Đằng sau vụ “Máy bay Mỹ ném bom sứ quán Trung Quốc tại Belgrade”

(PLO) -Ngày 17/6/2016, trong chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Trung Quốc tới Serbia, ông Tập Cận Bình đã đến đặt vòng hoa tại bia tưởng niệm những người Trung Quốc bị tử nạn trong vụ máy bay Mỹ ném bom phá hủy tòa đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư năm 1999. Tấn bi kịch gây nên bê bối ngoại giao giữa hai nước Trung – Mỹ 27 năm trước lại được khơi dậy... 
Một nhân viên sứ quán Trung Quốc được cấp cứu tại chỗ.
Một nhân viên sứ quán Trung Quốc được cấp cứu tại chỗ.

Phía Mỹ khẳng định đây là vụ oanh kích nhầm, nhưng nhiều người phía Trung Quốc thì không tin vào điều đó. Nhiều diễn biến quanh sự kiện này gần đây đã được phía Mỹ công bố…

“Trúng mục tiêu, đúng kế hoạch”

Vào lúc 21h46 giờ GMT, tức nửa đêm ngày 7/5/1999 theo giờ Belgrade, gần 5h sáng theo giờ Bắc Kinh, một chiếc máy bay ném bom chiến lược B-2 cất cánh từ căn cứ không quân Whiteman AFB ở bang Missuri đã tiến hành vụ tấn công vào mục tiêu trụ sở Tổng cục cung ứng vật tư quân nhu của Liên bang Nam Tư bằng 5 quả bom thông minh JDAM loại 2000 bảng. 

Được dẫn đường bởi hệ thống định vị toàn cầu qua vệ tinh, các trái bom đều đánh trúng tòa nhà mục tiêu; nhưng trên thực tế tòa nhà đó là tòa nhà làm việc của sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư, còn mục tiêu thật thì nằm cách đó tới 300 mét.

Vụ oanh kích này đã khiến 3 người Trung Quốc bị chết là Thiệu Vân Hoàn (phóng viên Tân Hoa xã), Hứa Hạnh Hổ và Chu Dĩnh (phóng viên Quang Minh Nhật báo), 20 người khác bị thương. Một làn sóng chống Mỹ lập tức nổi lên ở Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc.

Hàng ngàn thanh niên, sinh viên và dân chúng xuống đường biểu tình chống Mỹ, tấn công vào các cơ sở ngoại giao của Mỹ trên đất Trung Quốc 

Phía Mỹ khẳng định: Nguyên nhân dẫn tới sai lầm khủng khiếp này được xác định là do sai sót chết người trong đánh dấu vị trí mục tiêu trên bản đồ theo phương pháp tìm ngôi nhà ở địa điểm “Bulevar Umetnosti 2”, dữ liệu không chính xác, không hoàn chỉnh, thiếu sót trong trình tự thẩm tra mục tiêu, thiếu sự phối hợp với nhân viên tình báo…Tóm lại là như lời Tổng thống Bill Clinton khi đó: “Chúng ta đã phạm sai lầm có tính bi kịch, đáng xấu hổ”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đây là hành động cố ý của phía Mỹ bởi Nam Tư đã xây dựng ở đây một trạm tiếp sóng tín hiệu radar và trạm nghe trộm tín hiệu vô tuyến. Còn có giả thuyết khác cho rằng đây là hành động cố ý của Mỹ nhằm phá hủy những mảnh xác của chiếc máy bay tàng hình F-117 bị bắn hạ 4 tháng trước đã được Nam Tư trao cho Trung Quốc nghiên cứu, khi đó đang được cất giấu trong một căn hầm ngầm trong tòa sứ quán.

Ngoài ra còn có ý kiến khác cho rằng đây là “hành động chặt đầu” của Mỹ vì khi đó Tổng thống Nam Tư Milosevic đang có mặt tại đây. Tuy nhiên, đại sứ Trung Quốc Phan Chiến Lâm đều bác bỏ những giả thuyết này.

Các nhân viên sứ quán Trung Quốc được đưa đi cấp cứu trên xe cứu thương.
Các nhân viên sứ quán Trung Quốc được đưa đi cấp cứu trên xe cứu thương.

Giang Trạch Dân không nghe điện thoại xin lỗi của Bill Clinton

Năm 2004, cựu Tổng thống Mỹ B.Clinton xuất bản cuốn hồi ký “My Life” trong đó dành nhiều trang nói về những sóng gió ngoại giao trong quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian ông là chủ nhân tòa Bạch Ốc. B.Clinton đã viết tỷ mỉ những diễn biến xung quanh sự kiện ném bom nhầm sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư.

Đây là đoạn ông viết: “Ngày 7/5/1999, chúng ta hứng chịu thử thách tồi tệ nhất về chính trị trong cuộc chiến tranh Kosovo. Liên quân NATO ném bom vào sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, giết chết 3 công dân của họ. Tôi nhanh chóng tìm hiểu được rằng: bom đã đánh trúng mục tiêu đã định, nhưng mục tiêu được xác định dựa trên tấm bản đồ đã lỗi thời của CIA.

