Cuộc săn lùng thủ lĩnh “thánh chiến” trên mạng

(PLO) - Junaid Hussain, tin tặc trẻ người Anh, nhanh chóng trở thành thủ lĩnh khủng bố nguy hiểm nhất IS trong mắt cơ quan an ninh Mỹ vì khả năng tác động khổng lồ trên mạng.
 Juanid Hussan
Juanid Hussan

Từ game thủ đến thủ lĩnh khủng bố

Junaid Hussain vốn muốn trở thành một rapper. Nhưng cuối cùng, đứa trẻ gốc Pakistan ở Birmingham, Anh, lại chọn sống cuộc đời trên Internet và sống với tốc độ của Internet. 

Chỉ trong vòng một thập niên, từ năm 11-21 tuổi, Hussain từ một game thủ đã trở thành tin tặc rồi leo lên vị trí thủ lĩnh quan trọng bậc nhất của khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Hussain từng khẳng định mình không thể bị bắt trong một bài phỏng vấn năm 2012: “100 % họ không có manh mối gì về tôi. Tôi không tồn tại đối với họ. Tôi không bao giờ sử dụng thông tin thật trên mạng. Tôi chưa bao giờ mua gì trên mạng. Danh tính thật của tôi không tồn tại trên không gian ảo. Và tôi không sợ bị bắt”.

Chỉ trong vòng 3 năm sau, ở tuổi 21, Hussain nằm trong danh sách những tội phạm bị quân đội Mỹ săn lùng ráo riết nhất. Hussain là mối đe dọa trên không gian ảo mà giới an ninh Mỹ từ lâu lo sợ: tên khủng bố bậc thầy về công nghệ, có khả năng sử dụng những công cụ của kỷ nguyên kỹ thuật số để mở rộng mạng lưới khủng bố vượt qua những ngăn cách về địa lý. 

Trong bài phỏng vấn trên Telegraph năm 2012, Hussain – khi đó nổi tiếng trên cộng đồng tin tặc với tên gọi TriCk – khoe bắt đầu tấn công các trang mạng từ năm 11 tuổi, sau khi bị một tin tặc khác “đánh” rớt mạng khi đang chơi game online. 

Hai năm sau, tin tặc tuổi teen cảm thấy trò chơi điện tử quá trẻ con và bắt đầu tìm kiếm những thử thách mới cho mình. Đến năm 15 tuổi, Hussain rẽ sang con đường “chính trị”, chìm vào thế giới của những xung đột ở Kashmir và Pakistan, xem hết video này đến video khác về các nạn nhân của các vụ xung đột…

Hussain cùng 7 người bạn lập một nhóm tin tặc với tên gọi “TeaMpoisonN” – Đội chất độc. Nhóm trở nên nổi tiếng từ năm 2011 với thương hiệu hoạt động chính trị đặc trưng như: thay đổi giao diện các trang mạng thường với những thông điệp ủng hộ Palestine; xâm nhập hộp thư của trợ lý cựu thủ tướng Tony Blair và tung danh bạ của cựu lãnh đạo chính phủ Anh lên mạng.

Trong bài phỏng vấn tháng 4/2012 với Telegraph, Hussain – khi đó chỉ được biết đến bằng mật danh TriCk – tuyên bố: “Tôi không sợ chính quyền hay bất kỳ ai. Cuộc đời tôi là dành để cống hiến cho lý tưởng của mình”.

Tuy nhiên, chỉ 5 tháng sau bài báo trên, Hussain bị cảnh sát Anh bắt giữ và lãnh 6 tháng tù vì vụ tấn công mạng nhắm vào cựu thủ tướng Blair. TeaMpoisoN tan rã, còn sự giận dữ của Hussain đối với xã hội và chính quyền phương Tây càng sâu thêm. 

Sau khi được thả tự do, Hussain lên đường sang Syria, cưới một công dân Anh khác ủng hộ Hồi giáo cực đoan là Sarah Jones và đứng vào hàng ngũ của IS.

