Cộng hòa Trung Phi trong “cơn lốc” bạo lực

(PLO) - Tình trạng bạo lực tái diễn trong những tuần qua ở Cộng hòa Trung Phi đã khiến LHQ phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ tái diễn tình trạng căng thẳng tôn giáo và sắc tộc tại quốc gia này. 
 
Bạo lực nghiêm trọng vẫn tiếp diễn tại Cộng hòa Trung Phi - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Bạo lực nghiêm trọng vẫn tiếp diễn tại Cộng hòa Trung Phi - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Đồng thời, LHQ cũng cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Cộng hòa Trung Phi.

Nhiều bất ổn ở một quốc gia

Cộng hòa Trung Phi từng là thuộc địa của Pháp và là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Đất nước này đã luôn ở trong tình trạng bất ổn với nhiều cuộc đảo chính, binh biến và chia rẽ sắc tộc sâu sắc kể từ khi giành độc lập năm 1960.

Trong vòng 30 năm đầu thành lập, Cộng hòa Trung Phi được điều hành chủ yếu bởi các Chính phủ quân sự. Từ năm 1993, Chính phủ dân sự được thành lập, song chỉ tồn tại trong vòng 10 năm. 

Tháng 3-2003, Tổng thống Cộng hòa Trung Phi khi đó là ông Ange-Felix Patasse bị tướng Francois Bozize lật đổ trong một cuộc đảo chính. Hai năm sau đó, ông Bozize tổ chức tổng tuyển cử và giành chiến thắng. Năm 2011, ông Bozize tái đắc cử, song chiến thắng này bị phe đối lập cáo buộc là gian lận. Kể từ đó, ông Bozize không thể nắm quyền điều hành toàn quốc gia. 

Cộng hòa Trung Phi bắt đầu rơi vào vòng xoáy bất ổn, từ khi liên minh nổi dậy Seleka gồm 5 nhóm phiến quân chủ yếu là người Hồi giáo xuất hiện. Từ tháng 12-2012, lực lượng phiến quân Seleka đã phát động các cuộc tấn công ở miền Bắc Cộng hòa Trung Phi và đã chiếm được một số thành phố, thị trấn. 

Tháng 1-2013, Tổng thống Bozize và phiến quân Seleka đi đến một thỏa thuận hòa bình để hình thành chính phủ liên minh do ông Bozize đứng đầu và sẽ tại nhiệm đến năm 2016. Cũng theo thỏa thuận hòa bình, chính phủ phải thả các tù nhân chính trị, cấp tiền và tạo việc làm cho các tay súng, đồng thời cho phép các tay súng gia nhập quân đội, rút các binh sĩ Nam Phi và Uganda khỏi Cộng hòa Trung Phi. 

Bạo lực nghiêm trọng vẫn tiếp diễn tại Cộng hòa Trung Phi - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Bạo lực nghiêm trọng vẫn tiếp diễn tại Cộng hòa Trung Phi - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Tuy nhiên, sau đó, phiến quân Seleka vẫn gia tăng các hoạt động thù địch nhằm lật đổ Tổng thống Bozize với lý do cho rằng nhà lãnh đạo này phá vỡ thỏa thuận hòa bình vừa ký kết. Cộng hòa Trung Phi lại tiếp tục rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng kể từ tháng 3-2013, sau cuộc đảo chính của lực lượng nổi dậy Seleka lật đổ cựu Tổng thống Francois Bozize.

Sau đó, ông Michel Djotodia đã được đưa lên làm tổng thống của chính phủ đảo chính. Ông cũng trở thành vị lãnh đạo người Hồi giáo đầu tiên của đất nước Trung Phi, vốn có đa số dân theo đạo Thiên chúa giáo. Sự kiện này đã làm bùng phát các cuộc xung đột đẫm máu trong nhiều tháng giữa các chiến binh Hồi giáo và Thiên chúa giáo. 

Cũng kể từ sau cuộc đảo chính trên, đất nước Cộng hòa Trung Phi đã rơi vào cuộc xung đột giáo phái trầm trọng. Liên minh phiến quân Hồi giáo trước đây của ông Djotodia, còn được gọi là Seleka, hiện đã chính thức bị giải tán. Nhưng cho dù đã chính thức giải tán song phần lớn các tay súng của liên minh này vẫn còn hoạt động và bị cáo buộc có các hành động bạo lực chống lại những người Thiên chúa giáo. Vì thế, những tay súng vũ trang người Thiên chúa giáo cũng đã vùng lên để đáp trả. 

