Đại danh họa Van Gogh tự cắt tai hay bị người khác ngộ sát?

(PLO) -Danh tính người nhận chiếc tai của họa sĩ Hà Lan nổi tiếng Vincent Van Gogh được tiết lộ gần 130 năm sau khi ông tự tay xẻo tai mình ở Paris, Pháp...
Bức“Chân dung bác sĩ Gachet” có mức giá cao nhất mọi thời đại với 130 triệu USD
Bức“Chân dung bác sĩ Gachet” có mức giá cao nhất mọi thời đại với 130 triệu USD

Vào nửa cuối thế kỉ XIX, nền hội họa thế giới xuất hiện một họa sĩ bậc thầy: Vincent Van Gogh (1853 - 1890). Sáng tác với mật độ dày đặc, nhưng thật bi kịch là suốt cuộc đời, danh họa người Hà Lan phải sống trong cảnh nghèo túng vì tranh của ông không có người mua, duy nhất bức “Vườn nho đỏ”  bán được khi ông còn sống.

Nhưng 100 năm sau khi qua đời, tranh của thiên tài liên tục phá các kỷ lục thế giới về giá bán: Bức "Hoa diên vĩ" được bán với giá 53,9 triệu USD, "Hoa hướng dương" với giá 40 triệu USD, “Cánh đồng lúa mì và cây trắc bá” có giá 57 triệu USD, “Chân dung bác sĩ Gachet” có mức giá cao nhất mọi thời đại vào năm 1990 (82,5 triệu USD - giá quy đổi ngày nay là 130 triệu USD)!  

Tranh của Van Gogh có đặc điểm là màu sắc gây cảm xúc mạnh, nét bút thô, hình ảnh có đường viền lớn, tất cả mang bên trong nỗi đau khổ của một nghệ sĩ tài hoa, cô độc và bệnh tật.

Ra đi khi mới ở tuổi 37, ông để lại cho hậu thế một gia tài hội họa đồ sộ - chỉ trong 10 năm cuối đời, họa sĩ sáng tác hơn 2.000 tác phẩm, trong đó có khoảng 900 bức họa hoàn chỉnh và 1.100 bức vẽ hoặc phác thảo - cùng nhiều bí ẩn về cuộc đời khốn khó, đầy bi kịch của mình. Cho đến nay, người ta vẫn còn tranh cãi về hai trong số những bí ẩn đó: Chiếc tai bị cắt và cái chết của danh họa thiên tài người Hà Lan.

Bị bạn cắt tai?

Trong bức tự họa nổi tiếng nhất, Van Gogh mang vóc dáng của một người đàn ông gầy gò, bộ râu hung hung xồm xoàm, miệng ngậm tẩu, cổ quấn chiếc khăn trùm lên tận tai và trên đầu đội một chiếc mũ nhỏ. Bức tự họa ghi lại một câu chuyện đau lòng về cuộc sống cô độc và gàn dở của người họa sĩ. 

Giả thuyết được thừa nhận nhiều nhất là năm 1888, trong khi sống đơn độc tại Arles, Provence (miền nam nước Pháp), Van Gogh cho rằng cách đạt tới nghệ thuật hội họa của mình mang nhiều tính cá nhân nên muốn tập hợp một số họa sĩ để lập ra nhóm các họa sĩ Ấn tượng miền Nam, trong đó có Paul Gauguin và một số người khác.

Theo lời mời của Van Gogh, Paul Gauguin về Arles vào tháng 8/1888, sống trong căn nhà màu vàng, nơi mà trên tường Van Gogh đã trang hoàng bằng một loạt các bức họa “Hoa hướng dương”. Hai họa sĩ vẽ cùng với nhau và vì Gauguin cao tuổi hơn nên đã hầu như đóng vai trò một bậc đàn anh, một bậc thầy chỉ bảo để Van Gogh cải tiến đường lối hội họa. 