Juanid Hussain trở thành Abu Hussain al-Britani. Tài khoản trên mạng xã hội Twitter dùng ảnh đại diện trong trang phục chiến binh thánh chiến, trùm mặt nạ che nửa mặt, cầm khẩu AK-47 nhắm thẳng vào ống kính máy ghi hình.

Tin tặc trẻ tuổi dùng hết mọi kiến thức của mình về văn hóa mạng và kỹ thuật số để xây dựng các công cụ tuyên truyền và tuyển mộ cho IS, mạng lưới từng được nhà báo phương Tây mô tả là “phiên bản kinh dị của hẹn hò trên mạng”.

Hussain nhanh chóng khẳng định tên tuổi là thủ lĩnh cuộc chiến tuyên truyền của “Nhà nước Hồi giáo” trên thế giới ảo, thu hút những người trẻ tuổi có lòng thù hằn và bất mãn như y tham gia vào chiến trường khủng bố toàn cầu. Cốt lõi những lời kêu gọi của Hussain không mới, nhưng hắn và các cộng sự của IS đã thực hiện thành công chiến thuật ở một cấp độ giới an ninh Mỹ chưa từng thấy. 

Những điều này biến Hussain thành kiểu khủng bố nguy hiểm nhất nước Mỹ từng đối mặt – thủ lĩnh của thế giới thánh chiến trên mạng.

Chiến thuật kích động bằng mạng xã hội

Hussain nắm trong tay hàng chục nhân sự hỗ trợ tuyển bộ chiến binh thánh chiến trên mạng. Hắn cùng các cộng sự tự nhận là lãnh đạo của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo trên mạng” vào giữa năm 2014, vận dụng một số chiến thuật của nhóm TeaMpoisoN cho IS. 

Hussain duy trì liên lạc với hàng chục người ủng hộ IS thông qua tài khoản trên Twitter. Những thông điệp trên mạng xã hội của hắn châm ngòi một loạt vụ tấn công và âm mưu khủng bố trong năm 2015 trên đất Mỹ, đẩy FBI vào tình trạng quá tải trong cuộc săn lùng IS ngay trên sân nhà.

Giới tình báo Mỹ thường nói về mối đe dọa khủng bố với khái niệm “từ cháy đến nổ”, chỉ thời gian từ khi các nghi phạm được cực đoan hóa dẫn đến ý muốn tấn công, đến khi vụ tấn công xảy ra. Với chiến thuật kích động bằng mạng xã hội, IS biến khủng bố nội địa thành cuộc khủng hoảng toàn nước Mỹ với những hệ quả vượt ngoài mọi khả năng dự báo.

Cơ quan an ninh không thể xác định được khu vực địa lý cần tập trung. Thậm chí các thành phần bị cực đoan hóa chưa chắc đã là người mộ đạo Hồi giáo.

Có thời điểm, gần 35 văn phòng công tố quận đồng loạt theo đuổi các vụ tình nghi khủng bố. Một nửa số nghi phạm dưới 25 tuổi và 1/3 trong số đó dưới 21 tuổi. IS nhắm đến con cái của người dân Mỹ. Nhiều vụ có nghi phạm còn là trẻ em, buộc Bộ Tư pháp Mỹ ra các chỉ đạo đặc biệt về đối phó với khủng bố dưới vị thành niên – một điều chưa từng xảy ra kể từ khi cuộc chiến chống khủng bố bắt đầu.

Làn sóng khủng bố nội địa khiến các cơ quan an ninh choáng váng. FBI và Bộ Tư pháp Mỹ không có đủ nguồn lực để đối phó với những âm mưu khủng bố được kích động và hoạch định trên mạng xã hội.

Theo nghiên cứu của đại học George Washington, từ năm 2014 đến đầu năm 2017, có tổng cộng 117 nghi phạm liên quan đến IS bị bắt giữ tại Mỹ. Hơn 1/2 số này được cơ quan chức năng ngăn chặn vào năm 2015.

Lực lượng chấp pháp tại Mỹ buộc phải yêu cầu Lầu Năm Góc vào cuộc, tập trung vào chiến dịch săn lùng Hussain và phá hủy mạng lưới tuyển mộ của hắn. 