Do không thể kiềm chế làn sóng tàn sát và cướp bóc do các tay súng Seleka cũ tiến hành nhằm vào người Thiên chúa giáo nên ông Djotodia đã phải từ chức vào tháng 1-2014. Hội đồng chuyển tiếp dân tộc đã bầu bà Catherine Samba-Panza, Thị trưởng Bangui, làm Tổng thống lâm thời. 

Tình trạng nội chiến đẫm máu ở Trung Phi cũng đã khiến cộng đồng quốc tế phải can thiệp. LHQ đã phải gửi các lực lượng gìn giữ hòa bình nhằm hỗ trợ Cộng hòa Trung Phi. Tuy nhiên, bạo lực nghiêm trọng vẫn tiếp diễn tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới này.

Mịt mờ lối thoát

Sau một thời gian dài khủng hoảng thì đến tháng 2-2016, Cộng hòa Trung Phi đã chọn được ông Faustin-Archange Touadera, Giáo sư Toán học, từng là Thủ tướng dưới thời Tổng thống Francois Bozize từ năm 2008-2013, làm tổng thống của nước này.

Khi đó, Tổng thống Touadera đã cam kết tập trung xây dựng một nước Cộng hòa Trung Phi hòa bình và đoàn kết, chấm dứt tình trạng xung đột sắc tộc và tiến hành cải tổ lực lượng vũ trang đồng thời thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp, hướng tới phát triển toàn diện đất nước.

Có khoảng 800.000 người dân Cộng hòa Trung Phi đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn
Có khoảng 800.000 người dân Cộng hòa Trung Phi đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn 

Mặc dù vậy, thực tế thì những vụ bạo lực vẫn diễn ra đe dọa hòa bình ở Cộng hòa Trung Phi. Liên tiếp trong những tuần gần đây, bạo lực đã tái diễn tại Alindao, Bangassou, Mobaye và Bria (miền Trung) và ở phía Đông thủ đô Bangui đã làm 300 người thiệt mạng và 200 người bị thương, trong số có cả phụ nữ và trẻ em. Bạo lực cũng khiến thêm 100.000 người bị mất nhà cửa. 

Bạo lực vừa qua tại Cộng hòa Trung Phi đã khiến LHQ ngày 28-5-2017 phải lên án, đồng thời cảnh báo khả năng tái diễn tình trạng căng thẳng tôn giáo và sắc tộc tại quốc gia này. Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi Najat Rochdi bày tỏ sự quan ngại trước sự tái diễn bạo lực và vi phạm nhân quyền trong những ngày qua tại quốc gia châu Phi này.

Bà Rochdi kêu gọi các bên dừng ngay lập tức những hành động trên và tham gia tiến trình đối thoại vì hòa bình. Quan chức Liên hợp quốc này cũng bày tỏ tin tưởng các vụ tấn công mang tính chất tôn giáo hay sắc tộc sẽ không còn chỗ tại Cộng hòa Trung Phi, nơi các bên đang tìm cách hàn gắn vết thương của quá khứ.

Không chỉ dừng lại ở các vụ bạo lực phe phái, mà các nhân viên nhân đạo cũng là mục tiêu của các vụ tấn công trong khi đang thực thi nhiệm vụ. Theo LHQ, 6 nhân viên nhân đạo đã bị thiệt mạng trong năm 2016. Còn trong tháng 5-2017, 6 binh sỹ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi cũng đã bị thiệt mạng.

Đây được xem là vụ tấn công nguy hiểm nhất nhắm mục tiêu vào lực lượng “mũ nồi xanh” của Phái bộ LHQ tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) kể từ khi phái bộ này được thành lập vào năm 2014 để giúp ổn định quốc gia Trung Phi này. Hiện nay MINUSCA đang triển khai khoảng 10.000 binh sỹ quân đội và 2.000 nhân viên cảnh sát tại Cộng hòa Trung Phi. 

Có khoảng 800.000 người dân Cộng hòa Trung Phi đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn
Có khoảng 800.000 người dân Cộng hòa Trung Phi đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn 

Còn theo số liệu thống kê của các tổ chức nhân đạo LHQ, kể từ cuộc khủng hoảng năm 2013, đến nay đã có hàng nghìn người thiệt mạng, khoảng 10 nghìn người khác bị thương và 800.000 người dân quốc gia châu Phi này phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn nhằm tránh tình trạng bạo lực đẫm máu liên tiếp xảy ra. 

Trước thực trạng trên, các nhà phân tích cho rằng, tình hình bất ổn kéo dài tại Cộng hòa Trung Phi do hoạt động của các nhóm vũ trang hiện vẫn tiếp tục đặt ra mối đe dọa với an ninh và hòa bình tại khu vực châu Phi./.