Cơn ác mộng tồi tệ từ tấm vé số của người đàn ông mộ đạo

(PLO) - Nhiều người chắc hẳn từng mơ ước trúng số độc đắc và nghĩ rằng sự kiện đó sẽ khiến cuộc sống của họ thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng tốt đẹp hơn, mọi vấn đề sẽ biến mất để nhường chỗ cho một cuộc sống dễ chịu. Billie Bob Harrell Jr. cũng từng có suy nghĩ như vậy…
Billie Bob Harrell
Billie Bob Harrell

Biến cố của chàng trai mộ đạo

Billie Bob Harrell trong con mắt của những người hàng xóm là một chàng trai hiền lành, tốt bụng và đặc biệt rất mộ đạo. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh chàng đã thể hiện mong muốn được trở thành một nhà truyền giáo. 

Do đó, tốt nghiệp trung học, Harrell đã ghi danh vào trường Đại học tôn giáo Texas ở Houston. Trong gia đình của anh cũng có đến 2 người chú là mục sư. Tuy nhiên, khi 1 trong 2 người chú này nghỉ hưu, Harrell đã quyết định gia nhập quân ngũ và đóng quân ở trại Pendleton ở phía Nam California trong 3 năm.

Nhân một chuyến về nghỉ phép dịp Giáng sinh năm 1971, Harrell được người quen giới thiệu cho một cô gái trẻ xinh xắn, vui tính tên Barbara Jean Abernathy. Sau 3 ngày hẹn hò, Harrell trở về trại Pendleton nhưng vẫn 2 người vẫn tiếp tục duy trì liên lạc và đến 1 năm sau đó thì kết hôn nhân một chuyến nghỉ phép của Harrell. 

Khi Harrell xuất ngũ, anh được nhận vào một công ty dầu khí tên Hi-Drill. Cùng lúc đó, vợ anh cũng sinh liền tù tì 3 người con. Khó khăn chỉ thực sự xuất hiện khi công ty của Harrell đóng cửa vào đầu những năm 1990, đồng nghĩa với việc anh lâm vào tình trạng thất nghiệp.

Để có tiền trang trải cuộc sống, anh buộc phải xin vào làm nhân viên kiểm hàng cho một cửa hàng Home Depot. Áp lực kinh tế trong gia đình cũng vì thế dồn hết lên vai Barbara Jean. 

3 năm làm nhân viên kiểm hàng đã khiến Harrell chán nản. Các con của anh cho biết sự chán nản đã khiến anh đâm ra nghiện vé số và thường xuyên mơ về cảnh trở nên giàu có nhờ trúng số. “Ông ấy nghĩ về xổ số mọi lúc, mọi nơi, nhất là trong quãng thời gian quan hệ giữa ông ấy và chủ cửa hàng không được tốt” – con trai cả của Harrell kể lại. 

Vào mỗi thứ 4 hàng tuần, Harrell lại cố dành ra vài USD để mua một vài tờ vé số với hy vọng đổi đời. Đôi khi anh sử dụng ngày sinh của các con để chọn số. Có khi anh ta để cho máy tính chọn số cho mình. 

Giấc mơ đến bất ngờ

Giấc mơ mà Harrell luôn nghĩ ấp ủ trong đầu cuối cùng cũng đã đến một cách đầy bất ngờ vào một ngày cuối tháng 6/1997, khi anh gần như đã tắt hy vọng trúng số. Buổi tối ngày 28/6/1997, công ty xổ số Lotto tiến hành quay số như thường lệ. Các đài truyền hình đồng loạt tường thuật sự kiện này nhưng Harrell lại thậm chí không thèm bật lên xem vì thực chất đã phát chán việc soi số này.

Sáng ngày hôm sau, anh tiếp tục đi làm việc như bình thường. Tại cửa hàng, tất cả mọi người đều thi nhau bàn tán về thông tin chiếc vé số giành được giải độc đắc có giá trị lên đến 31 triệu USD đã được mua ở quầy bán vé ở ngay phía sau cửa hàng của họ. Điều đó đồng nghĩa với việc chủ nhân của tấm vé số triệu đô rất có thể chỉ sinh sống ở đâu quanh khu vực của họ. Nghe thấy vậy nhưng Harrell cũng vẫn chẳng mảy may suy nghĩ gì.

Buổi tối hôm đó, sau khi hết ca làm, Harrell về nhà, vớ lấy tờ báo số ra ngày 29/6/1997 và ngồi trên chiếc ghế bành đã cũ rích ở góc nhà. Đọc hết tờ báo, đến phần thông tin về giải thưởng xổ số, anh bèn lấy tấm vé số của mình ra để so sánh với dãy số trúng thưởng tại buổi quay số đêm hôm trước: 3, 11, 16, 28, 40, 44.

Tấm vé số không chỉ thay đổi cuộc sống mà là cả cuộc đời Harrell.
Tấm vé số không chỉ thay đổi cuộc sống mà là cả cuộc đời Harrell.

Một luồng điện bất chợt chạy dọc khắp người Harrell. Nhìn thấy cậu con trai út đi qua phòng, anh liền gọi đứa trẻ: “Con lại xem hộ bố xem bố có nhìn nhầm không” – anh nói. Đúng lúc đó, Barbara Jean, cũng từ bếp đi ra và tới nhìn tấm vé số. 3 người đã đứng bất động trong vài phút liền vì bất ngờ. Ngày hôm sau, cả gia đình đã đến cửa hàng vé số và nhận được thông tin chắc chắn: họ đã trúng 31 triệu USD. 