Tòa đại sứ Trung Quốc bị coi là tòa kiến trúc của chính phủ Serbia sử dụng vào mục đích quân sự. Sai lầm này là điều mà trước nay chúng ta luôn nỗ lực để tránh mắc phải…”

Ông Clinton viết: “Sau khi biết tin sứ quán Trung Quốc bị ném bom nhầm gây nên thương vong “tôi há hốc mồm kinh ngạc, cảm thấy rất bất an về sai lầm này, nên lập tức gọi điện thoại cho Giang Trạch Dân để xin lỗi. Giang Trạch Dân  không bắt máy, vì vậy tôi phải nhiều lần công khai bày tỏ xin lỗi trên các phương tiện truyền thông”.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc trong suốt một tuần sau đó không hề đưa tin chính phủ Mỹ đã lập tức xin lỗi về việc ném bom nhầm vào sứ quán của nước họ. Bất chấp lời xin lỗi công khai và bằng văn bản của Clinton, báo chí và các quan chức Trung Quốc vẫn khẳng định rằng Hoa Kỳ đã cố tình tấn công đại sứ quán.

Các rạp chiếu phim Trung Quốc đã bị cấm chiếu phim Mỹ và các đài phát thanh từ chối phát các bài hát Mỹ nhằm thể hiện thái độ phản đối. Một số tổ chức hacker Trung Quốc mở chiến dịch tấn công các trang web của Mỹ, gây nên cuộc chiến tranh mạng Trung-Mỹ khiến hàng trăm trang web của mỗi bên bị tê liệt. 

Nghi ngờ cơ quan tình báo Mỹ

Trong Hồi ký, ông Bill Clinton nhớ lại, một tuần sau khi xảy ra vụ việc, cuối cùng ông đã gọi được điện thoại cho Giang Trạch Dân. Ông kể: “Tôi nhắn lại lời xin lỗi và nói với Giang Trạch Dân: Tôi tin chắc ông hẳn không tin tôi cố ý ném bom sứ quán của ông.

Giang đáp, ông ta biết là tôi không làm thế; nhưng ông ta lại nói ông ta tin chắc trong Bộ Quốc phòng hoặc CIA có người bất bình với việc tôi có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc nên cố tình “làm trò ma mãnh” với tấm bản đồ, gây chia rẽ hai nước. Giang Trạch Dân  không tin là một nước có kỹ thuật tiên tiến như Mỹ lại phạm phải sai lầm như thế”.

Bà Madeleine K. Albright, Ngoại trưởng Mỹ khi đó cũng gửi lời xin lỗi tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Không rõ chuyện gì đã xảy ra

Ông James Ralph "Jim" Sasser, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc khi đó, năm 2015 đã nhận lời làm khách mời của Chương trình “Giải mật” trên Đài VOA. Ông Sasser kể: “Sau khi sửng sốt trước tin sứ quán Trung Quốc bị trúng bom, tôi gọi điện thoại cho Trợ lý An ninh quốc gia – đồng thời là Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống tại Washington: “Rốt cục vì sao chúng ta lại hành động như vậy?”.

Ông ta đáp: “Chúng tôi cũng không biết có phải người của chúng ta làm (ném bom) không, hay là người Serbia làm để gây rắc rối, Hiện nay chúng tôi không biết chắc là có phải là người của chúng ta làm hay không”.

Việc Mỹ ném bom sứ quán đã “kích nộ” người Trung Quốc. Ông Sasser kể lại: “Các sinh viên Bắc Kinh kéo đến sứ quán, đập vỡ cửa kính, ném chai xăng vào, phá tan xe hơi của tôi. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Thành Đô. Họ đốt phá tòa nhà Lãnh sự quán, suýt nữa thì tràn được vào bên trong. Tôi cảm thấy đó quả là một sai sót có tính bi kịch. Vì tấm bản đồ sai sót của CIA nên người ta đã ném bom nhầm chỗ.

Đại sứ quán bị những người biểu tình bao vây, suốt 3-4 ngày chúng tôi không thể ra bên ngoài. Những người biểu tình cũng bao vây nơi ở của chúng tôi. Tối nào cũng kéo đến ném đá. Tôi rất lo cho an toàn của vợ và các con. Họ còn ở lại trong nhà.

Con trai tôi gọi điện nói những người Trung Quốc ném đá rát dữ, họ còn leo tường định vào bên trong. Tôi rất sợ hãi, phải bảo vợ con rút vào ngôi nhà khác trong khuôn viên. Đó là nhà của Phòng thông tin, các cửa sổ đều có song sắt chắc chắn. Tối hôm đó họ rút vào ngôi nhà đó và núp dưới gầm bàn.

Tôi gọi điện thoại cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc định nhờ họ giúp bảo vệ gia đình tôi, nhưng họ không bắt máy. Cuối cùng tôi quyết định gọi cho Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Lý Triều Tinh – người rất quen thân.

Nửa đêm tôi đánh thức ông ta dậy, nói có việc cấp bách cần ông giúp đỡ, ông phải gọi người, gọi cảnh sát đến nhà riêng để bảo vệ vợ con tôi. Lý nói ông ta sẽ gắng hết sức. Khoảng 1 giờ sau, một xe cảnh sát vũ trang được điều đến khống chế đám người quá khích.

Sáng hôm sau, một người Trung Quốc là nhân viên làm trong sứ quán đến nhà tôi đưa vợ con tôi ra. Ông ấy suýt bị người ta dùng đá ném vỡ đầu. Chỉ một chút nữa thì hòn đá to tướng trúng đầu ông.

Mối liên hệ duy nhất của tôi với phía Trung Quốc là Bộ Ngoại giao. Chiều Thứ Bảy họ gọi điện bảo tôi tới Bộ này để nhận công hàm phản kháng của ông Bộ trưởng.

Tôi trả lời: sứ quán chúng tôi bị bao vây thế này, tôi không thể đến được. Sau đó họ gọi điện tới nói ông Bộ trưởng sẽ phản kháng qua điện thoại, và ông ta  đã làm như thế thật”...

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 61, ngày 11/7/2016)