Gauguin cho rằng Van Gogh nên vẽ bằng trí nhớ, làm cho các nét vẽ bớt thô kệch và không nên dùng các màu phụ đối chọi cũng như tránh các màu gắt và chói mắt. Lúc đầu, Van Gogh nghe theo bạn và đã sáng tác họa phẩm “Người đọc tiểu thuyết”, nhưng rồi ông cho rằng cách vẽ như vậy thiếu hẳn chiều sâu tâm lý nên trở về lối làm việc cũ, khiến Paul Gauguin coi người em là một họa sĩ kiêu căng. Hai cá tính mạnh mẽ bắt đầu rơi vào xung khắc, đêm Giáng sinh năm 1888, một trận cãi cọ xảy ra và trong cơn nóng giận, Van Gogh đã ném cốc rượu vào mặt Gauguin, cầm dao đòi giết chết ông ta.

Không chịu đựng nổi, Gauguin bỏ đi và khi còn lại một mình, trong cơn điên loạn, Van Gogh đã dùng dao cạo cắt đứt vành tai trái của mình, gói rồi mang tặng cô gái làng chơi quen thuộc và từ đó trở đi thường xuyên phải đội mũ để che kín nửa đầu không có tai.

Tuy nhiên, cuối năm 2011, sau 10 năm nghiên cứu, Hans Kaufmann và Rita Wildegans, hai nhà khảo cứu người Đức về lịch sử nghệ thuật, công bố cuốn sách "Cái tai của Van Gogh: Paul Gauguin và thỏa ước im lặng". Hai học giả thuộc Đại học Hamburg đã phản bác giả thuyết chính thức nói trên, đưa ra luận giải khác - chính danh họa Paul Gauguin của Pháp đã đi một đường gươm, xẻo mất cái tai của Van Gogh trước khi bỏ đi.

Theo giả thuyết này, vì thấy Paul Gauguin thường xuyên qua lại với cô gái điếm có tên là Rachel, Van Gogh ghen tức. Năm 1888, cũng vì cô gái điếm này mà hai người nảy sinh cãi vã lớn. Sau khi bị Van Gogh ném cốc vào người, Paul Gauguin tức giận bỏ đi, Van Gogh cũng liền theo sau. Khi Paul Gauguin lại bước vào nhà thổ nơi Rachel hành nghề,  do quá phẫn nộ và ghen tuông nên danh họa đã xô xát với Paul Gauguin. Hoạ sĩ người Pháp trong lúc tức giận đã rút kiếm chém đứt tai bên trái của Van Gogh rồi ném hung khí xuống sông Rhone.

Quá bất ngờ trước hành động của người bạn, nhưng Van Gogh nhận thức được rằng nếu trình báo cảnh sát thì đó cũng là dấu chấm hết cho sự nghiệp đang lên của Paul Gauguin. Để tránh cho bạn khỏi tù tội, Van Gogh và Paul Gauguin đều đồng ý khai rằng đây chỉ là một vụ tự ý hủy hoại bản thân do thần kinh bị kích động.

Cũng trong lời giải thích của nhà sử học Hans Kaufmann, họ đã dựa vào bức thư cuối cùng mà danh họa Van Gogh gửi cho Paul Gauguin để kết luận. Trong thư, Van Gogh viết: "Anh im lặng thì tôi cũng sẽ như vậy". Theo Kaufmann, “Van Gogh đã bao che cho Gauguin vì ông hy vọng rằng làm như vậy thì sẽ khiến Gauguin trở lại sống chung nhà với mình”.

Chân dung họa sĩ Hà Lan nổi tiếng Vincent Van Gogh bị mất chiếc tai
Chân dung  họa sĩ Hà Lan nổi tiếng Vincent Van Gogh bị mất chiếc tai

Hay tự mình thực hiện?

Nhưng Tờ Guardian đưa tin, danh họa Hà Lan đã tự tay xẻo một bên tai của mình vào hôm 23/12/1888, tặng cho Gabrielle Berlatier - hầu gái làm việc tại một nhà thổ ở Paris - chứ không phải cô gái điếm Rachel như nhiều người lầm tưởng suốt 130 năm qua. 

Cô gái trẻ tên Berlatier được nhắc tới trong cuốn sách "Chiếc tai của Van Gogh: Câu chuyện thực sự" của nhà văn Bernadette Murphy xuất bản đầu tháng 7/2016. Nữ nhà văn cho biết con cháu của Berlatier đồng ý tiết lộ sự thật với điều kiện bà phải giữ kín tên của Berlatier.

