhưng Adam Worth hiểu rằng vụ trộm hắn thực hiện quá quá sức trầm trọng và nguy hiểm, vì động tới tiền bạc và danh dự của ngân hàng quốc gia. Anh em nhà Pinkerton sẵn sàng thẳng tay.

Bà trùm Marm tuy có thế lực và tiền bạc nhưng không có nghĩa là vô biên, chạy vòng vòng trong nước Mỹ trước sau gì cũng bị tóm, vì vậy “tẩu vi thượng sách”. Nhờ sự giúp đỡ của bà trùm, Worth và Bullard cầm trong tay giấy tờ giả để chuồn sang châu Âu.

Thế là Worth đã thoát khỏi sự truy lùng của William tới 30 năm trời. Worth trốn tới Liverpool (Anh) rồi Pari (Pháp) rồi lại về Luân Đôn (Anh). Hắn làm giám đốc một số công ty bất hợp pháp ở Anh và khắp châu Âu. Ở đây, hắn “quậy tưng” trong nhiều năm và trở thành một trong những tên trộm nổi tiếng nhất lục địa già.

Tuy nhiên, phối hợp với cảnh sát Pari và Luân Đôn, William luôn theo sát từng hành động của Worth. Năm 1891, Worth bị bắt ở Bỉ vì trộm cắp. Trong quá trình thẩm vấn, cảnh sát Bỉ, Anh và Pháp tìm mọi thông tin có liên quan với hi vọng có thể bỏ tù Worth lâu dài nhưng rất kỳ lạ là anh em nhà Pinkerton lại không cung cấp thông tin cho cảnh sát nước ngoài, dù họ có những chứng cứ khiến Worth có thể bị treo cổ.

Năm 1876, Adam Worth làm một cú “để đời”. Hắn chủ mưu đánh cắp bức tranh nổi tiếng “Nữ Công tước Devonshire” của họa sĩ Thomas Gainsborough được trưng bày tại một phòng tranh ở Luân Đôn. Adam đánh cắp bức bức tranh này không phải để bán mà vì hắn mê bức tranh được nhà đấu giá Christie’s đưa ra bán hôm 5/5/1876.

Bà trùm Marm
Bà trùm Marm

Adam bị bút hồn bởi vẻ đẹp của nữ công tước trong bức tranh. Một nhà sưu tầm nghệ thuật đã mua được bức danh họa này với số tiền 10.000 guineas, tương đương với 600.000 đô la ở thời điểm năm 1876. Bực bội vì để lọt “người đẹp” khỏi tay, Adam quyết rằng, hắn sẽ lấy cho được bức họa người đẹp.

Hắn chọn hai tay chân thân tín là Joe Elliott và Jack Phillips tham gia vụ trộm. Jack mặc áo đuôi tôm như một quý ông ssang trọng. Vì là một võ sĩ chuyên nghiệp nên Jack được chọn giúp chủ trèo qua cửa sổ để đột nhập vào phòng triển lãm, nơi có bức danh họa trong khi Joe đứng canh chừng bên ngoài. Nhờ bỏ công tìm hiểu về các phương tiện báo động và cách tháo tranh, Adam đổ dầu đều lên mặt sau vải tranh để cho nó trở lên mềm hơn rồi nhanh chóng cuộn nó lại và cho vào trong áo khoác.

Bức tranh đã biến mất khiến cảnh sát London đau đầu trong nhiều năm. Còn Adam Worth đi đâu cũng mang theo mình hình ảnh người đàn bà quý phái đã mất trước đó 70 năm. Hắn giấu bức tranh ở vạt áo sau lưng.

Mãi đến năm 1894, sau một thời gian dài “chinh chiến” Adam Worth bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Lúc này bà trùm Marm Bandelbaum cũng đã chết, người tình Flynn mà hắn trộm thương thầm nhớ cũng không còn, Bullard cũng chết vì bệnh gan. Cuộc đời với hắn chẳng còn gì, tiền bạc hay những báu vật cũng chẳng còn ý nghĩa.

Đúng lúc đó, Adam đã gặp lại thám tử William Pinkerton. Dù không có bằng chứng nhưng vị thám tử tài ba này biết rõ ai là tác giả của vụ trộm bức danh họa nữ công tước Duchess of Devonshire. Còn Adam đã không còn thiết tha gì nữa với “Nữ công tước”. Vì thế hai bên  thỏa thuận rằng William Pinkerton sẽ đứng ra làm trung gian cho Adam trả lại bức họa cho người chủ hợp pháp của nó. Cảnh sát London vờ coi Adam đã chết để có thể khép lại vụ án trộm bức tranh Duchess of Devonshire. Bức tranh trở về với chủ cũ, Pinkerton được thêm danh tiếng còn Adam đút túi khoản tiền 25.000 đô la.

Người ta cho rằng William Pinkerton có một cảm tình đặc biệt với Worth vì hắn không bao giờ dùng súng đạn và chưa bao giờ hại ai trong cuộc đời trộm cắp. William nhận thấy Worth là một người thông minh và nếu có một khởi đầu khác thì hắn đã trở thành một doanh nhân thành đạt.

Adam Worth qua đời ngày 8/1/1902 ở tuổi 58 tuổi. Trên bia mộ tại nghĩa địa Highgate ở Anh, ngoài tên chính, người ta vẫn khắc cái tên giả Henrry J.Raymond. Trước khi chết, vua trộm đã thực hiện được mong muốn của mình, đó là sống cùng con trai và con gái trong một ngôi nhà tại địa chỉ số 2, Park Village East nhờ số tiền có được khi sau vụ trả lại bức danh họa nữ công tước.

Cậu con trai của Adam dường như được thừa hưởng sự thông minh, nhanh nhạy từ cha. Điều đặc biệt là sau khi vua trộm qua đời, thám tử William Pinkerton đã ngầm tìm mọi cách lo lắng cho các con của tên “kỳ phùng địch thủ” với mình. Sau này, Harry Raymond, con trai của vua trộm Adam Worth đã là một thám tử cho công ty thám tử Pinkerton, nhờ sự dìu dắt của William Pinkerton.

Nhị Vy