Cuộc đời đơn độc của danh họa Van Gogh

(PLO) - Ngày nay, nói đến Van Gogh, hầu như ai cũng biết ông là một trong những danh họa vĩ đại nhất của Hà Lan, là tác giả của nhiều bức tranh thuộc nhóm đắt giá nhất thế giới. Tuy nhiên, danh tiếng chỉ đến với Van Gogh sau khi ông đã qua đời. 
Bức họa “Cánh đồng lúa mì quạ bay” – một trong những tác phẩm cuối cùng của van Gogh
Bức họa “Cánh đồng lúa mì quạ bay” – một trong những tác phẩm cuối cùng của van Gogh

Van Gogh có tên đầy đủ là Vincent Willem Van Gogh. Ông là con trai thứ 2 nhưng là người con đầu tiên sống sót của một cặp vợ chồng thuộc tầng lớp trung lưu người Hà Lan.

Biến cố đầu tiên

Van Gogh chào đời đúng 1 năm sau khi người anh của ông qua đời khi chưa kịp chào đời. Vì tiếc thương con nên cha mẹ ông đã dùng tên lẽ ra dùng để đặt cho con đầu để đặt cho Van Gogh. Ngoài người anh này, Van Gogh còn có 5 người em, trong đó có người em trai tên Theo – người về sau sẽ có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời của ông. 

Cảm hứng nghệ thuật, đặc biệt là sở thích vẽ của van Gogh chính là được thừa hưởng từ bà Anna Cornelia Carbentus – một nghệ sỹ đầy tình yêu với thiên nhiên. Khi Van Gogh còn nhỏ, gia đình ông thường dẫn nhau tới thăm thú những vùng quê ở gần nhà để tạo cảm hứng nghệ thuật cho mẹ ông. Điều này cũng giúp nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên dạt dào của người nghệ sỹ trong tương lai. 

Biến cố đến với Van Gogh xảy ra vào năm ông 15 tuổi. Khi đó, kinh tế gia đình sa sút khiến ông phải nghỉ học để đi tìm việc làm. Nhờ thông thạo cả tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Hà Lan, ông nhận vào làm nhân viên bán hàng ở Nhà trưng bày Groupil ở London. Tại đây, tình yêu nghệ thuật trong van Gogh càng trở nên mạnh mẽ hơn. Khi thấy anh trai có niềm đam mê như vậy, Theo đã khuyên anh trở thành một họa sỹ và đứng ra chu cấp toàn bộ về mặt tài chính để anh trai toàn tâm cống hiến cho nghệ thuật.

Những cuộc tình đau đớn

Có thể nói, van Gogh là người bất hạnh trong tình cảm và việc này đã đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành nên lối sống của ông. Khi ở Anh, Van Gogh nảy sinh tình cảm với con gái của người chủ nhà tên Eugenie Loyer nhưng không được đáp lại. Khi bị người trong mộng từ chối lời cầu hôn, Van Gogh đã thực sự suy sụp. Ông giận dữ với tất cả những người mà mình làm việc cùng, thậm chí còn đuổi cả khách hàng. Chính vì vậy nên Van Gogh đã sớm bị sa thải. Một thời gian sau đó, Van Gogh nảy sinh tình cảm với một người em họ vừa góa chồng tên Kee Vos-Stricker nhưng vẫn bị từ chối. 

Một điểm đáng chú ý khác là tuy được nuôi nấng trong một gia đình trung lưu nhưng Van Gogh lại chỉ chú ý và thương cảm những phụ nữ bất hạnh trong xã hội như những người làm gái mại dâm. Đó cũng chính là nhóm phụ nữ mà danh họa muốn vẽ, phác thảo. “Anh không thể chống cự lại được tình cảm, đặc biệt là tình yêu và sự cảm thông dành cho những phụ nữ vốn bị những giáo sỹ khinh miệt và người đời đối xử khắt khe, thậm chí lên án”, Van Gogh viết trong một bức thư gửi cho em trai. 

Năm 1882, khi đang ở The Hague, Van Gogh đem lòng yêu một gái mại dâm nghiện rượu tên Clasina Maria Hoornik. Hoornik trở thành bạn đồng hành, tình nhân và cũng là người mẫu cho Van Gogh dù tại thời điểm này, cô ta đã có 1 đứa con gái riêng 5 tuổi và đang mang bầu. Tình cảm của họ bị gia đình Van Gogh kịch liệt phản đối. Họ thậm chí dọa sẽ cắt đứt quan hệ cũng như chu cấp tiền bạc cho Van Gogh nếu ông không rời bỏ Hoornik. Tuy nhiên, Van Gogh bất chấp tất cả để tiếp tục ở lại bên người tình, thậm chí thuê nhà để sống cùng cô ta và con riêng. Nhưng rồi việc Hoornik quyết định quay trở lại con đường bán thân đã khiến Van Gogh bị sốc nặng. Vài tháng sau, ông tự quyết định rời khỏi Hoornik và cả The Hague. 

Sau lần đó, Van Gogh còn có mối quan hệ kéo dài 1 năm với một chủ khách sạn người Italia tên Agostina Segatori. Song, chuyện tình cảm này cũng không thuận lợi do vấp phải những cản trở từ bạn bè của bà Segatori. Sau quá nhiều mối tình thất bại như vậy, Van Gogh cuối cùng quyết định chấp nhận số phận. Kể từ năm 1888, ông không còn yêu thêm bất cứ ai. Thay vào đó, ông tìm tới gái mại dâm để thỏa mãn nhu cầu của bản thân và dành toàn bộ tình yêu thương cho nghệ thuật, thiên nhiên và người em trai Theo. 

