Cựu Tổng thống Hosni Mubarak, đường từ “nắm đấm sắt” tới… tòa án

Sau một thời gian tạm hoãn, tuần qua phiên tòa xét xử cựu Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak của Ai Cập lại tiếp tục được nối lại tại thủ đô Cairo. Những người dân Ai Cập đã làm nên cuộc lật đổ chế độ Mubarak đang chờ đợi tòa án đưa ra những bản án thích đáng dành cho cha con vị cựu Tổng thống cùng các thuộc hạ nổi tiếng một thời độc tài “nắm đấm sắt”.


Sau một thời gian tạm hoãn, tuần qua phiên tòa xét xử cựu Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak của Ai Cập lại tiếp tục được nối lại tại thủ đô Cairo. Những người dân Ai Cập đã làm nên cuộc lật đổ chế độ Mubarak đang chờ đợi tòa án đưa ra những bản án thích đáng dành cho cha con vị cựu Tổng thống cùng các thuộc hạ nổi tiếng một thời độc tài “nắm đấm sắt”.

30 năm bạo ngược

Hành trình trở thành nhà lãnh đạo tối cao tại Ai Cập của Mubarak rất thuận lợi, sau khi ông thu được một chiến thắng quân sự trong cuộc chiến chống Israel năm 1973 khi còn là Tư lệnh không quân Ai Cập. Năm 1981, sau khi Tổng thống tiền nhiệm bị ám sát, Phó tổng thống Mubarak chính thức trở thành tổng thống. Thời gian đầu, Mubarak để lại ấn tượng về một con người khôn khéo, điều hành đất nước một cách kín đáo với thái độ trung dung.

sưghtde
Sau 18 ngày biểu tình của người dân, Mubarak đã bị lật đổ

Suốt thời gian cầm quyền tại Ai Cập, đảng Dân chủ Quốc gia (PDN) của ông Mubarak, được thành lập từ năm 1978, đã không nhường chỗ cho bất cứ lực lượng đối lập nào. Năm 2005, Tổng thống Mubarak tái đắc cử lần cuối với 88% phiếu bầu, trong cuộc bầu cử chỉ được 23% cử tri tham gia.

Trong kỳ bầu cử này, có duy nhất một người là luật sư được chấp nhận trở thành ứng cử viên cạnh tranh với ông Mubarak nhưng đối thủ duy nhất này đã phải chịu án tù 5 năm vì bị kết tội “giả mạo giấy tờ” trong khi chuẩn bị thủ tục thành lập đảng riêng. Tất cả những gì có thể dẫn đến sự thành lập một lực lượng chính trị độc lập với hệ thống quyền lực của đảng PDN đều bị ngăn chặn và đàn áp khốc liệt.

Mubarak rất kiên quyết với các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Chế độ Mubarak chỉ chấp nhận những người Hồi giáo bất bạo động. Các nhóm Hồi giáo tuân phục chế độ có quyền tổ chức các nghiệp đoàn, thậm chí những thành viên của họ có thể trở thành đại biểu quốc hội, nhưng không ai được phép thành lập đảng phái. Trong cuộc bầu cử năm 2005, các thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo đã giành được 88/444 ghế, bất chấp sự o ép của các lực lượng an ninh.

Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, cuối năm 2006, đầu năm 2007, hàng trăm thành viên của tổ chức này đã bị bắt giam. Bên cạnh đó, thái độ của Hosni Mubarak với tổ chức Anh em Hồi giáo rất mập mờ và nguy hiểm. Mặc dù tỏ ra kín đáo và chừng mực trong các thực hành tôn giáo cá nhân, ông Mubarak đã để cho các xu thế Hồi giáo chính thống có điều kiện trở lại mạnh mẽ trong xã hội. Luật Sharia của đạo Hồi đã được thừa nhận là nền tảng của luật pháp Ai Cập trong thời gian ông Mubarak nắm quyền.

Thái độ chính trị độc tài tương đối mềm mỏng của Mubarak có xu hướng trở nên đặc biệt cứng rắn sau mỗi lần xảy ra các vụ bạo động, khủng bố tại Ai Cập. Các cuộc đàn áp nhằm vào các lực lượng Hồi giáo cực đoan cũng được sử dụng để chống lại ngay chính xã hội dân sự nhằm bóp nghẹt mọi phản kháng chính trị và xã hội. Năm 2008, các cuộc bãi công của công nhân ngành dệt và xi măng bị đàn áp đẫm máu. Nhà lãnh đạo tối cao ngày càng mất hết thiện cảm của tuyệt đại đa số dân chúng và cuối cùng phải chấp nhận ra đi sau làn sóng biểu tình đầu năm ngoái.

Hầu tòa trên cáng

Hôm 3/1 vừa qua, người từng được coi là một nhân vật quyền lực nhất trong thế giới Arab đã phải tới hầu tòa, khi các phiên xét xử ông, hai con trai, cựu Bộ trưởng Nội vụ cùng sáu cựu quan chức an ninh được nối lại sau hơn 3 tháng tạm hoãn. Trong thời gian tạm nghỉ này, các luật sư của bên bị đã cố gắng yêu cầu thay thế thẩm phán chính khi cáo buộc ông có thành kiến đối với các bị cáo nhưng nỗ lực của họ đã không thành.

gvdf
Cựu Tổng thống Mubarak hầu tòa trên cáng

Ông Mubarak cùng các bị cáo trong phiên tòa này bị cáo buộc tham nhũng và giết hại người biểu tình trong làn sóng biểu tình dẫn tới sự sụp đổ chế độ của ông. Tuy nhiên khác với những bị cáo khác được lực lượng an ninh dẫn giải ra trước tòa, cựu Tổng thống đã phải nằm trên một chiếc cáng cứu thương. Bất chấp những kiến nghị từ các luật sư của ông Mubarak về tình trạng sức khỏe yếu của thân chủ, tòa án vẫn quyết định lôi vị cựu Tổng thống này ra xét xử. Người đàn ông quyền lực ngày nào giờ đây bị bệnh đau tim hành hạ, thậm chí còn có tin nói rằng ông bị ung thư và không thể tự đi lại kể từ sau khi mất chức.