3 tuần sau khi trúng số, vợ chồng Harrell và luật sư đã nhận tấm séc đầu tiên trong giải thưởng xổ số của họ. Theo con trai cả của Harrell, sau khi trúng số, cha họ đột ngột quan tâm đến nghệ thuật, xe hơi và bất động sản và đã chi khá nhiều tiền cho những thú vui này. 

Harrell đã mua một đồng cỏ, 6 ngôi nhà cho anh và các thành viên khác trong gia đình. Anh cũng ngay lập tức đổi điện thoại đời mới nhất cho bản thân và vợ con. Bên cạnh đó, Harrell cũng rất rộng rãi quyên nhiều khoản tiền lớn cho nhà thờ ở địa phương. Anh cũng hào phóng giúp đỡ với những người xung quanh. Trong khu vực có người quen nào gặp khó khăn tìm đến, anh đều không ngần ngại cho họ một khoản tiền.

Cơn ác mộng tồi tệ nhất

Chỉ sau một thời gian ngắn, Harrell nhận thấy cuộc đời của anh đã thay đổi hoàn toàn. Anh nhận thấy mọi người, từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí cả người lạ, đột ngột chuyển sang vô cùng thân thiết và gần gũi với anh. Cùng với sự quan tâm một cách đột biến đó, việc chi tiêu và cho vay của Harrell cũng sớm vượt khỏi tầm kiểm soát. Chỉ nửa năm sau khi lần trúng số định mệnh, tháng 2/1998, sự vượt tầm kiểm soát đó của Harrell lan sang cuộc hôn nhân của anh.

Tháng 2/1998, luật sư Karen Gerstner – một người chuyên tư vấn cho những người trúng số lớn – nhận điện thoại bà Barbara Jean, cho biết bà và chồng đang chuẩn bị hoàn tất thủ tục ly hôn. “Tôi rất buồn khi nghe tin nhưng tôi có thể hiểu được rằng Barbara đã chán ngấy với những trò điên rồ ở tuổi trung niên của Harrell” – luật sư Gerstner kể lại.

Barbara Jean Harrell từ chối nói chuyện với báo chí nhưng 3 người con của cô đã đồng ý trả lời phỏng vấn. “Chúng tôi đã phải đổi số điện thoại đến 7 lần. Thế nhưng chỉ vài ngày sau đó mọi người đã lại lần được ra số của chúng tôi. Ngoài ra chúng tôi cũng nhận được cả núi email” – con trai của Harrell kể lại. 

Đó là còn chưa kể đến hàng trăm bức thư tay mà gia đình nhận được – tất cả đều có điểm chung là đều kể lể mùi mẫn về hoàn cảnh khó khăn của họ và đề nghị được giúp đỡ. “Có người nói với chúng tôi rằng con gái của họ đang bị ốm sắp chết nên chúng tôi không thể không gửi cho họ một tấm séc để cứu tính mạng của đứa trẻ” – anh hồi tưởng.

Vẫn theo con trai cả của Harrell, gia đình anh khi đó giống như sống trong tù ngục ngay trong ngôi nhà của mình. Bởi, ở bên ngoài, rất nhiều người lái xe chạy quanh chỉ để chụp hình gia đình họ. Một số người khác muốn chạm vào người họ để lấy may. 

Ngoài việc “chi tiền như điên”, con trai Harrell cho rằng anh còn có nhân tình – một cô gái trẻ làm việc ở hiệu thuốc và đặc biệt rất hâm mộ người đàn ông may mắn này. Các con của Harrell nói rằng cha của họ đã mua cho nhân tình xe hơi, trang sức và nhiều món quà khác.

3 tháng sau khi ly hôn, Harrell tiều tụy thấy rõ. Anh sụt đến hơn 15kg, vẻ ngoài lúc nào cũng mệt mỏi. Đầu tháng 5/1999, Harrell đề nghị Barbara Jean nối lại tình cảm nhưng không được đồng ý. Ngày 22/5/1999, 20 tháng sau khi trúng số, Harrell nói muốn đến nhà vợ cũ để dùng cơm với cô và các con. 

Vào khoảng 16h00 cùng ngày, anh ghé qua nơi làm việc của con gái để lấy chìa khóa nhà, nói là về trước cắm hoa. Song, đến chiều tối, khi cả gia đình về tới nơi, họ gọi khắp không thấy Harrell đâu. Kiểm tra khắp các phòng, họ nhận thấy phòng ngủ trên tầng đã bị khóa lại nên quyết định phá cửa. Kết quả là, ở bên trong, họ thấy Harrell đã nằm gục trong vũng máu, bên cạnh có một khẩu súng. 

Cái chết của anh này sau đó được các điều tra viên kết luận là do tự tử. Tuy nhiên, cha mẹ anh phủ nhận kết luận đó. Không chỉ nguyên nhân, cái chết của Harrell cũng đã dẫn đến cuộc tranh cãi gay gắt trong gia đình – giữa một bên là cha mẹ và một bên là vợ con anh – về việc sử dụng số tiền còn lại từ việc trúng số. Song, điều rõ ràng không thể tranh cãi trong cuộc đời và cái chết của Harrell chính là tác động của đồng tiền. 

Nhiều người cho rằng, nếu Harrell không trúng số, gia đình anh có thể đã không chia rẽ đến vậy và anh cũng có thể đã không căng thẳng đến mức tự tử. Bản thân Harrell ít lâu trước khi chết cũng đã thú nhận với cố vấn tài chính của anh rằng việc trúng số chính là điều tồi tệ nhất từng xảy đến với anh! 

Đọc thêm