Cựu Giám đốc FBI 'chia rẽ' nước Mỹ

(PLO) - Theo Margaret Wente trên trang “The Globe and Mail”, sau buổi điều trần đặc biệt đáng chú ý của cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, dư luận tại Mỹ dường như đang bị chia ra làm hai phe. 
Nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc sau buổi điều trần của cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey
Nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc sau buổi điều trần của cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey

Tuy nhiên, phần đông ý kiến cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump “không hiểu các quy tắc, nguyên tắc tiêu chuẩn và các thông lệ” trong quản lý đất nước. 

Thực – hư “chuyện mật”

Thông thường, các Tổng thống Mỹ không can thiệp vào hoạt động điều tra của FBI, nhất là khi nó liên quan đến sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ năm 2016. Các Tổng thống cũng sẽ không dồn Giám đốc FBI vào chân tường trong một buổi ăn tối riêng tư và hành xử giống như một nhà lãnh đạo nhỏ nhen. “Tôi cần sự trung thành. Tôi mong đợi sự trung thành”, Tổng thống Trump nói nhỏ với ông Comey trong buổi tối đó. 

Tuy nhiên, ông Comey là một người thận trọng và đã bí mật ghi lại hết các nội dung trao đổi. Theo ông Comey, Tổng thống Trump là một kẻ nói dối. Nếu như nói rằng Tổng thống “còn bỡ ngỡ với công việc hiện nay” (theo như lời của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan) thì chẳng khác nào một lời chế nhạo. Vậy trong vụ việc này ai là người đáng tin hơn? Tự thân câu hỏi đã nói lên một phần đáp án. 

Vậy nhưng, hiện xuất hiện một phiên bản khác của câu chuyện. Đó là ông Comey, chứ không phải Tổng thống Trump, là người đang gặp rắc rối. Nhà lãnh đạo Mỹ đã được thanh minh hoàn toàn bởi cựu Giám đốc FBI đã buộc phải thừa nhận Tổng thống Trump không phải là đối tượng của bất kỳ cuộc điều tra nào.

Ông Comey chỉ tiết lộ với tờ New York Times một phần nội dung các cuộc đàm thoại nhạy cảm với Tổng thống Trump và kẻ nói dối thực sự lại chính là ông ta. Trong phiên điều trần kín ở Thượng viện hồi tháng trước, ông Comey cũng nói rằng Tổng thống Trump chưa bao giờ cố gắng can thiệp vào công việc điều tra của FBI. 

Tin giả?

Trên thực tế, phần cuối của câu chuyện này là sự tưởng tượng đầy bịa đặt của Jack Posobiec, một người theo thuyết âm mưu và tự xưng là nhà báo. Chính Posobiec đã đăng một dòng trạng thái về điều này trên trang mạng Twitter hồi tháng trước và thông tin đó đã nhanh chóng lan rộng trên các phương tiện truyền thông như một căn bệnh dịch hạch. Một số người thì nói rằng New York Times hay cho đăng tải những lời dối trá. 

Có ít nhất hai luồng “sự thật” đang tồn tại song song, cùng diễn ra, cùng ở trước mặt và không hề có điểm chung. Nếu coi đây là một khía cạnh của lịch sử chính trị thì những người theo hai trường phái quan điểm đối lập sẽ không bao giờ ngồi lại được với nhau. Nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc, không chỉ trong vấn đề chủng tộc hay giai cấp, mà còn trong hệ tư tưởng. Tất nhiên, mọi người luôn có nhãn quan chính trị khác nhau, nhưng điều khác biệt hiện nay là mỗi bên đều nhìn đối phương với lòng hận thù và thái độ khinh thường. 

Theo nhận định của David French trên trang National Review, “người Mỹ có khuynh hướng ngả theo các nhóm chính trị, không hẳn vì họ coi trọng những ý tưởng của mình mà vì họ coi thường các đối thủ”. Và hiện nay, nhờ có Internet, những người đồng tư tưởng thường tìm đến nhau. Đúng như French đã chỉ ra, hiện có tới 60% người Mỹ sống trong “các hạt thắng phiếu lớn”, nơi đảng thắng cử thường dẫn trước đối thủ tối thiểu 20% số phiếu trở lên. 

Tuy nhiên, không chỉ ông Trump có quan điểm chính trị cực đoan. Các nhóm chính trị khác cũng vậy. Cánh của Bernie Sanders là những kẻ to mồm nhất trong đảng, kêu gào quan tâm tới kinh tế nhiều hơn công bằng xã hội. Theo nhóm này, Tổng thống Trump và những kẻ giúp việc cho ông ta gần như đã bị Nga mua chuộc. Họ tin rằng cần luận tội Tổng thống Trump càng sớm càng tốt. 

Nhưng theo Margaret Wente, buổi điều trần của Comey có thể đã làm tổn hại uy tín của Tổng thống Trump, nhưng chưa phải là một cú nock-out. Chẳng hề có bất cứ tiết lộ nào cho thấy Tổng thống Trump không phù hợp với công việc hiện nay. Có chăng chỉ là những tranh cãi xung quanh đề xuất không phù hợp của ông đối với vị Giám đốc FBI, cho rằng đây là hành động gây cản trở công lý. 

Những câu hỏi lớn nhất đặt ra như mức độ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ đến đâu, liệu ông Trump hoặc bất kỳ người nào đó của ông ta có hợp tác với Nga hay không… thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời, và có thể sẽ không bao giờ tìm được lời giải. Có thể sẽ không ai tìm được chứng cứ. Các cuộc điều tra vẫn sẽ được tiến hành, kéo theo nhiều người tham gia và làm tê liệt tiến trình chính trị, cũng giống như cuộc chiến bè phái ở Washington đang gây chia rẽ đất nước...

Đọc thêm