Công bố số liệu đau lòng về trẻ em châu Phi

(PLO) - Trong tuần vừa qua, theo báo cáo của Viện Phát triển nước ngoài (ODI) có trụ sở tại Anh cho biết, trẻ em châu Phi sẽ chiếm hơn 40% số người nghèo nhất thế giới vào năm 2030, gấp đôi con số hiện nay nếu như không có biện pháp cải thiện giáo dục và chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất. 
Hơn 40% số người nghèo trên thế giới vào năm 2030 là trẻ em châu Phi
Hơn 40% số người nghèo trên thế giới vào năm 2030 là trẻ em châu Phi

Chiếm gần một nửa tỷ lệ nghèo đói

Theo hãng tin Reuters dẫn lời Viện Phát triển nước ngoài (ODI), đến năm 2030, mốc thời điểm cuối mà các nhà lãnh đạo trên thế giới đặt ra để đạt được mục tiêu xóa bỏ nghèo đói ở châu Phi. Mặc dù tăng trưởng kinh tế nhưng tình trạng trẻ em tại khu vực hạ Sahara của châu Phi vẫn phải sống trong nghèo đói vì tỷ lệ sinh cao, tảo hôn, bất bình đẳng và thiếu thốn về mọi mặt...

Hiện nay, cứ 5 trẻ tại khu vực hạ Sahara của châu Phi sẽ có 1 trẻ, hay nói cách khác là gần 148 triệu trẻ, sống ở mức dưới 1,9 USD/ngày. ODI ước tính, đến năm 2030, 88% tổng số trẻ em tại khu vực hạ Sahara của châu Phi sống với mức thu nhập 1,9 USD/ngày, trong khi đó tỷ lệ hiện nay là 50%.

Ông Kevin Watkins, Giám đốc điều hành ODI và đồng tác giả của báo cáo cho biết, “Tôi cho rằng cộng đồng quốc tế nên tập trung quan tâm đến viễn cảnh hơn 40% số người nghèo trên thế giới vào năm 2030 là trẻ em châu Phi. Chúng tôi đang nói đến vấn đề đưa trẻ đến trường và giải quyết hình thức nghèo đói cùng cực nhất. Điều này là có thể thực hiện được”. 

Để xóa đói giảm nghèo, loại bỏ bất bình đẳng và thay đổi những suy nghĩ trong việc sinh đẻ có kế hoạch ở khu vực hạ Sahara của châu Phi, thì trước hết cần thiết phải đầu tư giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, giáo dục đóng vai trò “trung tâm tuyệt đối” trong cuộc chiến chống đói nghèo tại khu vực. Thông qua giáo dục, những người phụ nữ sẽ có kỹ năng và kiến thức cơ bản, trẻ em gái sẽ kết hôn muộn hơn và tự tin yêu cầu được chăm sóc y tế và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho mình.

Hiện nay Nigeria là “điểm nóng” ở châu Phi, mà theo ông Watkins cho biết, đây là đất nước đông dân nhất châu Phi với khoảng 188 triệu người, có số trẻ em thất học cao nhất và có khoảng cách bất bình đẳng giới rộng nhất trong lĩnh vực giáo dục. Do đó, trừ khi xóa đói giảm nghèo ở Nigeria được cải thiện thì vấn đề đói nghèo cùng cực ở khu vực hạ Sahara của châu Phi cũng theo đó mà giảm theo. 

Thời gian gần đây, bất chấp những thách thức, khu vực hạ Sahara của châu Phi đã ghi nhận được nhiều thắng lợi về mặt kinh tế trong vài năm trở lại đây và đặc biệt là sự tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện vấn đề sống còn của trẻ em. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Phi cần phải nỗ lực hơn nữa, đầu tư nhiều cho thế hệ trẻ và nhanh chóng chấm dứt tình trạng tảo hôn, ngăn chặn bất bình đẳng nam nữ và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. 

Hồi tháng 6/2016, nhằm hỗ trợ cho cho việc xóa đói giảm nghèo, tỷ phú thế giới Bill Gates vừa công bố chương trình hỗ trợ nhân đạo mới nhất của mình, nhằm giúp đỡ các quốc gia tiểu vùng Sahara tại châu Phi vượt nghèo đói cùng cực. Ông đã dành tặng 100.000 con gà con đã được ngừa bệnh thông thường.

Ông cho biết, nuôi gà sẽ giúp người dân tăng thêm thu nhập, đồng thời gà không tốn quá nhiều chi phí để chăm sóc, dễ nuôi và đặc biệt giàu chất dinh dưỡng với trẻ em. Ông cho biết, nếu một người nông dân bắt đầu với 5 con gà mái, người này có thể  kiếm được 1.000 USD/năm, so với mức thu thập bình thường là khoảng 700 USD/năm. Ông muốn giúp đỡ 30% hộ gia đình nông thôn châu Phi trong chương trình này, trong khi hiện nay tỷ lệ này chỉ có 5%.

Không chỉ thế, đến tháng 7/2016, Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation của tỷ phú Bill Gates sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào châu Phi trong vòng 5 năm tới. Được biết, quỹ của ông đã thực hiện rất nhiều dự án về các lĩnh vực khác nhau như xóa bệnh tật ở những nơi xa xôi, hẻo lánh trên thế giới; hay giúp phát triển các nguồn cung cấp lương thực dồi dào hơn cho những người nghèo. Ông Gates cho biết Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation đã đầu tư hơn 9 tỷ USD vào châu Phi với trọng tâm chính là sức khỏe. 