Mùa hè năm 2015 đánh dấu vụ án khủng bố đáng báo động nhất mà các cơ quan an ninh Mỹ từng gặp: sự kết hợp nguy hiểm giữa tội phạm mạng và khủng bố hé lộ gương mặt mới của cuộc chiến khủng bố toàn cầu.

Tháng 8/2015, Hussain đăng tải hàng loạt dòng trạng thái trên Twitter, tuyên bố các chiến binh của IS sẽ tấn công vào yết hầu nước Mỹ ngay trên đất Mỹ. Hắn đăng kèm một danh sách gồm 30 trang khẳng định bộ phận tin tặc của IS đã xâm nhập vào chính phủ và quân đội Mỹ.

Trong tài liệu mà Hussain phát tán là tên tuổi cùng địa chỉ của 1.315 quân nhân Mỹ và nhân viên chính phủ, cùng 3 trang tên tuổi và địa chỉ của các nhân viên liên bang. Hắn còn tiết lộ nhiều đoạn hội thoại trên Facebook của các quân nhân Mỹ.

Những tuyên bố của nhân vật quyền lực số 3 IS khiến chính phủ báo động, mở chiến dịch truy tìm nguồn thông tin bị rò rỉ và bảo vệ tính mạng của những quân nhân cùng nhân viên chính phủ lộ mặt. Quá trình điều tra sau đó phát hiện một âm mưu khủng bố mang tính chất toàn cầu mà Hussain đạo diễn.

Manh mối đầu tiên xuất hiện khoảng một tuần sau tuyên bố của Hussain, khi một trang mạng bán lẻ của Mỹ ở Illinois nhận thư điện tử nặc danh. Người viết tự nhận là “tin tặc Albania” cảnh báo quản trị viên trang mạng không được xóa các mã độc mà hắn đã cài vào server hoặc sẽ công khai tài khoản toàn bộ khách hàng. Tin tặc này sau đó đòi khoản tiền chuộc 500 USD.

Sau khi được doanh nghiệp trình báo về vụ việc, FBI cho truy lùng và định vị hộp thư của tin tặc có nguồn gốc từ Malaysia. 

Chân dung thủ phạm dần lộ diện là Ardit Ferizi, gốc Albania, sinh tại Kosovo. Đầu năm 2015, Ferizi đến Malaysia nghiên cứu khoa học máy tính tại Đại học Limkokwing, nhưng thực chất là muốn lợi dụng mạng lưới Internet băng thông rộng của nước sở tại cho các vụ tấn công mạng. Ferizi bắt đầu hỗ trợ IS và liên lạc với Hussain. 

Đến tháng 6, Ferizi xâm nhập vào máy chủ của công ty bán hàng trên mạng, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của hơn 100.000 khách hàng, lọc ra những địa chỉ email có đuôi .gov (nhân viên liên bang Mỹ) và .mil (quân đội Mỹ), lập ra danh sách 1.351 nhân sự chính phủ rồi gửi cho IS. Đây chính là nền tảng cho danh sách tử thần mà Hussain tung lên mạng vào tháng 8. 

Từ âm mưu tấn công mạng và tống tiền, Hussain đã đạo diễn thành chiến dịch khủng bố và ám sát công dân Mỹ.

Đến tháng 9/2015, cảnh sát Malaysia bắt giữ thành công Ferizi và tịch thu các công cụ của hắn dùng trong vụ tấn công mạng. Tại tòa án Mỹ, tin tặc này nhận mức án 20 năm tù giam.

Juanid Hussan cũng đối diện công lý sau khi Lầu Năm Góc chính thức vào cuộc và chỉ vài tuần trước khi cảnh sát Mỹ và Malaysia bắt giữ Ferezi. 

Sau khi phát hiện Hussain rời một tiệm Internet ở Syria một mình vào ngày 24/8/2015, Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ duyệt lệnh cho máy bay không người lái phóng tên lửa Hellfire vào xe ôtô của tin tặc này khi hắn dừng tại trạm xăng ở Raqqa.

Lầu Năm Góc xác nhận vụ nổ giết chết Hussain ngay tại hiện trường.