“Cơn ác mộng” của châu Âu

(PLO) - Các hiệp ước thành lập Liên minh châu Âu (EU) chắc chắn cho phép Vương quốc Anh được rút – tức “Brexit” -  khỏi liên minh này. Tuy nhiên, việc rời khỏi EU sẽ không diễn ra dễ dàng, một loạt vấn đề sẽ cần được giải quyết. Đó là lý do tại sao điều khoản 50 yêu cầu việc rời khỏi EU phải được đàm phán giữa Liên minh và nước thành viên đưa ra tín hiệu rút lui.
“Brexit”- cơn ác mộng của EU
“Brexit”- cơn ác mộng của EU

Một trong những vấn đề cần được giải quyết đó là việc nhập cư hiện nay diễn ra trong nội bộ EU. Trong các năm qua, nhiều công dân các nước thành viên đã nhập cư vào Vương quốc Anh; ngược lại, rất nhiều công dân Anh đã nhập cư vào các nước thành viên khác. Họ có thể làm vậy là bởi họ có tư cách công dân EU mà Hiệp ước thành lập Liên minh trao quyền cho bất kỳ công dân nào của nước thành viên EU. 

“Dựa dẫm” phúc lợi, lo lắng quyền bình đẳng

Theo trang mạng “eurasiareview.com”, trên thực tế, một phần lý do tại sao cuộc thảo luận về việc rời khỏi EU lại ngay từ đầu diễn ra ở Anh bởi một số lượng lớn các công dân chuẩn bị nhập cư vào EU đang lợi dụng các phúc lợi xã hội hào phóng của Anh.

Rõ ràng đạo luật về tư cách công dân EU không trao quyền cho bất kỳ ai được di cư để tìm kiếm phúc lợi xã hội. Ngược lại, đạo luật này yêu cầu các công dân EU phải làm việc ở nước tiếp nhận họ hoặc có đủ nguồn lực tài chính để không trở thành gánh nặng cho nước đó. Quốc gia tiếp nhận người nhập cư, trong trường hợp này là Anh, được lựa chọn thực thi đạo luật này hay không. 

Bởi vậy, nếu các phúc lợi của Anh được cung cấp quá hào phóng thì cuộc thảo luận ở đây sẽ là về trật tự pháp lý của Anh và cách nước này thực thi luật, thay vì là vấn đề rời khỏi EU hay sửa đổi/thương lượng lại các đạo luật của họ về di chuyển tự do.

Tuy nhiên, các nước hiện bị buộc phải thảo luận về vấn đề nhập cư với Anh, chủ yếu là bởi một số chính trị gia không thể chống lại sự cám dỗ để thỏa mãn xu hướng chủ nghĩa dân túy. Bởi vậy, vấn đề nhập cư cuối cùng sẽ được giải quyết bằng các cuộc đàm phán rời khỏi EU có liên quan đến các công dân EU đang hiện diện ở Anh. 

Các công dân EU có các kỳ vọng chính đáng rằng họ đang thực thi quyền của họ và rằng các quyền này không chỉ được tôn trọng mà còn không thể bỗng nhiên phụ thuộc vào mong muốn của một quốc gia cụ thể nào đó. Đây là điều sẽ xảy ra nếu Anh rời khỏi EU. Quyền lợi của các công dân EU đang sinh sống ở Anh sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào Anh. Vậy các kỳ vọng chính đáng này sẽ được giải quyết ra sao trong trường hợp Anh thực sự rời khỏi EU?

Việc ký kết các hiệp ước song phương với từng nước thành viên và/hoặc với EU là một giải pháp thay thế khả thi, dù không phải là giải pháp tốt. Cho dù nếu các hiệp ước này được giao phó cho Tòa án Công lý nhằm bảo vệ các quyền của công dân EU ở Anh đi chăng nữa - một lựa chọn khó làm thỏa mãn nhu cầu tái khẳng định chủ quyền của Anh vốn là trọng tâm của cuộc tranh luận “Brexit”- thì các hiệp ước song phương như vậy sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các hành động đơn phương của Anh, so với các hiệp ước thành lập Liên minh.

Quan trọng hơn, các hiệp ước song phương này sẽ tạo ra nhóm gọi là “siêu công dân”, những người có quyền cố định mà không ai khác có thể đạt được. Rõ ràng điều đó sẽ tạo ra sự đố kỵ, nếu không muốn nói là làm nảy sinh các vấn đề về bình đẳng theo hiến pháp. 

