Có gì đó mà Viện virus học Vũ Hán không muốn người ngoài biết?

(PLVN) - Những bức ảnh giật mình ghi lại cảnh các nhà khoa học không được bảo vệ đang xử lý các mẫu dơi gây chết người đã biến mất khỏi trang web của Viện Virus học ở Vũ Hán tại thời điểm Trung Quốc đang là "tâm điểm" của nhiều thuyết về nguồn gốc đại dịch.
Các nhà nghiên cứu ở Viện Virus học tại Vũ Hán đang nghiên cứu dơi.  Ảnh: DailyMail
Các nhà nghiên cứu ở Viện Virus học tại Vũ Hán đang nghiên cứu dơi. Ảnh: DailyMail

Sự biến mất của các bức ảnh cho thấy dường như chúng bị xóa một cách có hệ thống khỏi trang web của Viện.

Trong tháng vừa qua, Viện Virus học Vũ Hán đã xóa những bức ảnh các nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm của họ và chỉnh sửa các tài liệu tham khảo về các chuyến thăm của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ - những người sau đó đã đưa ra cảnh báo về công việc của phòng thí nghiệm trên dơi. 

Các tài liệu được chỉnh sửa bao gồm một trang trên trang web của Viện cho thấy hình ảnh các nhân viên vào hang để lấy mẫu dịch từ dơi mang virus corona - chỉ với những trang phục bảo vệ tối thiểu. Viện dường như cũng đã xóa tài liệu tham khảo liên quan đến chuyến thăm Viện vào tháng 3/2018 của Rick Switzer - một chuyên gia khoa học và công nghệ từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh.

Các nhà nghiên cứu bắt dơi trong tự nhiên. Ảnh: DailyMail
 Các nhà nghiên cứu bắt dơi trong tự nhiên. Ảnh: DailyMail

Từ chuyến thăm của ông Switzer, một báo cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã được gửi đến Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo về những rủi ro từ các thí nghiệm trên dơi. Trong báo cáo có đoạn: "Trong quá trình tương tác với các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm WIV, họ (các nhà ngoại giao) lưu ý rằng phòng thí nghiệm mới thiếu hụt nghiêm trọng các kỹ thuật viên và điều tra viên được đào tạo phù hợp để vận hành an toàn phòng thí nghiệm an toàn cao này".

Tháng trước, The Mail on Sunday đã công bố những bức ảnh đáng báo động từ bên trong Viện cho thấy một thấy dấu niêm phong bị xé trên cửa của một trong những tủ lạnh chứa 1.500 chủng virus khác nhau.

Trên thực tế, bằng các nguồn tin an ninh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập rằng virus có thể đã bị rò rỉ do tai nạn từ Viện nghiên cứu này.

Hôm 30/4, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ (CIA) đã đưa ra một tuyên bố rằng: "Cộng đồng tình báo sẽ tiếp tục kiểm tra nghiêm ngặt thông tin nổi để xác định xem liệu dịch bệnh bắt đầu thông qua tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay đó là kết quả của một tai nạn tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán".

Các nhà nghiên cứu bắt dơi trong hang động. Ảnh: DailyMail
  Các nhà nghiên cứu bắt dơi trong hang động. Ảnh: DailyMail

Trang web của Viện Virus học tại Vũ Hán cũng thừa nhận rủi ro của công việc: 'Bởi vì đối tượng nghiên cứu của phòng thí nghiệm là các vi sinh vật gây bệnh cao, nên mỗi lần mở ống nghiệm lưu trữ virus trong phòng thí nghiệm giống như mở Hộp Pandora. Những virus này đến và đi không một dấu vết. Có nhiều biện pháp bảo vệ khác nhau, nhưng nhân viên xét nghiệm vẫn cần phải vận hành cẩn thận để tránh nguy hiểm do lỗi vận hành".

Một nguồn an ninh cấp cao của Anh cho biết: "Tim nguồn gốc virus corona là một phần công việc đang được một số quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, thực hiện. Họ xem xét mọi khả năng".

Tờ The Mail on Sunday đã tiết lộ rằng Viện Virus học ở Vũ Hán đã tiến hành thí nghiệm virus corona trên những con dơi bắt ở Vân Nam, với 3 triệu bảng Anh tài trợ từ Chính phủ Mỹ. Trình tự bộ gen Covid-19 đã giúp lần theo dấu vết của những con dơi chỉ được tìm thấy trong những hang động đó. Tổng thống Trump đã hủy tài trợ sau báo cáo này.

Bắc Kinh khẳng định thực tế Viện Virus học cuả Trung Quốc có trụ sở tại TP Vũ Hán - trung tâm của dịch virus corona - là một sự trùng hợp ngẫu nhiên và bác bỏ các liên quan đến phòng thí nghiệm.

Trong một diễn biến liên quan, Giáo sư Yuan Zhiming, Phó Giám đốc tại Viện Virus học Vũ Hán và là người đứng đầu Ủy ban An toàn sinh học của Viện, đã từng nhấn mạnh những lo ngại nghiêm trọng về độ an toàn của hoạt động và các phòng nghiên cứu tại Viện trong một bài báo được xuất bản năm 2019.

"Hầu hết các phòng thí nghiệm thiếu các nhà quản lý và kỹ sư an toàn sinh học chuyên ngành", ông viết trên Tạp chí An toàn và an ninh sinh học, tiết lộ rằng "điều này khiến các nhà nghiên cứu bán thời gian phải thực hiện cả các công việc của "'nhân viên lành nghề" trong các phòng thí nghiệm bảo mật cao, gây khó khăn cho việc xác định và giảm thiểu các nguy cơ an toàn tiềm ẩn trong hoạt động của cơ sở và thiết bị một cách kịp thời".

"Chi phí bảo trì thường bị bỏ qua, do đó, các phòng thí nghiệm được cho là an toàn phải vận hành với chi phí cực kỳ tối thiểu, thậm chí trong một số trường hợp, không có gì cả" - Giáo sư Yuan cho biết trong bài viết của mình vào tháng 9/2019.

Sự thú nhận đáng kinh ngạc của bài báo có tiêu đề "Tình trạng hiện tại và những thách thức trong tương lai của các phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp cao ở Trung Quốc" này càng làm tăng thêm mối lo ngại về virus corona mới có thể bị rò rỉ từ một trong hai phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Trong một bài viết thứ hai trên tạp chí mà ông là đồng tác giả với bốn đồng nghiệp ở Vũ Hán, ông đã cho rằng, "hệ thống an toàn sinh học cần được cải thiện và tăng cường hơn nữa".

Phòng thí nghiệm do Giáo sư Yuan làm Phó Giám đốc được thiết kế với sự giúp đỡ của Pháp. Đây là phòng thí nghiệm cấp 4 đầu tiên ở Trung Quốc, có nghĩa là an toàn nhất trên thế giới. Các nhà khoa học tại Viện đã phát hiện ra rằng bộ gen của virus corona giống 96% với bộ gen thường thấy ở loài dơi.

Một phòng thí nghiệm thứ hai tại TP Vũ Hán - Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Vũ Hán - cũng được cho là đã thực hiện các thí nghiệm trên động vật như dơi về việc lây truyền virus corona, mặc dù nó chỉ là phòng thí nghiệm cấp 2.