Cuba đặt quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội

(PLO) - Dự thảo hiến pháp mới của Cuba được Quốc hội nước này đưa ra thảo luận vào cuối tuần qua nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đồng thời đặt ra mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel
Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel

Theo Reurs, Quốc hội Cuba cuối tuần qua đã tiến hành thảo luận về dự thảo văn bản thay thế bản hiến pháp từ thời Liên Xô. Bản dự thảo bao gồm những điều khoản sửa đổi phản ánh những thay đổi về chính trị, xã hội và kinh tế ở Cuba, nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội bền vững ở nước này. Sau khi được Quốc hội Cuba thông qua, dự thảo hiến pháp sẽ được đưa ra để lấy ý kiến tham vấn rộng rãi trước khi được đưa ra trưng cầu ý dân. 

Bản dự thảo hiến pháp mới của Cuba bỏ điều khoản trong bản hiến pháp năm 1976 về mục tiêu cuối cùng là xây dựng “xã hội cộng sản”, thay vào đó đặt mục tiêu tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội. “Sự thay đổi này không có nghĩa là chúng tôi từ bỏ lý tưởng của mình”, Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo tuyên bố. Theo ông Lazo, Cuba đơn giản đã chuyển một kỷ nguyên khác sau sự sụp đổ của Liên Xô. “Chúng tôi tin vào một đất nước xã hội chủ nghĩa, có chủ quyền quốc gia, độc lập, thịnh vượng và bền vững”, ông nói.

Trong phát biểu phác thảo hiến pháp mới của Cuba, Thư ký Hội đồng nhà nước Homero Acosta cho biết, dự thảo hiến pháp công nhận tài sản cá nhân, công nhận rộng rãi hơn về mặt pháp lý đối với các doanh nghiệp tư nhân vốn đã phát triển mạnh mẽ ở nước này sau những cải cách thị trường được áp dụng trong thời gian qua, đồng thời bao gồm những quy định nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Hiến pháp hiện tại của Cuba chỉ công nhận tài sản nhà nước, hợp tác xã, nông dân, cá nhân và liên doanh. 

Dự thảo cũng bao gồm các điều khoản nhằm củng cố các thể chế chính trị và thiết lập cấu trúc lãnh đạo tập thể hơn tại Cuba. Theo dự thảo, chủ tịch sẽ không còn là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng. Thay vào đó, văn bản này bao gồm các quy định về chức danh mới là Thủ tướng, đồng thời cũng quy định Chủ tịch Quốc hội là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước, cơ quan điều hành cao nhất của Cuba. Dự thảo cũng bao gồm các quy định về giới hạn độ tuổi và nhiệm kỳ của chủ tịch, theo đó nêu rõ chủ tịch phải dưới 60 tuổi khi lần đầu nhậm chức và có thể đảm nhiệm tối đa là 2 nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp. 

Trước đó, trước khi bước vào thảo luận dự thảo hiến pháp mới, trong ngày 21/7, Quốc hội Cuba đã thông qua bản đề xuất thành viên Hội đồng Bộ trưởng mới do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel đề xuất. Theo Tân Hoa xã, Hội đồng Bộ trưởng mới của Cuba đã được Quốc hội nước này thông qua bao gồm 34 thành viên, trong đó có 9 thành viên mới. Trong số Bộ trưởng mới của Hội đồng Bộ trưởng Cuba có Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm Iris Quinones Rojas, Bộ trưởng Bộ thương mại nội địa Betsy Diaz Velazquez, Bộ trưởng kinh tế và kinh tế và kế hoạch, Bộ trưởng Bộ y tế công Jose Angel Portal Miranda, Bộ trưởng năng lượng và khai thác mỏ Raul Garcia Barreiro. 

Ông Jorge Luis Perdomo Di-Lella cũng được thăng chức từ Thứ trưởng lên thành Bộ trưởng thông tin và truyền thông Cuba còn ông Alpidio Alonso Grau, 55 tuổi, trở thành người lãnh đạo Bộ văn hóa thay nhà văn Abel Prieto đã tại nhiệm 2 nhiệm kỳ. Chức vụ Bộ trưởng tư pháp mới của Cuba là ông Oscar Manuel Silveira Martinez – cựu Phó Chánh án Tòa án tối cao nước này. Ông Antonio Rodriguez Rodriguez được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện thủy lợi quốc gia Cuba. 

Các vị trí được giữ nguyên trong nội các mới của Cuba bao gồm Phó Chủ tịch thứ nhất Salvador Valdés Mesa, 3 Phó Chủ tịch Ramiro Valdes, Ricardo Cabrisas Ruiz và Ulises Rosales del Toro. 2 Phó chủ tịch mới của Hội đồng Bộ trưởng Cuba là cựu Viện trưởng Viện thủy lợi quốc gia Cuba Ines Maria Chapman và ông Roberto Morales Ojeda, trước đây là Bộ trưởng Bộ Y tế.