“Hành động tự hại”?

Ngày 21/6, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo việc cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là “hành động tự hại”, làm tổn hại mọi thành quả mà người dân châu Âu đã nỗ lực cùng nhau đạt được.

Phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp tại Athens (Hy Lạp), ông Juncker cho rằng việc Anh rời EU là “quay lưng” lại với các nước láng giềng, đi ngược lại mọi giá trị mà EU cũng như Anh đã nỗ lực xây dựng. Ông kêu gọi cử tri Anh trân trọng những thành tựu hòa bình, tự do, thịnh vượng và “cuộc sống đáng mơ ước” mà toàn khối đã cố gắng vun đắp và đạt được cùng với sự đóng góp của người dân Anh trong lịch sử 60 năm hình thành và phát triển.

Trước đó, trả lời phỏng vấn giới báo chí tại Đức, ông Juncker bày tỏ lạc quan về khả năng thắng lợi của phe ủng hộ “ở lại” EU trong cuộc trưng cầu ý dân tại Anh. Hồi tháng trước, Chủ tịch EC cũng từng cảnh báo các doanh nghiệp sẽ khó có thể nhận được sự ủng hộ từ phía các đối tác khác trong khu vực nếu Anh rời EU. 

Liên quan vấn đề này, cùng ngày 21/6, lãnh đạo đảng Mặt trận nhân dân tại Pháp, bà Marine Le Pen, một trong những ứng cử viên tranh cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới, đã kêu gọi các quốc gia thành viên EU trong đó có Pháp tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề đi hay ở của các quốc gia này tại EU.

Bà Le Pen là một lãnh đạo cánh tả cực lực phản đối EU khi cho rằng khối này đang theo đuổi một mô hình hội nhập quá sâu đi ngược với ý chí của người dân, chính khối này cần phải chịu trách nhiệm về tình trạng thất nghiệp gia tăng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Bà cũng chỉ trích EU đã không ứng phó kịp thời với nạn buôn lậu, chủ nghĩa khủng bố và cuộc khủng hoảng di cư.

Hồi hộp “giờ G”

Hôm nay (23/6) Anh tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lịch sử quyết định tương lai của một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Âu này tại EU. Các cuộc thăm dò dư luận sát “giờ G” cho thấy tỉ lệ ủng hộ ở lại EU đang vượt lên dẫn trước, đặc biệt sau vụ sát hại Nghị sĩ Jo Cox, người luôn ủng hộ EU và đấu tranh vì người nhập cư.

Trong khi đó, Ủy ban bầu cử giám sát cuộc trưng cầu ý dân tại Anh về việc rời khỏi hay ở lại EU cho biết gần 46,5 triệu cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu, mức kỷ lục mới về số người tham gia một cuộc bỏ phiếu ở nước này.

Theo thông báo của ủy ban trên, tính sơ bộ số cử tri thuộc Vương quốc Anh và khu vực Gibraltar đã đăng ký tham gia bỏ phiếu là 46.499.537 người, trong đó có khoảng 24.117 người đăng ký tại khu vực Gibraltar. Kỷ lục trước đó về số cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu ở Anh được ghi nhận tại cuộc tổng tuyển cử năm 2015 với 46.354.197 người.

Không chỉ công dân Anh mà công dân Ireland và công dân Khối thịnh vượng chung sinh sống tại Anh cũng được tham gia bỏ phiếu. Hạn chót đăng ký tham gia bỏ phiếu đã được ấn định là ngày 7/6 nhưng sau đó đã được gia hạn thêm 2 ngày vì lượng đăng ký giờ chót quá cao khiến mạng đăng ký trực tuyến bị sập trong ngày cuối cùng.

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy có sự khác biệt quan điểm rất rõ ràng giữa các thế hệ. Giới trẻ có xu hướng ủng hộ “ở lại”, trong khi những cử tri lớn tuổi ủng hộ “ra đi”. Tuy trước đó giới trẻ được dự đoán sẽ không mặn mà với việc tham gia bỏ phiếu, nhưng thống kê của Ủy ban bầu cử cho thấy số người dưới 25 tuổi đăng ký hiện là 525.000 người, cao hơn con số 13.000 người trong độ tuổi từ 65 tới 74 tuổi. Điều này có thể được coi là một dấu hiệu mang lại lợi thế cho phe “ở lại”. 

Đọc thêm