Ông Mubarak là nhà lãnh đạo đầu tiên phải ra tòa kể từ sau cuộc nổi dậy được gọi là “Mùa xuân Arab” lan tràn khắp Bắc Phi và Trung Đông. Các công tố viên sẽ có 3 ngày để trình bày hồ sơ cáo buộc của họ đối với ông Mubarak, người mà họ gọi là một “nhà lãnh đạo bạo ngược”.

Vị cựu Tổng thống 83 tuổi sẽ phải đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội giết hại người biểu tình hồi tháng 2 năm ngoái. Theo cáo buộc, ông Mubarak phải chịu trách nhiệm về việc ra lệnh cho các tay súng bắn tỉa bắn hạ người biểu tình tại Quảng Trường Tahrir  - trung tâm của cuộc biểu tình chống lại Mubarak khiến gần 900 người thiệt mạng.

Ngoài ra, ông sẽ phải chịu mức án cao nếu bị kết tội đối với các cáo buộc tội tham nhũng, lạm quyền và phung phí tài sản công. Tuy nhiên, đến nay vị cựu tổng thống này vẫn khẳng định mình vô tội. Giống như Mubarak, cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib El Adly, sáu cựu quan chức an ninh và hai con trai Mubarak cũng đồng loạt bác bỏ các cáo buộc đối với họ.

Nhiều người Ai Cập rất quan tâm đến quá trình tố tụng tòa án và một số lo lắng rằng Mubarak có thể được tuyên bố trắng án trước các cáo buộc giết người sau khi 5 cảnh sát bị cáo buộc giết chết người biểu tình đã được tuyên bố trắng án hồi tuần trước. Người phát ngôn văn phòng công tố viên Ai Cập cho biết có thể thẩm phán phiên tòa sẽ đưa ra một phán quyết vào ngày 25/1, ngày kỷ niệm một năm cuộc cách mạng của người dân Ai Cập chấm dứt 30 năm cầm quyền của Tổng thống Mubarak.

Phiên tòa có thể làm thay đổi Trung Đông?

Theo giới phân tích, phiên tòa xử ông Mubarak đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Ai Cập và có thể làm biến đổi toàn bộ Trung Đông. Phiên tòa này đánh dấu việc lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Trung Đông hiện đại bị người dân của mình đưa ra xét xử.

Hội đồng quân sự, do Tướng Mohamed Hussein Tantawi (Bộ trưởng Quốc phòng kỳ cựu thời ông Mubarak) đứng đầu, đã hứa hẹn một sự chuyển tiếp nhanh chóng sang dân chủ tại Ai Cập, quốc gia đông dân nhất trong thế giới Arab. Tuy nhiên, nhiều người đã tỏ ra thất vọng trước việc hội đồng này tỏ ra miễn cưỡng đưa ông Mubarak ra xét xử, đồng thời họ cáo buộc các viên tướng đang trì hoãn cải cách để bảo vệ các lợi ích của mình.

Giờ đây, sau nhiều tuần tiếp tục biểu tình phản đối để buộc Hội đồng quân sự tối cao đưa ông Mubarak ra truy tố, những người biểu tình có thể cảm thấy tự tin hơn để tìm kiếm thêm những nhượng bộ.

Quân đội cũng có thể bị lôi vào một cuộc thẩm tra nghiêm túc. Luật sư của ông Mubarak đã tuyên bố muốn triệu tập khoảng 1,6 – 1,7 ngàn nhân chứng, trong đó có Tướng Tantawi. Luật sư này tuyên bố rằng chính Tướng Tantawi, chứ không phải ông Mubarak, đã hoàn toàn kiểm soát đất nước từ ngày 28/1, ngày chính quyền Ai Cập triển khai quân tại Cairo trong một nỗ lực bất thành nhằm kiểm soát các cuộc biểu tình. Chiến lược của luật sư có thể khiến quân đội lúng túng bởi vì họ đang tìm cách tránh ông Mubarak càng xa càng tốt.

Chiến lược này cũng phá hoại quyền lực của chính phủ chuyển tiếp, vốn đang loay hoay tìm cách dập tắt "sự say mê biểu tình" mới tại Ai Cập. 23 luật sư, đại diện cho 8 đồng bị cáo của ông Mubarak, cũng tuyên bố họ muốn triệu tập hơn 500 nhân chứng, trong đó có ông Tantawi, các tướng lĩnh quân sự khác và người đứng đầu cơ quan tình báo trước đây.

Với hàng chục luật sư khác, đại diện cho gia đình của 860 người biểu tình đã bị giết hại trong cuộc nổi dậy, tiến trình xét xử ông Mubarak có nguy cơ trở thành một "vở kịch pháp lý nhiều tập" càng khiến Ai Cập hỗn loạn và bất ổn hơn trong những tháng tới.

Ngọc Châu (Pháp luật & Thời đại)