CNN nói về vấn nạn cô dâu Việt ở Trung Quốc gây nhức nhối dư luận

(PLO) -Hãng tin CNN mới đây có bài viết về vấn nạn những cô gái người Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc làm cô dâu vốn gây nhức nhối dư luận lâu nay. 
 Nhiều nạn nhân buôn người đã được giải cứu (ảnh minh họa).
Nhiều nạn nhân buôn người đã được giải cứu (ảnh minh họa).

Người phụ nữ giá 3.000 USD

“Khi tỉnh dậy em vẫn không biết mình đang ở Trung Quốc” - Lan nhớ lại cái đêm định mệnh đã khiến cuộc đời cô thay đổi mãi mãi. Khi đang chuẩn bị nhập học đại học ở một trường nằm ở khu vực biên giới phía Bắc, một người bạn mà Lan gặp trên mạng đã rủ cô đi ăn tối cùng một nhóm bạn nữa. 

Đêm muộn, Lan kêu mệt và muốn về nhà nhưng nhóm người cứ nài kéo cô ở lại chuyện trò và uống thêm. Khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, Lan dần nhận ra rằng cô đã bị bán qua biên giới sang Trung Quốc. “Khi đó em đã muốn bỏ chạy. Ở trên xe cũng có vài cô gái khác nhưng bọn em bị canh chừng rất chặt” – cô kể tiếp. 

Những ngôi làng ở dọc đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện vẫn đang là mảnh đất màu mỡ với những kẻ buôn người. Những bé gái mới khoảng 13 tuổi cho biết chúng đã bị lừa hoặc bị đánh thuốc mê rồi sau đó bị đưa qua biên giới bằng tàu, xe máy hoặc xe hơi. 

Phụ nữ Việt Nam là những 'món hàng' có giá trị ở Trung Quốc, nơi chính sách một con và tư tưởng trọng nam khinh nữ tồn tại từ lâu đã khiến tỉ lệ chênh lệch giới tính trở nên rất nghiêm trọng. Hay nói một cách đơn giản, những người đàn ông Trung Quốc đang vô cùng thiếu cô dâu. 

“Một người đàn ông Trung Quốc bình thường sẽ phải tốn một khoản khá lớn mới lấy được một phụ nữ Trung Quốc” – bà Hà Thị Vân Khánh, điều phối viên dự án quốc gia của tổ chức chống buôn người của Liên Hợp Quốc ở Việt Nam, cho biết. 

Thông thường, những người đàn ông Trung Quốc khi muốn cưới phụ nữ địa phương sẽ phải trả tiền tiệc cưới và phải mua một ngôi nhà mới để sống sau đám cưới. “Đó là lý do họ tìm cách lấy những người phụ nữ từ các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam” – bà Khánh nói thêm.

Vương Diệp là người đã thành lập Tổ chức liên kết Thái Bình Dương nhằm chống lại nạn buôn người ở Việt Nam. Cô cho hay những cô dâu Việt Nam có thể bị bán với giá chỉ khoảng 3.000 USD và những người Trung Quốc thường muốn mua phụ nữ Việt Nam vì sự tương đồng văn hóa với người Trung Quốc. 

Nguyên mới chỉ 16 tuổi khi bị bạn trai của một người bạn đánh thuốc mê và đưa tới Trung Quốc. Cô đã cố chống cự để không bị ép kết hôn. Trong suốt 3 tháng, cô đã từ chối dù bị những kẻ buôn người thường xuyên đánh đập, không cho ăn uống và dọa giết. Cuối cùng, cô vẫn bị buộc phải buông xuôi. May mắn là người chồng đối xử với cô tương đối tốt.

 Dù vậy nhưng nỗi nhớ gia đình ở Việt Nam thì vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng cô. “Chẳng lời nào có thể diễn tả được hết mong muốn được trở về nhà luôn cháy bỏng trong tôi. Tôi đồng ý kết hôn với người đàn ông đó nhưng thực sự không thể sống với một người lạ mà không hề có tình cảm gì với người đó” – Nguyên ngậm ngùi kể lại. 

Khi mẹ chồng nhận thấy Nguyên sẽ không bao giờ có thể sưởi ấm cuộc hôn nhân với con trai bà, gia đình nhà trai đã trả cô lại cho những kẻ buôn người. Họ nhận lại được tiền của mình còn Nguyên sau đó bị buộc phải kết hôn lần 2.

Nơi trú ẩn cho những người trốn thoát

Tổ chức liên kết Thái Bình Dương hiện điều hành một trung tâm trú ẩn cho những nạn nhân buôn người ở tỉnh Lào Cai. Những người phụ nữ thường ở lại trung tâm này từ 2 đến 3 năm sau khi được giải cứu. Trong thời gian đó, họ được đi học hoặc được đào tạo nghề. Họ được trị liệu tâm lý, học nấu ăn, khâu vá hay làm vườn. 

Là nơi nương tựa của những phụ nữ có cùng cảnh ngộ, trung tâm này giúp họ đứng được trên đôi chân của chính họ và sau đó là tìm việc làm để nuôi sống bản thân. “Những khoản đầu tư đó được dành cho những phụ nữ trẻ để họ có thể tìm lại được cuộc sống cho riêng mình” – Diệp bày tỏ.