Danh vọng đến muộn

Đến khi không còn phản đối chuyện tình cảm của con trai, cha mẹ Van Gogh vẫn không ủng hộ việc ông nuôi mộng trở thành một nghệ sỹ. Giáng sinh năm 1881, sau một trận cãi vã kịch liệt với cha mẹ, ông quyết định bỏ nhà tới một ngôi làng nhỏ và dành toàn bộ thời gian cho việc vẽ vời. Cảnh vật làng quê, cuộc sống lao động của người dân ở làng được Van Gogh đưa trọn vẹn vào những tác phẩm của ông khi đó. Đến đầu năm 1884, Van Gogh bắt đầu đề nghị với người em trai Theo rằng ông sẽ chuyển cho em trai những tác phẩm do ông sáng tác để đổi lại số tiền mà Theo đã chu cấp cho ông.  

Theo ý tưởng của Van Gogh, ông sẽ gửi tranh để Theo bán ở chợ nghệ thuật tại Paris. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là gu thẩm mỹ mà người Paris lúc bấy giờ ưa chuộng những tác phẩm thuộc trường phái ấn tượng, đối lập với các tác phẩm của Van Gogh. Chính vì thế nên những bức tranh mà Van Gogh gửi về đều không bán được. Trong bối cảnh như vậy, Van Gogh phải sống vô cùng tằn tiện để có thể duy trì được niềm đam mê với nghệ thuật. 

Cùng thời gian này, Van Gogh có những dấu hiệu xấu về sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Ông sống khép kín, thu mình đến đáng sợ. Khi thấy anh trai ăn sơn và nhựa thông, em trai ông đã rất lo lắng và bỏ tiền để thuê một nghệ sỹ tên Paul Gauguin đến sống cùng để vừa hỗ trợ trong công việc, vừa theo dõi những biểu hiện bất thường của anh trai. Song, kết quả của việc này lại không như Theo mong muốn. Buổi tối vài ngày trước Giáng sinh năm 1888, sau một trận cãi vã kịch liệt với Paul Gauguin, Van Gogh xuất hiện tại nhà một gái bán dâm mà ông đang qua lại và đưa cho cô một tấm vải đẫm máu kèm đề nghị “giữ vật này cẩn thận”. Bên trong tấm vải là mẩu tai trái của ông.

Sau đó, van Gogh về nhà đi ngủ dù bị mất máu nhiều đến suýt chết. Đến sáng hôm sau, khi cô gái mại dâm báo tin, cảnh sát mới có mặt tại nhà Van Gogh. Lúc này, ông đã lâm vào tình trạng hôn mê do mất máu quá nhiều. Các thông tin cho đến nay đều cho rằng Van Gogh đã tự dùng dao lam cắt tai mình. Song, một số sử gia gần đây dẫn các bằng chứng cho rằng thực chất van Gogh đã bị Gauguin cắt tai sau khi 2 người cãi vã nhưng ông quyết định tự nhận tự hành hung bản thân để bảo vệ bạn.

Sau khi Van Gogh xuất viện gần chục ngày sau đó, Gauguin đã bỏ đi. Vì thế nên người nghệ sỹ lại một lần nữa rơi vào tình trạng cô đơn và trầm cảm. Một thời gian sau, ông tự nguyện vào bệnh viện tâm thần Saint-Paul-de-Mausole ở Saint-Rémy-de-Provence sau khi bị những người dân sống gần nhà đồng loạt viết đơn kiến nghị tố là kẻ nguy hiểm với xã hội. 

Tháng 11/1889, vợ Theo sinh con trai và cũng đặt tên là Van Gogh. Cùng thời điểm, họ bán được bức tranh “Vườn nho đỏ” của van Gogh. Đây cũng là bức tranh duy nhất của Van Gogh được bán khi ông còn sống. Ngày 27/7/1890, Van Gogh được phát hiện đang nằm trong phòng với một viên đạn găm trong ngực. Ông được đưa tới bệnh viện ở gần đó nhưng không qua khỏi.

Theo cảnh sát, Van Gogh đã tự sát bằng súng. Lúc này, ông 37 tuổi. Nguyên nhân của tấn bi kịch được cho là do Theo đã đến thăm và tuyên bố sẽ thắt chặt tài chính với Van Gogh. Việc này đã khiến Van Gogh rất buồn. Ông diễn giải tuyên bố của em trai là Theo không còn thương và không muốn giúp ông bán tranh nữa. Vài tháng sau đó, vì thương tiếc anh trai cộng thêm bệnh giang mai, Theo cũng qua đời. 

Trong suốt cuộc đời mình, Van Gogh đã hoàn thiện hơn 2.100 bức tranh nhưng phần nhiều trong số đó đã bị mất hoặc bị vứt đi. Chính mẹ của Van Gogh cũng đã vứt đi nhiều túi tranh của con trai. Trong số tranh của van Gogh còn sót lại, có những tác phẩm về sau được xếp vào nhóm những bức họa đắt nhất thế giới như bức Hoa diễn vĩ được bán với giá 53,9 triệu USD, Chân dung bác sỹ Gachet có giá 82,5 triệu USD. 

Tuy nhiên, nghịch lý là khi Van Gogh còn sống, không một ai biết đến ông. Phải đến ngày 17/3/1901, khi 71 bức tranh của van Gogh được đưa ra triển lãm ở Paris, người ta mới bắt đầu biết đến và hâm mộ ông.../.

Đọc thêm