Tảo hôn là nguyên nhân 

Tại khu vực hạ Sahara của châu Phi, hơn một phần mười các bé gái kết hôn ở độ tuổi 15 và chỉ có 4 trong số 10 trẻ em gái kết hôn ở độ tuổi 18. Trong 20 năm qua, châu Phi cũng đã có những tăng trưởn kinh tế, tỷ lệ tử vong ở trẻ em đã giảm khá nhiều, tuy nhiên tỷ lệ sinh đẻ lại không hề giảm. Tỷ lệ sinh cao nhất ở Tây Phi, nơi đây một phụ nữ trung bình sinh 6 người con. Do đó, tảo hôn cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em của châu Phi tăng cao. 

Hiện nay, trên thế giới, có hơn 700 triệu phụ nữ đã kết hôn từ khi còn nhỏ. Hơn 1/3 trong số họ, tức là khoảng 250 triệu người đã kết hôn khi chưa 15 tuổi. Những cô bé kết hôn trước 18 tuổi thường rất ít có cơ hội tiếp tục đi học, trong khi nhiều khả năng họ bị bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn trong quá trình mang thai và sinh nở so với những người ở độ tuổi 20. Những đứa con của họ cũng có nhiều nguy cơ chết yểu.

Theo thông tin từ phía UNICEF đưa ra, dự đoán châu Phi hiện có 125 triệu trẻ em gái phải kết hôn ở độ tuổi thiếu niên. UNICEF đang thúc giục chính phủ các nước châu Phi phải mạnh tay hơn nữa để chấm dứt tục lệ này. Các bé gái ở đây phải làm vợ để gán nợ giúp gia đình và một số nơi coi tục tảo hôn là con đường tránh khỏi tội lỗi theo các niềm tin truyền thống. Tuy nhiên cuộc sống của các cô dâu chưa đến tuổi này phải chịu đựng bao gồm bạo lực, hãm hiếp, nghèo túng và nguy cơ nhiễm HIV tăng cao. 

Vào năm 2050, châu Phi dự kiến sẽ vượt qua Nam Á, trở thành khu vực có số lượng “cô dâu nhí” ở mức cao nhất thế giới. Dựa trên các dự báo trong một báo cáo mới đây của  UNICEF về tình trạng kết hôn ở trẻ em châu Phi, số lượng “cô dâu nhí” ở khu vực này có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2050, với con số 310 triệu người.

Tại khu vực Sahara châu Phi, có tới 40% phụ nữ kết hôn khi còn nhỏ. Con số này ở Tây và Trung Phi là 42% và ở Đông và Nam Phi là 37%. Châu Phi có tới 15 trong số 20 quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ tảo hôn. Đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với khu vực này. Cũng theo báo cáo của UNICEF được công bố tại hội nghị trên, dân số châu Phi dự kiến tăng nhanh trong những năm tới, đặt hàng triệu bé gái trước nguy cơ kết hôn sớm. Dự báo, số trẻ em gái sẽ bùng nổ từ 275 triệu hiện nay lên tới 465 triệu em trong 35 năm tới.

Được biết, nạn tảo hôn có nguồn gốc từ truyền thống và văn hóa nên sẽ không dễ dàng để thay đổi. Nhiều bậc cha mẹ và các cô gái cũng ý thức được điều này nhưng họ không có nhiều lựa chọn, do vậy họ lại trở thành những người “tiếp tay” cho vấn nạn này.

Các quan chức Liên Hợp quốc (LHQ) cho rằng, để thành công trong cuộc chiến chống nạn đói nghèo, trước hết phải khắc phục tình trạng tảo hôn, lạc hậu, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử giữa các sắc tộc, vùng miền và giai cấp… Điều này đồng nghĩa với việc, châu Phi cần phải nỗ lực rất nhiều và cần có một quyết tâm rất lớn mới có thể đẩy lùi được vấn nạn tảo hôn. 

Kế hoạch hóa gia đình để giảm đói nghèo

Thời gian gần đây, các chuyên gia sức khỏe sinh sản cũng đã và đang tiếp cận nhiều hơn để tuyên truyền các biện pháp tránh thai, ngăn ngừa tăng dân số và giảm tỷ lệ đói nghèo. Các chuyên gia sức khỏe sinh sản cũng cho biết, kế hoạch hóa gia đình trở thành vấn đề quan trọng và cấp thiết nếu muốn phát triển bền vững. Được biết trong 3 năm qua, 24,4 triệu phụ nữ và trẻ em gái ở các nước nghèo đã bắt đầu sử dụng những biện pháp tránh thai. Tổng số phụ nữ sử dụng những phương pháp tránh thai hiện đại trong 69 quốc gia đã lên đến 290,6 triệu người. 

Phát biểu tại một hội nghị quốc tế về kế hoạch hóa gia đình tại Bali, bà Ellen Starbird, Giám đốc dân số và sức khỏe sinh sản tại USAID cho biết, kế hoạch hóa gia đình là một mối liên kết quan trọng  để đáp ứng 17 mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia thành viên LHQ đã thông qua, đây cũng giống như một lộ trình để chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng và chống biến đổi khí hậu trong 15 năm tới.

Theo ông Babatunde Osotimehin, Giám đốc điều hành về Quỹ Dân số Liên Hợp quốc cho biết: “Kế hoạch hóa gia đình là quyền lợi của phụ nữ, nó quyết định đến sức khỏe và hạnh phúc của họ. Kế hoạch hóa gia đình cần được đầu tư nhiều hơn nữa,  nếu thành công thì đồng nghĩa với việc tỷ lệ đói nghèo sẽ giảm, góp phần phát triển kinh tế”.