Tổ chức của cô cũng tiếp cận cộng đồng để ngăn chặn việc có thêm nhiều cô gái rơi vào tay những kẻ buôn người. Khoảng mỗi tháng 1 lần, một nhóm những nạn nhân của nạn buôn người sẽ tới chợ Bắc Hà để mua thực phẩm, vải và thức ăn chăn nuôi. 

Trong một ngày như vậy, trên một sân khấu với khán giả là hàng trăm người tấp nập qua lại, họ nói về những kinh nghiệm của họ, trả lời những câu hỏi của mọi người và chơi game với đám đông. Khi họ đặt câu hỏi với những người ở chợ về những việc mà họ từng biết về nạn buôn người đã có hơn 20 người đứng ra để chuyện trò. “Tôi nghĩ nhận thức là công cụ duy nhất để chống lại nạn buôn người” – Diệp cho hay.

Bà Hà cũng đồng ý cho rằng ưu tiên hàng đầu là phải chia sẻ nhận thức tới người dân, đặc biệt là những người ở những khu vực nông thôn, nghèo khó ở dọc biên giới. Bà cũng cho rằng việc giảm nghèo sẽ giúp phụ nữ không còn tìm tới Trung Quốc để tìm việc – một trong những chiêu thức khác thường được những kẻ buôn người dùng để dụ dỗ các nạn nhân.

Giải cứu ở biên giới

Trong thời gian phóng viên của CNN làm việc ở khu vực biên giới, cảnh sát Việt Nam thông báo vừa giải cứu được 5 cô gái đang chuẩn bị bị một kẻ buôn người đưa vượt biên, trong đó có những cô mới chỉ 14 tuổi. Các cô kể lại rằng đã được một người sống cùng làng hứa đưa sang Trung Quốc làm việc với mức lương lên đến 600 USD/tháng. Trước khi đi, các cô đã không hề nói với cha mẹ về ý định của mình. 

Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Lào Cai cho biết, với sự giúp đỡ của giới chức Trung Quốc, cảnh sát Việt Nam thi thoảng cũng giải cứu được những phụ nữ sau khi họ đã sang tới đất Trung Quốc. Theo ông Long, trong năm 2015, cảnh sát đã giải cứu và đưa 109 phụ nữ Việt Nam là nạn nhân của nạn buôn người về nước. 

“Nhờ sự hợp tác giữa cảnh sát Việt Nam và Trung Quốc mà chúng tôi đã phát hiện nhiều đường dây buôn người. Chúng tôi đã phát hiện nhiều phụ nữ bị bán và bị đưa sâu vào bên trong lãnh thổ Trung Quốc, bị ép bán dâm trong những nhà thổ” – ông thông tin thêm.

Những phụ nữ không được giải cứu trong các chiến dịch của cảnh sát thì sẽ phải tự tìm cách để cứu lấy họ. Một số người kể lại rằng họ đã tìm cách liên lạc với gia đình từ Trung Quốc nhưng không thể nhờ cảnh sát giúp đỡ vì không biết chính xác mình đang ở đâu. 

Như trường hợp của Lan và Nguyên, 2 cô gái đã được đưa đến cùng một thị trấn ở Trung Quốc. Sau 2 năm, 2 cô đã cùng bàn bạc và giúp nhau trốn khỏi nhà chồng rồi bắt taxi tới trình báo tại đồn cảnh sát địa phương. Cảnh sát Trung Quốc sau đó đã điều tra và cuối cùng đã đưa họ về lại Việt Nam. 

Những người phụ nữ này đã trốn được khỏi những cuộc hôn nhân mà họ bị ép phải nghe theo nhưng cái giá mà họ phải trả cũng rất đắt. Cả 2 đều đã phải bỏ lại con ở Trung Quốc. Lan cho biết, nếu được gặp lại con gái 1 lần nữa, cô sẽ xin lỗi con vì đã bỏ bé lại. “Em hy vọng con bé ở đó sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn” – Lan cho hay.

Cả Lan và Nguyên đều cho biết họ từng được giáo viên ở trường nói về việc buôn người. Nhưng ở thời điểm đó, cả 2 đều không nghĩ rằng chuyện này lại xảy ra với họ.

Trong bài viết có tiêu đề “Việt Nam thức tỉnh về vấn đề buôn người”, tờ Irin News dẫn số liệu thống kê do Bộ Công an đưa ra tại một hội thảo về chống buôn người diễn ra ở Hà Nội hôm 14/7 vừa qua cho biết, trong giai đoạn 4 năm từ năm 2011 đến 2014, số vụ buôn người ở nước ta đã tăng ít nhất 11,6%

. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn, đặc biệt là khi những kẻ buôn người đang lợi dụng việc lượng người trẻ ở Việt Nam sử dụng các mạng xã hội đang ngày càng tăng. 

“Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy đây là tình trạng rất phổ biến” – bà Lê Thị Hương Lương, điều phối viên pháp lý ở tổ chức theo dõi buôn người Rồng Xanh nói về việc lợi dụng mạng xã hội trong hoạt động buôn bán người ở Việt Nam.

Theo Irin News, Việt Nam đang thúc đẩy các nỗ lực chống buôn người, trong đó có việc nâng cao nhận thức của người dân thông qua các hoạt động như lần đầu tổ chức Ngày cả nước chống buôn người hôm 30/7 hay công bố chiến lược chống buôn người giai đoạn 2016 – 2020…

Đọc thêm