Tuy nhiên, phóng viên tờ The Art Newspaper xác định được danh tính của người hầu gái này khi nghiên cứu ghi chép của Viện Pasteur ở Paris. Cuốn sách do Murphy viết có mô tả chi tiết quá trình chữa trị bệnh dại của Berlatier ở Viện Pasteur đầu tháng 1/1888 sau khi bị một con chó cắn. Berlatier, cô con gái 18 tuổi của một người nông dân sống gần Arles, Provence, sống sót nhờ được đưa tới Paris và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại mới.

Tuy nhiên, chi phí chữa trị khiến gia đình cô mắc nợ và cô phải làm hầu gái ở nhà thổ trên đường Rue du Bout d’Arles. Cô gái còn quá trẻ để trở thành gái điếm, theo Murphy. Bàn tay của Berlatier bị biến dạng do vết thương được sát khuẩn bằng bàn là nóng. "Gabrielle Berlatier có một vết sẹo khủng khiếp trên tay.

Van Gogh vẫn thường thương cảm cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Nhiều khả năng ông muốn tặng cho cô món quà là một phần da thịt của mình"- Murphy nói. Berlatier đã kết hôn sau đó và sống rất lâu, đồng thời giữ kín về cuộc gặp với Van Gogh và sự giúp đỡ âm thầm của ông.

Trước đó, lá thư của Felix Rey, bác sĩ của Van Gogh, cũng được công bố, cho thấy họa sĩ đã cắt cả tai chứ không phải một phần tai. 

Tự sát hay bị ngộ sát?

Trở lại chuyện trên, sau khi Gauguin bỏ đi, Van Gogh nhập viện và được em trai Theo chăm nom. Đầu năm 1889, ông trở lại căn nhà màu vàng nhưng liên tục phải đến bệnh viện vì bị ảo giác và hoang tưởng. Tháng 3 năm đó, cảnh sát quyết định đóng cửa ngôi nhà của Van Gogh.

Tháng 5/1890, Van Gogh rời bệnh viện, đến trị liệu với bác sĩ Paul Gachet ở Auvers-sur-Oise, gần Pari. Tại đây, ông cho ra đời hai họa phẩm sơn dầu khắc họa chân dung bác sĩ Gachet trong tâm trạng u sầu và một trong hai bức sau này đã trở thành bức họa đắt giá nhất thế giới.

Tình trạng bệnh lý của Van Gogh ngày càng trầm trọng, ngày 27/7/1890, ở tuổi 37, họa sĩ bước ra cánh đồng và tự bắn vào ngực bằng một khẩu súng lục. Không nhận ra rằng mình đã bị thương nặng, Van Gogh quay trở lại hoàn thành bức tranh “Chân dung Adeline Ravoux”.

Hai ngày sau, ông qua đời trên giường ngủ, câu cuối cùng mà em trai Theo nghe được từ miệng anh trai mình là: “Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi". Van Gogh được chôn tại nghĩa trang của vùng Auvers-sur-Oise. Chỉ 6 tháng sau cái chết của anh trai, Theo cũng nhập viện và mất ngày 25/1/1891, tại Utrecht. 

Tuy vậy, cái chết của danh họa người Hà Lan mới đây đã được lật lại. Các tác giả của cuốn tiểu sử “Van Gogh: The Life” cho rằng, ông không hề tự sát mà nhiều khả năng bị ngộ sát. Hai tác giả Steven Naifeh và Gregory White Smith cho biết, Van Gogh có thể đã bị một thiếu niên bắn chết không cố ý bằng một khẩu súng bị hỏng.

Naifeh khẳng định, có bằng chứng “rất rõ ràng rằng Van Gogh đã không mang theo giá vẽ ra các cánh đồng lúa mì với ý định tự bắn mình”. Theo ông, sử gia nghệ thuật nổi tiếng John Rewald đã ghi nhận được phiên bản của sự kiện này khi đến Auvers trong những năm 1930.

Ngoài ra, các chi tiết khác được tìm thấy cũng đã chứng thực cho lý thuyết trên, trong đó, có chi tiết viên đạn xuyên vào bụng trên của Van Gogh từ một góc xiên, chứ không thẳng như trường hợp tự sát.../.