Cuộc sống cực hình trên tàu ngầm Mỹ trong Thế chiến II

Các thủy thủ tàu ngầm Mỹ trong Thế chiến II phải chịu đựng cuộc sống chật chội, ngột ngạt và bốc mùi trong những chiếc quan tài sắt di động trên biển.
14 thủy thủ ngủ chung với 16 quả ngư lôi bên trong khoang vũ khí phía trước tàu. Ảnh: Maritime
14 thủy thủ ngủ chung với 16 quả ngư lôi bên trong khoang vũ khí phía trước tàu. Ảnh: Maritime

Hải quân Mỹ được đánh giá là lực lượng hàng đầu thế giới, không chỉ về trang thiết bị vũ khí hiện đại mà còn về sự tiện nghi dành cho các thủy thủ. Tuy vậy, cuộc sống của thủy thủ trên tàu không hề dễ dàng trong thời Thế chiến II. Các tàu ngầm hiện đại nhất của Mỹ lúc đó như lớp Balao hay lớp Gato ngắn hơn khoảng 18 m so với các tàu ngầm hiện đại.

Chật chội và bốc mùi

Các tàu ngầm Mỹ hoạt động trong Thế chiến II có lượng choán nước chỉ bằng một phần ba so với tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia. Trong không gian chật hẹp như vậy, khoảng 60-80 thủy thủ cùng hàng loạt các thiết bị lưu trữ khác phải vật lộn với mỗi đợt triển khai kéo dài khoảng 60 ngày.

Mỗi thủy thủ chỉ có khoảng không gian nhỏ hẹp dành cho cá nhân trên tàu ngầm. Họ có những chiếc giường trong nhiều khoang khác nhau của tàu, kể cả phòng ngư lôi. 14 người đàn ông chia sẻ không gian cùng với 16 quả ngư lôi.

Do kích thước hạn chế, tàu ngầm thường không phù hợp với các tiêu chuẩn cần thiết cho nhiệm vụ tuần tra chiến đấu dài ngày. Do đó, để thích nghi, thủy thủ đoàn cất hộp đựng thức ăn và các vật dụng khác bất kỳ nơi đâu họ cảm thấy phù hợp. Từ phòng tắm, phòng máy, sàn tàu hay bất kỳ nơi nào còn trống để lưu trữ thực phẩm.

Làm nhiệm vụ trên tàu ngầm là công việc nặng nhọc và nguy hiểm, do đó Hải quân Mỹ luôn làm hết sức mình để cung cấp thực phẩm tốt nhất cho các thủy thủ. Mỗi tàu ngầm đều dành một không gian nhỏ để lắp tủ kem phục vụ cho thủy thủ đoàn.

Tuy vậy, các thủy thủ không có nhiều thời gian để thưởng thức các món ăn ngon trên tàu. Mỗi thủy thủ chỉ có khoảng 10 phút để ăn và họ phải đi qua khu vực bếp chật hẹp trong thời gian ngắn. Mọi sinh hoạt trên tàu cũng bị đảo lộn để phù hợp với quy định mới.

Tàu ngầm Mỹ trình diễn kỹ năng nổi khẩn cấp: Hệ thống nổi khẩn cấp cho phép tàu ngầm trồi lên mặt nước một cách nhanh chóng trong các tình huống khẩn cấp.

Trong những năm Thế chiến II, do tính chất ác liệt của cuộc chiến, các tàu ngầm không được phép nổi lên vào ban ngày khi ở trong bán kính 800 km tính từ tàu sân bay Nhật Bản, để tránh bị phát hiện và tấn công từ trên không.

Suốt những năm đầu trên mặt trận Thái Bình Dương, Hải quân Đế quốc Nhật Bản kiểm soát gần như toàn bộ Thái Bình Dương. Các tàu ngầm Mỹ buộc phải lặn vào ban ngày và nổi lên vào ban đêm. Thủy thủ đoàn cũng phải thay đổi thói quen sinh hoạt thường ngày vào ban đêm.

Tuy vậy, khi tàu nổi lên, cuộc sống của thủy thủ đoàn không được cải thiện mà còn tệ hơn. Khi động cơ diesel hoạt động để sạc pin, nhiệt độ phòng máy nhanh chóng tăng cao, có thể lên đến hơn 38 độ C trước khi tỏa ra khắp tàu, kết hợp với nhiệt độ cơ thể của 80 con người khiến không gian bên trong tàu trở nên ngột ngạt, khó thở.

Tệ hại hơn, trên tàu có rất ít nước ngọt, tắm là thứ xa xỉ với lính tàu ngầm. 10 ngày hoặc lâu hơn, các thủy thủ mới được tắm một lần. Bên trong tàu ngầm bốc mùi đặc trưng rất khó chịu. Thứ mùi này là sự kết hợp của nhiên liệu diesel, mồ hôi cơ thể, khói thuốc lá, chất lỏng thủy lực, mùi thực phẩm và các nước thải.

Nguy hiểm rình rập

Cuộc sống trên tàu ngầm vốn là cực hình đối với thủy thủ nhưng còn tệ hại hơn khi họ tiến vào vùng nước của kẻ thù. Các tàu ngầm hoạt động như những “con sói cô độc” trên biển để săn lùng và tiêu diệt tàu thuyền đối phương, nên rất dễ bị đánh chìm nếu bị phát hiện.

5 tàu ngầm triển khai chiến đấu thì có một tàu bị đánh chìm. Ảnh: National Archives
5 tàu ngầm triển khai chiến đấu thì có một tàu bị đánh chìm. Ảnh: National Archives  

Trong số 263 tàu ngầm Mỹ triển khai làm nhiệm vụ trong Thế chiến II, 41 tàu bị đánh chìm, cùng 10 tàu chìm do tai nạn và các lý do khác. Như vậy, cứ 5 tàu ngầm triển khai làm nhiệm vụ thì có một tàu bị chìm. Điều đó khiến thủy thủ tàu ngầm trở thành công việc nguy hiểm nhất cuộc chiến.

Bên cạnh sự nguy hiểm từ kẻ thù, các tàu ngầm còn đối mặt với nguy cơ từ chính quả ngư lôi do tàu bắn ra. Các ngư lôi Mk14 phiên bản sản xuất đầu tiên không có cơ chế tự hủy, nên có xu hướng chạy vòng tròn nếu không trúng mục tiêu. Ít nhất một tàu ngầm Mỹ đã bị đánh chìm bởi quả ngư lôi do nó bắn ra.

Bất chấp nguy hiểm luôn rình rập, lực lượng tàu ngầm Mỹ vẫn lập chiến công hiển hách. Tàu ngầm Mỹ đã đánh chìm khoảng 1.400 tàu thuyền các loại của Nhật Bản, phá hủy hơn 5,5 triệu tấn hàng hóa. Ngoài ra, hạm đội tàu ngầm còn giải cứu 504 phi công bị bắn rơi trên biển.

Tàu ngầm còn sơ tán các nhân vật quan trọng ra khỏi khu vực nguy hiểm, trong đó có Tổng thống Philippines Manuel L. Quezon khi Nhật Bản xâm chiếm nước này. Các tổng thống Mỹ 36 lần trao tặng bằng khen và huân chương cho hạm đội tàu ngầm, trong đó 7 thuyền trưởng được trao Huân chương Danh dự cho hành động của họ trên biển.

Ngày nay, các thủy thủ tàu ngầm Mỹ tiếp tục nối tiếp truyền thống dũng cảm, gan dạ mà hạm đội tàu ngầm đã thiết lập trong Thế chiến II.